Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức công khai Hợp đồng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Theo đó, tên dự án sẽ là: Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Do liên danh 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân; Công ty CP Mặt trời Vân Đồn; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn, tổng vốn đầu tư 11.119,625 tỷ đồng.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái triển khai trên diện tích 456,2ha thuộc địa bàn các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái. Trong đó điểm đầu tại Km70+108 (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn), điểm cuối tại Km150+339 (giao với đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối Dự án cầu Bắc Luân II, TP Móng Cái). Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012. Dự kiến khởi công vào cuối năm 2018.
Thời gian kinh doanh, khai thác theo phương án tài chính tại thời điểm đàm phán: 18,56 năm. Thời gian thực tế sẽ được xác định từ thời điểm dự án hoàn thành, được quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật và điều chỉnh theo quy định của hợp đồng dự án. Giá phí sử dụng dịch vụ sẽ từ 1.500-6.000 đồng/km tùy loại phương tiện. Mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo (sau 3 năm đầu) là 18%/3 năm. Mức tăng này là tạm tính và sẽ được điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT và các văn bản khác có liên quan.
Có thể bạn quan tâm
11:03, 01/10/2018
11:51, 01/10/2018
16:00, 01/10/2018
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã chủ động báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để đầu tư tuyến đường theo hình thức BOT. Tỉnh đã đề ra những yêu cầu chặt chẽ trong lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo hoàn thành dự án trong thời gian 22 tháng kể từ khi tỉnh bàn giao mặt bằng sạch.
Theo tổng hợp của các địa phương, có khoảng 1.681 hộ dân bị ảnh hưởng; 326 hộ phải tái định cư và 320 ngôi mộ phải di chuyển. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.454 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ GPMB phục vụ dự án là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, khu. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, các chính sách bồi thường, đền bù GPMB, cũng như làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương của tỉnh. Cùng với đó, tập trung giải quyết ngay vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của nhân dân từ cơ sở; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là biểu dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tích cực trong công tác GPMB.
Vân Đồn là 1 trong 3 địa phương của toàn quốc đang trong hành trình xây dựng Khu hành chính – kinh tế đặc biệt; với Cảng hàng không quốc tế, một khu du lịch biển đảo vịnh Bái Tử Long một phần của Di sản thế giới vịnh Hạ Long… Đường Cao Tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cửa khẩu biên mậu Việt -Trung ở Móng Cái sẽ góp phần hoàn thiện bức tranh giao thông, góp phần đưa Vân Đồn đến gần với với Đặc khu kinh tế
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đang triển khai nhiều dự án giao thông lớn đem lại diện mạo và sự phát triển kinh tế cho địa phương, được đánh giá là điểm sáng về hạ tầng giao thông trên toàn quốc như cao tốc Vân Đồn – Hạ Long, sân bay quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng…
Trước đó, hồ sơ mời sơ tuyển dự án đã được phát hành rộng rãi từ 9/3 đến 9/4/2018. Trong thời gian này, đã có 6 nhà đầu tư mua hồ sơ tham gia đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Đến ngày 19/4 tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành công tác sơ tuyển và cho biết đến ngày 2/7/2018 chính thức hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư.