Hải Dương: Doanh nghiệp vận tải mệt mỏi mùa COVID-19
Cơn bão COVID-19 lần 1 chưa kịp hồi phục, lần 2 lại diễn biến phức tạp hơn, các công ty vận tải hành khách tại thành phố Hải Dương sống dở chết dở.
Ông Nguyễn Quý Cường - Giám đốc Công ty Nam Việt Cường cho biết, đợt dịch hồi đầu năm, khi Sở Giao thông vận tải yêu cầu các công ty vận tải ngừng hoạt động để phòng chống COVID-19 công ty phải bù lỗ hơn 500 triệu. Sau khi hết lệnh cấm tới 2 tháng sau cũng chưa kịp hồi phục, lượng khách đi xe buýt chỉ còn 30 đến 40% lại tới đợt dịch này thứ 2. Đợt dịch thứ 2 này công ty chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp, vì tuyến Thanh Hà, thành phố Hải Dương là ổ dịch phải cách ly, cho nên cả lái xe và phụ xe của công ty đều phải đi cách ly, sau 14 ngày lại cách ly tiếp 14 ngày ở nhà.
“Chúng tôi hàng ngày vẫn phải trả lãi ngân hàng, lương công nhân, tiền dầu xe chạy vì xe buýt không có khách vẫn phải chạy không như tuyến xe khách. Chúng tôi đề nghị Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh sớm hỗ trợ các doanh nghiệp về các chính sách về thuế, phí, lệ phí; chế độ đối với người lao động; hỗ trợ giãn hoặc miễn giảm thuế, duy trì cho vay; miễn, giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ... Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất dành cho các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt theo đề án "Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020" cần sớm tới tay doanh nghiệp” - ông Cường cho biết thêm.
Theo Chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho người lao động không việc làm trong đợt COVID-19 đầu năm, kể cả người không tham gia bảo hiểm cũng được hưởng. Các doanh nghiệp đã kê khai danh sách theo thông báo của BHXH đến giờ chưa có. Được biết, các tỉnh bạn đã có mà ở tỉnh Hải Dương chưa doanh nghiệp nào được.
Cơn bão COVID-19 lần 1 chưa kịp hồi phục, lần 2 lại diễn biến phức tạp hơn, các công ty vận tải hành khách tại thành phố Hải Dương sống dở chết dở.
Theo Ông Phạm Văn Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương cho biết trong tổng số 240 xe của hãng thì có đến 135 xe chạy trên địa bàn TP Hải Dương phải dừng hoạt động. Dù không hoạt động nhưng mỗi ngày, 135 chiếc xe taxi này vẫn tiêu tốn cả triệu đồng chi phí các loại. Doanh thu từ những xe taxi còn lại hoạt động tại những địa phương khác trong tỉnh cũng sụt giảm do người dân hạn chế sử dụng dịch vụ công cộng vì lo ngại dịch bệnh.
Tình trạng một số bệnh nhân Covid-19 trong tỉnh gần đây có đi xe buýt nên tâm lý lo lắng, e ngại khi sử dụng dịch vụ này của người dân là điều không tránh khỏi, hiện tại người dân sử dụng dịch vụ này rất ít. Đợt dịch thứ hai diễn biến phức tạp hơn khiến tương lai các doanh nghiệp vận tải càng thêm mịt mờ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi chờ tiếp cận các gói hỗ trợ thì nhiều doanh nghiệp vẫn phải loay hoay để trả nợ cả gốc lẫn lãi, bởi đa phần doanh vận tải đều có xe thế chấp ở ngân hàng.
Được biết, Sở Giao thông vận tải, có thông báo từ 0 giờ ngày 29/8, các phương tiện vận chuyển khách công cộng nội tỉnh, liên tỉnh trên địa bàn TP Hải Dương (bao gồm vận chuyển khách bằng taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe tuyến cố định) được hoạt động trở lại bình thường nhưng chỉ chở tối đa 50% số ghế trên xe.
Các phương tiện hoạt động phải trang bị dung dịch sát khuẩn, thùng rác có nắp đậy, thực hiện khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và sau khi kết thúc chuyến đi. Tất cả người điều khiển phương tiện, người phục vụ và hành khách phải đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga, bến xe và trên các phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình. Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi, không khạc nhổ bừa bãi và khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện...
Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo trực tiếp với cơ quan chức năng, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế theo số điện thoại 0866028926 hoặc Bộ Y tế theo số điện thoại 19003228, 19009095 và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn kịp thời.
Có thể bạn quan tâm