Để công nhân Việt Nam thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu
Bài toán nâng cao năng suất lao động luôn là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập sâu rộng toàn cầu.
Tại buổi đối thoại sáng 20/5 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hơn 800 công nhân lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề "Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn" tại tỉnh Hà Nam, bên cạnh việc lắng nghe từ phía người lao động, người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ “đặt hàng” lại chính các công nhân để công nhân lao động thực sự trở thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.
Năng suất lao động- bài toán khó
Báo cáo Việt Nam 2035 cũng đã chỉ rõ mối quan ngại số một của Việt Nam chính là năng suất lao động (NSLĐ).
Theo ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 ước đạt 92,1 triệu đồng, đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế khoảng 35,4%.
"Tuy nhiên, cần thẳng thắn thừa nhận thành tích tăng NSLĐ của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, chứ chưa theo chiều sâu do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, chưa phải là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế", ông Tuấn nhấn mạnh.
Báo cáo vừa được công bố mới đây của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho thấy, sự méo mó trong tăng trưởng NSLĐ đang tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, báo cáo của VEPR cho biết, NSLĐ của 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia).
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi là dẫn dắt cho nền kinh tế, có đóng góp cho xuất khẩu cao nhưng NSLĐ chưa cao. Trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.
"NSLĐ của Việt Nam ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải, kho bãi và truyền thông hiện thấp nhất trong các nước so sánh, xếp sau cả Campuchia", báo cáo của VEPR cho biết.
Cùng với đó, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á và Đông Nam Á khác và vẫn thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%).
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng sẽ “đặt hàng” các công nhân đồng bằng sông Hồng
08:10, 20/05/2018
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm bếp ăn công nhân ở Tân Thuận
18:32, 06/05/2018
Tìm giải pháp cho hơn 1.900 công nhân Texwell Vina không có việc làm
14:32, 01/03/2018
Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ doanh nghiệp nợ lương hơn 1.000 công nhân tại Đồng Nai
17:17, 11/02/2018
Đặc biệt, các chuyên gia còn nhận định, NSLĐ của Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu phát triển. Cụ thể, với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011-2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau, khi mà tốc độ tăng NSLĐ đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.
"Điều này đồng nghĩa với chi phí sản xuất ở Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn, tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi mà nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế", ông Ngô Văn Tuấn nói.
Đồng thời, bằng việc đưa ra tỉ lệ chênh lệch cao và có hướng vi phạm nguyên tắc chung giữa tốc độ tăng năng suất và tốc độ tăng tiền lương, TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR còn nhận định: “Với trường hợp của Việt Nam, lương đang tăng nhanh hơn năng suất, làm “ăn mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp”.
Nâng cao yếu tố nền tảng
Có thể nói, nâng cao NSLĐ luôn là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia và chỉ có tăng NSLĐ, Việt Nam mới có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 (tháng 1/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: "Tăng trưởng và phát triển là một cuộc đua marathon đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo".
Rõ ràng, Chính phủ đã xem tăng NSLĐ là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, nâng cao NSLĐ theo hướng nào vẫn luôn là bài toán khó với Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Trả lời cho vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, tất cả các chính sách cải cách đều phải hướng tới tăng năng suất gồm cải cách thể chế, thay đổi công nghệ, phát triển thị trường, hội nhập quốc tế...mà ở nghiên cứu của VEPR là tập trung vào thị trường lao động.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng, với những nước đang trong giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam thì giải pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất để tăng nhanh NSLĐ là thu hút FDI vào các hoạt động dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao hơn.
Như vậy, để nâng cao NSLĐ, các chuyên gia đều cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các vấn đề chính. Thứ nhất, cần đảm bảo phân bổ nguồn lực phù hợp, trong đó chú trọng đến nguồn lực đất đai và vốn. Để cải thiện NSLĐ, Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động.
Thứ hai, nâng cao năng suất các TFP, cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. TFP ngày càng đóng góp tăng trong tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, chất lượng chính sách của Việt Nam cũng cần được cải thiện để qua đó, Chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả. Tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ…
Thứ ba, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV đổi mới, sáng tạo.
Thứ tư, chủ động hội nhập quốc tế, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Nếu thực hiện đồng bộ được những giải pháp này, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn là thách thức với một nước đi sau như Việt Nam, trái lại sẽ là cơ hội bứt phá cho việc tăng trưởng kinh tế mà nền tảng là nâng cao NSLĐ.
Được biệt, tại cuộc đối thoại lần này, người đứng đầu Chính phủ cũng sẽ “đặt hàng” lại chính các công nhân đang trực tiếp sản xuất về những vấn đề liên quan đến Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những giải pháp thiết thực để công nhân lao động thực sự trở thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập.