Nghiên cứu chế độ lương hưu đặc thù cho công nhân ngành nặng nhọc, độc hại

Thy Hằng 20/05/2018 13:01

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần lưu ý vần đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân tại các hầm lò ngành than và các ngành khác nặng nhọc, độc hại.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với gần 1.000 công nhân sáng ngày 20/5, công nhân Hoàng Thúy Lan – Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Đồng (Quảng Ninh) bày tỏ lo lắng, theo quy định Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018 hầu hết người lao động nữ về hưu có mức lương hưu được hưởng thấp hơn từ 4% - 10% so với nghỉ hưu từ năm 2017, trong khi đó lao động nam chỉ bị giảm từ 2% đến 10% sau 5 năm. Trong khi đó, nguyện vọng của lao động nữ rất muốn được bình đẳng tính lương hưu giống như lao động nam kể từ ngày 1/1/2018.

Công nhân Hoàng Thuý Lan

Công nhân Hoàng Thuý Lan bày tỏ lo lắng về lương hưu của lao động nữ nhiều thiệt thòi.

Ngoài ra, công nhân Hoàng Thuý Lan còn cho biết, hiện tại Quảng Ninh, công nhân lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò ngày càng sâu và vất vả, khó thu hút lao động. Họ đang được nghỉ hưu ở độ tuổi 50 với 30 năm đóng BHXH. Tuy nhiên theo quy định của BHXH, đến năm 2022 lao động nam phải đảm bảo 35 năm đóng BHXH thì mới được hưởng tỉ lệ lương hưu tối đa 75%. Như vậy trong trường hợp này, tỉ lệ lương hưu chỉ đảm bảo ở mức tối đa 65% (khi nghỉ hưu ở 50 tuổi). Công nhân này e ngại, như vậy càng khó khăn thu hút thợ lò và đảm bảo cuộc sống của họ khi nghỉ hưu. 

Trả lời về vấn đề mức hưởng lương hưu thiệt thòi đối với lao động nữ về hưu từ 1/1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ LĐTB&XH hoàn thiện nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội với quan điểm chung là không để lao động nữ thiệt thòi. 

“Vần đề nghỉ hưu sớm và hưởng chế độ lương hưu đặc thù của công nhân làm việc trong các hầm lò ngành than và các ngành khác nặng nhọc, độc hại, cần được tiếp thu, nghiên cứu khi trình Quốc hội sửa Luật Bảo hiểm xã hội”, Thủ tướng khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Công nhân Việt không thể bỏ lỡ Cách mạng công nghiệp 4.0

    Công nhân Việt không thể bỏ lỡ Cách mạng công nghiệp 4.0

    11:10, 20/05/2018

  • Cải cách tiền lương: Không tạo kẽ hở để ép lương người lao động

    Cải cách tiền lương: Không tạo kẽ hở để ép lương người lao động

    10:04, 20/05/2018

  • Để công nhân Việt Nam thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu

    Để công nhân Việt Nam thành công nhân khu vực, công nhân toàn cầu

    08:30, 20/05/2018

  • Thủ tướng sẽ “đặt hàng” các công nhân đồng bằng sông Hồng

    Thủ tướng sẽ “đặt hàng” các công nhân đồng bằng sông Hồng

    08:10, 20/05/2018

Giải đáp thêm lo lắng của người lao động, bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội giải đáp, trong những năm qua, vấn đề bình đẳng giới luôn được Quốc hội rất chú trọng, quan tâm. Quốc hội cũng thường xuyên có những hoạt động lồng ghép, trao đổi về vấn đề này.

Đặc biệt về vấn đề quyền lợi của phụ nữ khi về hưu, thì thời gian qua, Quốc hội có nhiều quyết sách về việc này. Trong đó có việc dù chênh lệch tuổi nghỉ hưu 5 năm, có chênh lệch 5 năm trong thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhưng lao động nữ vẫn sẽ được hưởng lương hưu như lao động nam, tức là đều được hưởng 75% lương hưu.

Còn về vấn đề lao động nữ kiến nghị liên quan đến những chính sách về bảo hiểm xã hội, thời gian tới Quốc hội cũng sẽ có chế độ chăm lo cho lao động nữ. “Đối với những chị em làm việc ở môi trường lao động nặng nhọc, pháp luật cũng quy định những công việc quá nặng nhọc thì cấm sử dụng lao động nữ”, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội giải đáp.

Ngoài ra, bà bà Nguyễn Thúy Anh cho biết: Bộ luật Lao Động cũng có phân biệt tuổi nghỉ hưu của lao động nặng nhọc với các đối tượng lao động khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị người chủ doanh nghiệp cũng phải có những chính sách để chăm lo tốt nhất cho lao động nữ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo tính toán, từ ngày 1/1/2018, khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thì đối tượng lao động nữ bị ảnh hưởng sẽ là 21.000 người, trong đó có 3.000 người có mức độ thiệt hơn.

“Nhiều đại biểu cho rằng cần phải sửa chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Về vấn đề này, Bộ LĐTBXH đang trình các bộ ngành theo hướng sử dụng lãi để cấp bù cho 3.000 người này, đảm bảo quyền bình đẳng giới và nhất định không để chị em phụ nữ bị thiệt thòi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Thy Hằng