Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Doanh nghiệp chủ động thích ứng
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được coi là cơ sở dữ liệu quốc gia đóng góp vào công tác điều hành, hoạch định chính sách của Chính phủ, địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực và cho cả doanh nghiệp.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016 của doanh nghiệp được cải thiện hơn 5 năm trước đây.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển dịch cơ cấu của doanh nghiệp
Giai đoạn 2011-2016 xu hướng chuyển dịch cơ cấu loại hình kinh tế đã thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước, cụ thể DNNN giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2000, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp đối với các chỉ tiêu cơ bản tăng dần trong giai đoạn 2011-2016, đặc biệt khu vực doanh nghiệp FDI năm 2016 chiếm tỷ lệ chi phối về lợi nhuận trước thuế trong toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, thể hiện xu hướng kinh doanh hiệu quả của khu vực này.
Tuy vậy, xét theo ngành, công nghiệp và xây dựng tiếp tục thu hút nhiều lao động, tạo ra lợi nhuận và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ lệ cao nhất về số doanh nghiệp, vốn và doanh thu, đồng thời là khu vực đang phát triển nhanh hơn các khu vực còn lại. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện có quy mô nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực này và có tỷ lệ đóng góp ngày càng giảm so với các khu vực khác.
Mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế
Từ kết quả điều tra mẫu 3.500 doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo (ngành có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế) cho thấy, mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp như sau: Có tới 94,5% doanh nghiệp cho rằng họ biết đến các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Chỉ có 5,5% doanh nghiệp không biết đến các hiệp định.
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký với các đối tác như sau: Hiệp định với cộng đồng kinh tế ASEAN có tới 81,1% số doanh nghiệp đánh giá có ảnh hưởng; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có 77,1%; Việt Nam - Nhật Bản 69,1%;Việt Nam - Hàn Quốc 62,4%; Việt Nam - Liên Minh Châu Âu 61,0%; Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu 57,6%; các hiệp định khác chỉ có 5,6%.
Có tới 94,5% doanh nghiệp cho rằng họ biết đến các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Chỉ có 5,5% doanh nghiệp không biết đến các hiệp định.
Trong các nội dung của hiệp định thương mại, thì nội dung về thương mại hàng hóa có tác động tích cực nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp với 38,8%, có 36,8% doanh nghiệp cho rằng đầu tư là nội dung tiếp theo tác động tích cực, thương mại điện tử là 35,1%, lao động là 31,2%, thấp nhất là chính sách cạnh tranh chỉ có 24,6% doanh nghiệp cho rằng tác động tích cực.
Mong muốn từ doanh nghiệp
Khi đề cập đến những mong muốn của doanh nghiệp từ Chính phủ, các cơ quan Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại, thì có tới 84,6% doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, 69,4% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về hiệp định, 55,3% doanh nghiệp muốn có được thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, 48,9% doanh nghiệp muốn có thông tin về thị trường trong nước.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập của nền kinh tế hiện nay, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể.
Đồng thời, có giải pháp loại trừ nhũng nhiễu của các sở, ban ngành và cá nhân ở các cấp hành chính đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp… Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, nền kinh tế đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới.