Đây là con số được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố tại buổi họp báo công bố Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được tổ chức sáng 19/9.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là tổng điều tra kinh tế lần thứ 5, cuộc tổng điều tra gần nhất là vào năm 2012.
Có thể bạn quan tâm
18:00, 13/09/2018
05:30, 13/09/2018
04:24, 04/09/2018
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tăng 13,7%, tương đương 0,7 triệu đơn vị và thu hút 26,9 triệu lao động, tăng 18,6%, tương đương 4,2 triệu lao động. Bình quân mỗi năm tăng 2,6% về đơn vị, 3,5% về lao động, tăng thấp hơn giai đoạn 2007 – 2012 tương ứng 5% và 6,7%.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số lượng đơn vị và lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, năm 2017, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9% so với năm 2012. Số đơn vị hành chính sự nghiệp năm 2017 tăng 2,3% và lao động tăng 11,3% so với năm 2012, trong đó các đơn vị hành chính tăng không đáng kể, chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp.
Đáng chú ý, doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 51,6% so với năm 2012.
Khối doanh nghiệp thu hút hơn 14 triệu lao động, tăng 28,2% (tương đương 3,1 triệu người) so với năm 2012.
Trong đó, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động điều tra được là 505,1 nghìn doanh nghiệp và 12,86 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký nhưng đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong số doanh nghiệp, có 10,1 nghìn doanh nghiệp lớn, tăng 29,6% (tăng gần 2,3 nghìn doanh nghiệp) so với thời điểm 1/1/2012 và chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 1,9%.
Số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (gọi chung là doanh nghiệp nhỏ và vừa) là 507,86 nghìn doanh nghiệp, tăng 52,1% (tương đương 174 nghìn doanh nghiệp) so với thời điểm 2012, chiếm 98,1%.
Một số liệu khác được Tổng cục Thống kê công bố, đó là ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp tiếp tục tăng nhưng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức độ thấp.
Theo đó, tính đến thời điểm 1/7/2017 số lượng đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp có sử dụng máy tính tăng từ 9,9% năm 2012 lên 15,6% năm 2017, số cơ sở có kết nối internet tăng từ 8,7% lên 41,4%, số đơn vị có website tăng từ 1,1% lên 2,7%.
Số doanh nghiệp có kết nối internet tăng lên đáng kể, tăng 5,1% điểm phần trăm so với 2012, với 86,2% doanh nghiệp có máy tính và 85,1% doanh nghiệp có kết nối internet trong tổng số doanh nghiệp.
So với năm 2012, số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng máy tính tăng từ 89% lên 98%, sử dụng internet đạt 95%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, mục đích sử dụng internet còn khá đơn giản, chủ yếu để gửi và nhận thư điện tử, tìm kiếm thông tin, học tập nghiên cứu, trong khi tỷ lệ cơ sở sử dụng máy tính và internet để điều hành tác nghiệp chỉ đạt 36%, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 12,6%.
“Xét theo mức độ cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến qua internet, chỉ có 1,2% tổng số cơ sở ở mức độ 4, trong đó số cơ quan Trung ương đạt mức độ 4 chiếm 12,8% tổng số cơ quan Trung ương", ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.