Quý 4 là thời điểm vàng để các điểm du lịch của Việt Nam hút khách quốc tế. Do vậy, con số 17 - 18 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 vẫn là mục tiêu khả thi.
Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết sau 9 tháng kể từ đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt, chiếm 84,9% lượng khách quốc tế, tăng 38,7%. Khách đường bộ đạt gần 1,8 triệu lượt, chiếm 13,8%, tăng 68,1%.
Trong tháng 8, Việt Nam đón 1,433 triệu lượt khách, đưa tổng số khách ngoại vượt 17% so với giai đoạn hoàng kim trước đại dịch, đạt 11,4 triệu lượt khách so với hơn 11,3 triệu lượt khách quốc tế sau 8 tháng năm 2019. Tuy nhiên, có điểm cần lưu ý, trong khi tháng 9 là giai đoạn bước vào cao điểm nhưng lượng khách quốc tế lại chỉ còn 1,27 triệu lượt, giảm khoảng 300.000 lượt khách so với cùng kỳ 2019. Điều này khiến tổng lượng khách quốc tế đến VN sau 9 tháng năm 2024 lại kéo về thấp hơn khoảng 100.000 lượt khách so với đỉnh 2019.
Chỉ còn 3 tháng để bứt tốc khoảng 5 triệu lượt khách, kéo theo quan ngại về khả năng ngành du lịch không đạt mục tiêu đề ra trong năm nay. Nỗi lo càng tăng khi thị trường trọng điểm trước dịch là Trung Quốc vẫn cách khá xa mức phục hồi hoàn toàn. Đến hết năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế. Từ đầu năm đến nay, sau nhiều nỗ lực, Trung Quốc đã vươn lên là thị trường khách quốc tế lớn thứ 2 của du lịch Việt Nam (sau Hàn Quốc). Tuy vậy, tính đến hết tháng 8, Việt Nammới đón gần 2,45 triệu lượt khách Trung Quốc, chỉ bằng 72,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vấn đề này, đại diện Cục Du lịch quốc gia cho rằng tuy thị trường lớn nhất của Việt Nam trước dịch là khách Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn nhưng tốc độ tăng trưởng từ tháng 7 đến nay khá khả quan. Bù lại nữa, chúng ta đã khai thác khá tốt nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường khách châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch… và đặc biệt là thị trường Ấn Độ.
Vừa qua, Việt Nam đã đón thành công đoàn 4.500 du khách Ấn Độ, đóng góp lớn vào tăng trưởng du lịch trong tháng. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia trong 8 tháng, lượng khách Ấn Độ tăng tới 263% so với cùng kỳ 2023, đạt 312.000 lượt, đưa thị trường tỉ dân mới nổi này lên vị trí thứ 8 trong 10 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đông nhất.
Để đón lượng khách Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch quốc gia đã xây dựng chiến lược đẩy mạnh xúc tiến du lịch với thị trường đông dân nhất thế giới này. Cụ thể, các sự kiện đã được tổ chức như: Ngày Việt Nam tại Ấn Độ, diễn đàn xúc tiến du lịch giữa 2 quốc gia, các chương trình giới thiệu du lịch tại các hội chợ quốc tế...
Bên cạnh việc các hãng hàng không của Việt Nam mở thêm đường bay thẳng tới các thành phố lớn của Ấn Độ, Cục Du lịch quốc gia cũng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp trên cơ sở nghiên cứu kỹ các hành vi tiêu dùng cũng như sở thích của người Ấn Độ. Đây là những sản phẩm du lịch cao cấp, đặc thù để đáp ứng nhóm khách có nhu cầu chi tiêu cao đến từ Ấn Độ. Đặc biệt, trong tháng 10 này, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành, các địa phương có điểm đến hấp dẫn để tổ chức chương trình quảng bá du lịch VN với quy mô lớn tại Ấn Độ.
"Cùng với đó, quý 4 là thời điểm vàng để các điểm du lịch của VN hút khách quốc tế đến từ Mỹ, châu Âu khi các nước này bước vào mùa nghỉ đông. Do vậy, con số 17 - 18 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 vẫn là mục tiêu khả thi", đại diện Cục Du lịch quốc gia nhìn nhận.
Từ phía hiệp hội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tự tin đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt du khách quốc tế cho cả năm 2024, cao hơn cả mục tiêu 18 triệu lượt mà ngành du lịch đề ra. Chủ tịch Hiệp hội Vũ Thế Bình lý giải: Con số mạnh dạn này dựa trên cơ sở độ mở của chính sách thị thực và quyết tâm của các doanh nghiệp du lịch. Quan trọng nhất là nếu so với tiềm năng và nhu cầu của ngành du lịch thì con số 18 triệu lượt khách quốc tế vẫn còn khá thấp. Do đó, các doanh nghiệp đều đang rất nỗ lực để kéo đà bứt phá nhanh hơn, mạnh hơn nữa.
Để làm được như vậy, theo ông Vũ Thế Bình, các doanh nghiệp rất mong từ phía nhà nước sẽ có thêm những chính sách mở hơn, đột phá hơn. Nhìn xung quanh, chính sách visa của các nước thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách. Chúng ta có nhiều cố gắng nhưng chưa linh hoạt bằng các nước. Các chính sách hỗ trợ DN du lịch tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư nâng cấp, làm mới hệ thống sản phẩm, dịch vụ hoặc giảm gánh nặng chi phí cũng còn rất "yếu", gần như không tiếp cận được…
"Muốn du lịch đột phá, vượt lên trên mạnh mẽ hơn thì đòi hỏi sự đầu tư thật sự, quan tâm thật sự từ chính sách. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định lâu nay, việc triển khai chính sách của chúng ta rất chậm và khó. Vì thế, các đơn vị, doanh nghiệp hiện nay cần tận dụng triệt để những cái chúng ta đang có, khai thác mức cao nhất việc liên kết để tạo ra sản phẩm tốt, mở rộng nguồn khách tới Việt Nam. Trong đó, chú trọng chuyển đổi du lịch xanh, du lịch số, tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng cũng như xu hướng du lịch bền vững mà cả thế giới đang hướng tới. Có sản phẩm du lịch tốt, đánh trúng nhu cầu thì sẽ thu hút được đa dạng nguồn khách và giữ chân họ ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn", ông Vũ Thế Bình nói.