Đô thị Việt oằn mình gánh thảm họa
Đô thị Việt Nam đi lên với hình thái dàn trải, phát triển xôi đỗ với chủ yếu là nền kinh tế hộ gia đình, liệu có đương đầu với tương lai bất định nhiều thảm họa của thế kỷ XXI?
Nếu thất bại trong quá trình đô thị hóa, chúng ta cũng sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa” – câu nói của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị Đô thị 2009 đã trở thành hiện thực.
Các con số đột biến và ẩn chứa hiểm họa
Năm 2019, GDP của hai thành phố lớn nhất (TP.HCM và Hà Nội) chiếm đến 42% GDP cả nước, khi diện tích chỉ chiếm 1,6% và dân số 17%. Tuy nhiên, hãnh diện đô thị chỉ như ảo ảnh, khi ba năm liền, dân số tăng thêm hơn 3 triệu nhưng TP.HCM tăng GDP không đáng kể do mô hình tăng trưởng tới hạn, hầu như các đô thị bị lệ thuộc nền kinh tế đất khó kiểm soát hình thái phát triển, nhiều năm hạn mặn cháy đất Đồng bằng sông Cửu Long làm tăng nhanh dòng di cư vào đô thị, lũ lụt triền miên với đỉnh triều 2,4m ở trung tâm Sài Gòn cũ, và nay là đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán lan rộng ra toàn cầu…
Dẫn dắt bởi những người di cư trẻ, đô thị hóa ở Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á, tăng 3% mỗi năm kể từ 2010 so với trung bình khu vực là 2,5%. Xu hướng ly hương càng tăng nhanh từ 2015 đến nay, chủ yếu ở độ tuổi 20 – 29.
Đô thị bành trướng do được tiếp sức từ quá trình dịch cư nông thôn, dễ hiểu tại sao gia tăng các khu dân cư tự phát bên rìa thành phố, chúng được giấu đằng sau vô số khu đô thị hiện đại, những khu quy hoạch mới. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ thị trường bất động sản rất sôi động, kéo theo nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất.
Năm 2019, thống kê chính thức dân số TP.HCM là 8,9 triệu dân và Hà Nội sau khi phình to đột ngột là 8,11 triệu. Than ôi thành phố không phải nơi chỉ để ngủ và đăng ký hộ khẩu, mà luôn có thêm 1/3 dân co dãn theo chân việc làm, cơ hội, du lịch và trao đổi… dẫn đến TP.HCM có số dân sinh sống thực trên 13 triệu và Hà Nội là 11 triệu người. Nếu không có chính sách đô thị hóa hợp lý, 2 thành phố này sẽ tăng tự phát dân số lên 15 – 20 triệu để gia nhập 20 siêu thành phố lớn nhất thế giới. Cả 2 thành phố, theo ý chí lãnh đạo kỳ vọng sẽ đóng vai con gà đẻ trứng vàng, đã không còn giải pháp đáp ứng đủ nhà ở, hạ tầng, việc làm, giảm ô nhiễm và dính kết xã hội trong thời gian quá ngắn như vậy, nói chi đến tăng trưởng và ứng phó thảm họa, dịch bệnh.
Đáng buồn hơn nữa, hơn 600 đô thị loại 5 và 6 đang gồng mình thành đô thị (khi phải đi vay diện tích và dân số vùng nông thôn liền kề cho đủ chuẩn lên đô thị), khó kiếm đủ nguồn lực đầu tư để có kinh tế và nơi chốn theo đúng nghĩa đô thị.
Chính sách đô thị hóa của Việt Nam còn lệch lạc, biểu hiện ở nâng cấp đô thị cho nợ diện tích và dân số, đánh đổi nông thôn để mở rộng đô thị, mỗi tỉnh hiện đang quy hoạch chạy trước quy hoạch vùng và quốc gia, trái luật quy hoạch và sẽ cắt rời tính liên tục không gian làm mất hiệu quả đô thị. đô thị hóa bằng mọi giá như vậy sẽ làm đô thị liên tục phình to và rỗng về chất.
Điểm nghẽn và sụp đổ đô thị?
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có 5 điểm nghẽn lớn đối với tương lai đô thị Việt Nam:
Thứ nhất: Trình độ lao động đô thị thấp (năm 2015 có 80% lao động đô thị không bằng cấp chuyên môn), lại chỉ tập trung lao động bậc cao ở thành phố lớn.
Thứ hai: Hạ tầng giao thông yếu kém khi đất giao thông Hà Nội bình quân đầu người là 4,8m2, TP.HCM là 2,9m2, bằng 20-25% chuẩn quốc tế. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh, sử dụng ô tô cá nhân ồ ạt làm tắc nghẽn đô thị, trong khi giao thông công cộng chỉ gánh được 8 – 11% (số lượng xe cá nhân bán ra tăng 39%/năm, dẫn đầu Đông Nam Á).
Thứ ba: Đô thị hóa đi kèm với thách thức môi trường nghiêm trọng gây nguy cơ cho sức khỏe dân cư và nền kinh tế (chỉ riêng bụi mịn PM theo chuẩn WHO là 20 ug/m3/năm, thì Hà Nội là 150- 180 ug/m3 và TP.HCM là 96 ug/m3).
Thứ tư: Bành trướng đô thị lấn vành đai nông nghiệp và tự nhiên ở ngoại vi, phát triển lạc hậu về hình thể theo mảng, biến tướng về chức năng (theo vết xe đổ mở rộng Hà Nội năm 2008, khi ôm trọn hành lang xanh gồm hơn 1.000 làng cổ xứ Đoài, vành đai nông nghiệp sông Nhuệ, lấn xứ Mường huyền thoại Hòa Bình và vùng
đất thiêng Mê linh, tức đã “thanh toán” vùng xanh ngoại vi bao bọc Hà Nội mà vẫn chưa hình thành được cấu trúc)
Thứ năm: Dân cư đô thị đang thực sự mất kết dính xã hội, đánh mất dần gốc văn hóa bình đẳng làng xã lấy cộng cảm cộng đồng ngàn năm để phát triển.
Và những thảm họa đô thị không chỉ dừng lại khi đại dịch Covid-19 lây lan hầu như ở vùng đô thị toàn thế giới với dự báo dịch bệnh sẽ nhiều hơn và nặng nề hơn tại các siêu đô thị, vốn đã bị tổn thương sâu sắc trước đó. Suốt 3 tháng qua, con số nhiễm bệnh và người chết liên tục đứng trên trang nhất tin tức quốc tế với hơn 2 triệu người mắc và trên trăm ngàn người chết.
Thảm họa đô thị ngày càng lớn và đa dạng, bất hạnh thay những vùng đô thị cực lớn về dân số có nền kinh tế toàn cầu hóa, là biểu tượng cho thịnh vượng hào nhoáng lại lây lan dịch bệnh nhanh nhất và tỏ ra bất lực nhất.
Người thành phố cô đơn
Vấn đề của các thành phố và cư dân đô thị sau thảm họa là họ đang bị ngạt thở bởi chính “trái ngọt thành công” đô thị, kéo theo cả hành tinh cũng đang gặp nguy hiểm từ sự thành công này. Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước dấn sâu vào đô thị hóa với bầu sữa của kinh tế bất động sản có nguy cơ đổ vỡ về đô thị trong tương lai. Động lực kinh tế đất, coi trọng tăng trưởng, bỏ quên con người, sự bóp nghẹt sáng tạo, tự chủ của các thành phố, sự đông đúc quá mức và bất bình đẳng xã hội là những nguyên nhân chính.
Cuối 2019, Bộ Xây dựng đã thông qua khung thực hiện chương trình phát triển đô thị với hàng loạt hỗ trợ pháp lý để tăng tốc đô thị (gồm 6 chính sách phát triển). Tuyệt không có một chính sách nào đề cập sức chống chịu đô thị và đối phó thảm họa. Đơn giản là chưa có dự báo mặt trái của đô thị và ngân sách dự phòng cho thảm họa, hay là sự hồn nhiên của thói vô trách nhiệm, hay thiếu tri thức và lương tâm với số mệnh hàng chục triệu dân đô thị và tài sản đời người của họ?
Từ góc độ văn hóa, nhiều học giả gợi mở đô thị hậu hiện đại nên tránh tính chất phi nhân tính khi phá hủy tự nhiên và nông nghiệp ngoại vi để chuốc lấy một nỗi đau dai dẳng, mang tính tâm thức được gọi là “Người thành phố cô đơn”. Và rồi bất lực khi gánh thảm họa vì tự tích tụ quá sức mang của trái đất, các đô thị cũng phải biết sợ và tiết chế lại. Liệu đô thị Việt với cả cội nguồn ngàn đời chung sống với tự nhiên và được bao bọc trong lòng những làng quê êm đềm có thể lội ngược dòng mà thức tỉnh.
Câu hỏi lừng lững ấy vẫn đứng lại sau thảm họa Covid-19: Đô thị Việt Nam có khả năng kiểm soát thảm họa và dịch bệnh?
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: Quy hoạch chi tiết Khu đô thị và Công viên Yên Sở
11:30, 28/05/2020
Sân golf Phan Thiết thành khu đô thị (Kỳ 1): Nhiều điểm khuất tất
11:01, 28/05/2020
TP.HCM điều chỉnh quy hoạch 3 khu vực ở Khu đô thị sáng tạo phía Đông
09:16, 25/05/2020
Hậu Giang mở mang đô thị
06:00, 21/05/2020
Đâu là tương lai của giao thông đô thị tại Việt Nam?
10:15, 13/05/2020