Trung Quốc - “mất bò mới lo làm chuồng”!
Khi Huawei bị chính quyền Mỹ “cấm vận”, Trung Quốc chợt nhận ra “một khoảng trống mênh mông” về công nghệ chip của họ với Mỹ. Điều này đang thúc đẩy họ thay đổi các chính sách hỗ trợ.
Theo đó, chính quyền Bắc Kinh đã công bố một loạt các chính sách nhằm giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước khi căng thẳng với Mỹ tiếp tục gia tăng.
Trong đó, một phần lớn các ưu đãi từ Quốc vụ viện Trung Quốc tập trung vào việc giảm thuế cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ví dụ, một nhà sản xuất đã hoạt động hơn 15 năm và sản xuất loại chip 28 nanomet trở lên sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong tối đa 10 năm.
Đối với các nhà sản xuất chip, thời gian ưu đãi bắt đầu từ năm kinh doanh có lãi đầu tiên. Việc miễn giảm thuế không chỉ đối với lĩnh vực sản xuất thực tế, những doanh nghiệp làm việc trong các lĩnh vực từ thiết kế chip và phần mềm, những lĩnh vực mà Mỹ và châu Âu có truyền thống rất mạnh, cũng nhận được ưu đãi về thuế.
Trên thực tế, các chính sách mới của Bắc Kinh cũng tập trung vào tài trợ và khuyến khích các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán tập trung vào công nghệ tại Thượng Hải, được mệnh danh là Thị trường STAR.
Theo kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025”, nước này đặt mục tiêu sản xuất 40% chất bán dẫn mà họ sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025. Đó là “nhiệm vụ trọng tâm chính” của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đang đặt ra sự nghi ngờ về tính khả dụng của các chính sách này, họ cho rằng các chính sách trên có thể không có tác đụng lớn đến việc hỗ trợ ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Thông báo của Hội đồng Nhà nước chủ yếu tập trung vào việc giảm thuế, vốn không có khả năng thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”.
Có thể thấy, nỗ lực kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp chip ở Trung Quốc không phải là mới. Năm 2014, Bắc Kinh đã thành lập một quỹ quốc gia trị giá hàng tỷ đô la để đầu tư vào các nhà sản xuất chip và năm ngoái đã tạo ra một quỹ khác. Nhưng Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và các nước khác như Đài Loan và Hàn Quốc.
“Bắc Kinh đã đổ rất, rất nhiều tiền vào các phần của ngành công nghiệp bán dẫn kể từ khi thành lập Quỹ đầu tư vi mạch quốc gia vào năm 2014, và cho đến nay chỉ mới đạt được thành công ... gia tăng về số lượng”, Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận thực hành công nghệ địa lý tại Eurasia Group, cho biết.
Theo các chuyên gia phân tích, việc đối xử ưu đãi có thể sẽ chỉ có tác động nhỏ trong ngắn hạn với các công ty bán dẫn Trung Quốc trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thực tế, các công ty này của Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất lớn với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, điều mà không phải một sớm một chiều có thể san lấp.
Có một sự thật “đau lòng” cho nền công nghệ của Trung Quốc, khi chính quyền Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt mới nhất đối với Huawei. Người ta nhìn thấy một sự lúng túng cực lớn từ nền kinh tế thứ hai thế giới này.
Huawei cảm nhận thấy sự “khó thở” khi lệnh cấm từ Washington được áp dụng. Trên thực tế, Huawei hoàn toàn dựa vào TSMC của Đài Loan để sản xuất cái gọi là chip 7 nanomet cho điện thoại thông minh của mình. Khi TSMC không bán chip cho Huawei, không có một công ty nào của Trung Quốc có thể sản xuất được sản phẩm mà Huawei cần. Ngay cả nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, cũng không thể đáp ứng yêu cầu của Huawei!
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn khá phức tạp. Ví dụ, trong khi Huawei thiết kế chip cho riêng mình, họ cần TSMC sản xuất chúng. Và quá trình sản xuất được tạo thành từ nhiều phần thiết bị rất phức tạp khác nhau do rất ít nhà sản xuất có thể chế tạo.
Paul Triolo tại Eurasia Group cho biết: ″Ở đây, việc tiếp cận các công cụ tiên tiến vẫn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ Mỹ vì chúng chứa IP (sở hữu trí tuệ) có nguồn gốc từ Mỹ, điều này sẽ là yếu tố hạn chế đối với Trung Quốc, kể cả trong trường hợp nước này tập trung nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip”.
Có thể bạn quan tâm
Huawei - “Người khổng lồ chân đất sét”!
05:22, 31/08/2020
Huawei và cuộc chạy đua mang tính chất sống còn!
07:19, 26/08/2020
Vì sao Huawei không thể làm chip nếu thiếu công nghệ Mỹ?
11:23, 21/08/2020
Mỹ siết chặt hoạt động mua bán chip của Huawei
15:23, 18/08/2020
Một dự cảm “chẳng lành” cho Huawei trong tháng 9!
05:33, 16/08/2020