Petersburg – Thành phố ngắm những đàn sếu bay qua (Kỳ II)

Hà Linh Quân 07/09/2018 11:52

Người Nga nói rằng: "Đến Petersburg mà không vào Hermitage coi như bạn chưa từng đến thành phố của thánh Peter”.

Ngày nay Saint – Petersburg vẫn là một trung tâm văn hóa Nga. Thành phố có hơn 8.000 công trình kiến trúc, 2.000 hiệu sách, 221 bảo tàng, 100 dàn nhạc, 80 nhà hát…. Trước khi đến Petersburg, tôi đã có 7 điều ước. Một là được nghe trong gian lớn của nhạc viện Leningrad “Giao hưởng số 7” của Shostakovich – “Bản giao hưởng anh hùng” của thế kỷ 20. Hai là tìm đến mộ ông Lep Scriagin, tác giả của những  cuốn sách viết về hàng hải nổi tiếng. Ba là ngắm đêm trắng trên quảng trường Cung điện. Bốn là được đi dạo trên đại lộ Nevsky, biết đâu có thể gặp anh em nhà Karamazov của Dostoievsky(!). Năm là chiêm ngưỡng mái vòm lớn của nhà thờ Kazan huyền thoại. Sáu là được đứng đưới chân tượng Puskin “Mặt trời của thi ca Nga”. Và cuối cùng là đến thăm Bảo tàng Hermitage.

Tác giả bên địa danh làm nên Petersburg

Tác giả bên địa danh làm nên Petersburg

Có thể bạn quan tâm

  • Petersburg – Thành phố ngắm những đàn sếu bay qua (Kỳ I)

    Petersburg – Thành phố ngắm những đàn sếu bay qua (Kỳ I)

    11:00, 06/09/2018

  • "Ẩn ý" đằng sau cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga?

    04:21, 07/09/2018

Quảng trường Cung điện đẹp nhất thành phố nằm bên bờ sông Neva, đối diện pháo đài Peter và Paul. Giữa quảng trường là chiếc cột Alexandr cao chót vót với thiên thần và cây thánh giá – một biểu tượng khác của Saint Petersburg – vinh danh chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Napoleon năm 1812. Bao quanh quảng trường có 6 cung điện, nguy nga, đồ sộ xây dựng vào giữa thế kỉ 18 từ triều đại của nữ hoàng Catherine II, vợ vua Peter đệ nhất. Ngày nay 4 cái (cung điện Mùa đông, Hermitage nhỏ, Hermitage mới, Hermitage cũ) đã hợp thành viện bảo tàng Hermitage quốc gia, một trong những viện bảo tàng cổ nhất, lớn nhất thế giới, ngang ngửa với Bảo tàng Anh (London) và Louvre (Paris).

Cái tên Hermitage của Nga bắt nguồn từ “Ermitage” tiếng Pháp có nghĩa là “nơi ẩn cư”. Vào năm 1764, Gotzkowsky, một nhà buôn lớn tại Berlin (Đức) đã đem bộ sưu tập tranh của mình gán nợ cho ngân khố Nga. Lẽ ra 225 kiệt tác này là của hoàng đế Phổ Friedrich đệ nhị, nhưng ông ta không đủ tiền để mua. Nữ hoàng Catherine II đem treo chúng trong cung điện vừa được xây dựng, nằm cạnh cung điện Mùa đông. Người Petersburg không thể nào biết những gì diễn ra sau những bức tường cung điện mới này. Ở đây nữ hoàng Catherine II tổ chức những cuộc gặp mặt trong các nhóm hẹp người thân, bạn bè chọn lọc. Có 1 người hầu vận hành cơ cấu máy móc đặc biệt đưa bàn ăn từ tầng dưới lên tầng trên cho quý khách tự phục vụ, để không có gì xâm phạm đến sự kín đáo. Thế là cung điện mới được đặt tên Hermitage.

Cuộc sống yên bình của thành phố Petersburg

Cuộc sống yên bình của thành phố Petersburg

Bây giờ Hermitage có hơn 3 triệu hiện vật văn hoá, nghệ thuật từ thời tiền sử cho đến Ai Cập cổ đại, Hi-La cổ đại, thời Phục hưng Ý và Tây Ban Nha, thời đại vàng của hội họa Hà Lan với Rubens và Rembrandt. Đặc biệt là bộ sưu tập tác phẩm của nhiều danh hoạ thuộc các trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng, lập thể Pháp, Renoir, Cezanne, Picasso, Kandinsky... những cái tên gây thèm muốn cho bất cứ bảo tàng nào.

Chỉ riêng cung điện Mùa đông (“hạt nhân” của Hermitage), dinh thự của các sa hoàng trước năm 1917 do Bartolomeo Rastrelli, một người Ý sinh ở Nga, xây theo phong cách Baroque thời Catherine năm 1760, có đến 1786 cửa lớn, 1945 cửa sổ, 1500 căn phòng, 117 cầu thang. Mỗi năm có hơn 3,5 triệu lượt người đến xếp hàng trước cổng vào Hermitage để ngắm các dãy cột tròn, những hàng rào gang tuyệt đẹp trong cái không gian xanh biếc, mát rượi và chờ đợi được đặt chân lên chiếc cầu thang Jordan nổi tiếng, đứng giữa gian phòng Peter, George... để chiêm ngưỡng các tác phẩm hội hoạ, kiến trúc, những đồng tiền cổ, các loại huân chương, vũ khí, di vật khảo cổ và đứng chụp ảnh với “người đàn bà trong vườn” – một kiệt tác của Monet, hay “ngôi nhà trắng trong đêm” của Van Gogh. Hermitage chỉ đem trưng bày hơn 65.000 hiện vật. Phần đại đa số còn lại bị cất giữ tại những nơi thích hợp. Nhiều kiệt tác của nghệ thuật thế giới chỉ được ra mắt công chúng trong các triển lãm ngắn hạn được tổ chức có hệ thống ở nhiều gian phòng đặc biệt như Nicholas rộng hơn 1000m2.

Không sai chút nào! Song muốn thỏa mãn được niềm đam mê của mình bạn phải ở đó hàng… tháng! Thế nhưng, đứng từ nơi này có thể nhìn thấy pháo đài- nhà thờ thánh  Peter và Paul bên kia dòng sông Neva.

(Còn tiếp)

Hà Linh Quân