Suốt 200 năm, Saint Petersburg là thủ đô của nước Nga. Năm ngày sau khi Lênin từ trần, thành phố được đổi tên là Leningrad và mãi đến năm 1991, người Nga mới “trả lại tên cho em” - Saint Petersburg.
Hồi còn trẻ con tôi đã thích thú bức tranh "Trận đánh trên các hồ nước đóng băng ở Poltava” giữa vua Peter đại đế với người Thụy Điển trong cuộc Chiến tranh phương Bắc để hiện thực cái giấc mơ thầm kín của bao triều đại sa hoàng – một con đường đi tới biển Baltic, mở cánh cửa sổ nhìn ra châu Âu, được in trong sách giáo khoa lịch sử. Và hình ảnh bữa tiệc lớn trong chiếc lều của Peter đại đế dựng trên hòn đảo hoang vắng Zani-Xaari (đảo thỏ rừng) được mô tả trong tiểu thuyết lịch sử “Peter đại đế” của A. Tolstoy.
Giữa tiếng chạm cốc lanh canh và tiếng gầm của đại bác, nhà vua quyết định xây 1 pháo đài với 6 toà thành mang tên mình và 5 vị sủng thần của ngài (pháo đài thánh Peter và thánh Paul – Peter and Paul fortress).
Cái ngày hôm ấy (16/5/1703) từ rừng rậm và đầm lầy đã khai sinh ra thành phố Saint Petersburg trẻ đẹp lộng lẫy như vị nữ hoàng vừa mới lên ngôi, đẩy Moskva xuống ngôi vị bà thái hậu.
Cung điện Versailles phương Đông và phòng hổ phách huyền thoại
Dù đã hơn 1 thế kỷ không còn là thủ đô Nga, dấu ấn kinh kỳ vương giả vẫn còn vương vất, phảng phất đâu đó ở những tòa nhà có các hàng cột khỏe khoắn được xây dựng theo phong cách Baroque trên đại lộ Nevsky; ở những cổng chào uốn cong trên các nhịp cầu vắng vẻ, bắc qua kênh đào mang tên nhà viết kịch Nga vĩ đại Griboyedov; ở những cây sến cổ thụ trong vườn Mikhailovsky. Đến Petersburg, chúng tôi khát khao được gặp lại những hồi ức vĩ đại của cái thành phố vẫn mơ về thuở xa xưa.
Đầu thế kỉ thứ 18, Peter đại đế vừa từ Paris trở về. Cung điện Versailles làm mê hoặc ngài. Nhà vua muốn người Thuỵ Điển bên kia bờ vịnh Phần Lan đã bị vũ khí của ông chinh phục phải bị khuất phục trước sự giàu có của đế quốc Nga, và Peterhof nằm ở Hoàng thôn (Tsarskoe Celo) 20 km về phía tây Petersburg, nơi dạy dỗ các con vua cháu chúa sa hoàng ngày ấy, được chọn để xây dựng điện “Versaliles phương Đông”của Nga (năm 1937 nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của “mặt trời thi ca Nga,” Tsarskoe Celo được đặt tên là thành phố Pushkin).
Có thể bạn quan tâm |
Trên diện tích hơn 1000 hecta, trong 15 năm, người Nga cất lên 20 cung điện, 7 công viên và 140 đài phun nước – những bức tượng đồng mạ vàng nổi tiếng, mà nổi tiếng nhất là đài phun nước Samson, biểu tượng chiến thắng của nước Nga trước Thuỵ Điển trong cuộc Chiến tranh phương Bắc.
Điều rất độc đáo: Các đài phun nước này không cần bơm. Những con suối từ nơi xa (20km) chảy về các hồ chứa trong vườn Thượng rồi “nén” xuống các đài phun đặt ở vườn Hạ. Cuối tháng 4 đến hết hè, vào lúc mặt trời lên đỉnh, các đài phun lại cất lên 1 bản thánh ca (nhạc nước).
Từ trên bầu trời, chúng tôi nghe thấy tiếng chim rót xuống lảnh lót thành dòng mát lạnh như những tia nước đầu nguồn và cảm nhận rõ trọng lượng của mùi hương từ hoa cỏ đang lan toả trong không gian thoáng đãng của hè. Từ hành cung vua Peter, người ta đào 1 con kênh chạy thẳng ra biển Baltic, hai bờ lát đá và đặt những vòi phun nước. Vào ngày đẹp trời từ đó có thể nhìn thấy các con tàu trắng rong ruổi trên mặt nước vịnh Phần Lan.
Nghe nói chính Pushkin và vợ Natalia Pushkina thường đi dạo trong những ngôi vườn của cung điện Mùa hè. Và rồi từ đấy ông đã viết những dòng đầu của trường ca Người kỵ sĩ bằng đồng.
40 năm sau khi vua Peter băng hà, người Nga đã dựng lên ở quảng trường Senata bên bờ sông Neva tượng "Người kỵ sĩ bằng đồng”. Hôm chúng tôi đi qua đấy trời mưa, mặt nước sông nặng màu chì, từng lớp sóng buồn xô tới, vỗ vào những phiến đá hoa cương lát 2 bờ từ thuở nữ hoàng Catherine đệ nhị. Người bạn Nga nói với tôi: Rất hiếm có hôm bầu trời và mặt nước sông Neva lại cùng một màu xanh trong như cái ngày người Nga đã dựng lên ở đây tượng "Người kỵ sĩ bằng đồng”. Qua kính cửa xe nhòe nhoẹt nước mưa, chúng tôi nhìn thấy vị hoàng đế Nga vĩ đại ngồi trên lưng con ngựa đồng, 2 chân trước ngựa chồm lên, 2 chân sau giẫm đạp 1 con rắn. Đứng dưới trời mưa, người kỵ sĩ trông lạnh lẽo, cô đơn.
Không xa những đài phun nước của Peterhof là cung điện Catherine được người xây dựng cung điện Mùa đông, Bartolomeo Rastrelli, hoàn thành vào năm 1756. Bên ngoài cung điện theo phong cách Roccoco được trang điểm bằng 100 cân vàng. Thế nhưng, bên trong cung điện có thứ còn quý hơn vàng. Không phải đại sảnh “ánh sáng,” không phải những cánh cửa sổ cong lớn, không phải 1 bức bích hoạ hoành tráng phủ kín toàn bộ trần nhà, mà đó là Phòng hổ phách huyền thoại - món quà của hoàng đế Phổ Friedrich Wilhelm I tặng hoàng đế Nga Peter đệ nhất.
450kg hổ phách được các nghệ nhân Nga và Florentia (Italia) khảm với vàng và đá quý vùng Ural, Caucasus, tạo ra hiệu ứng màu sắc vô cùng kì lạ. Năm 1941, quân Đức tiến vào thành phố Pushkin. Phòng hổ phách bị tháo dỡ và mất tích. Mọi cố gắng tìm kiếm đều thất bại. Suốt 20 năm( từ 1982 đến năm 2002), người Nga bỏ ra hơn 12 triệu USD để tái hiện phòng hổ phách. Ngày mở cửa phòng hổ phách có tổng thống Nga Putin và thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tới dự.
(Còn tiếp)