TP HCM tăng phí thu gom rác, người dân nói gì?
UBND TP HCM vừa có Quyết định quy định về giá tối đa với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Theo đó, giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM được quy định: Thu gom tại nguồn bằng phương pháp thủ công: 364.000 đồng/tấn (tương đương 364 đồng/kg); thu gom tại nguồn bằng phương tiện cơ giới: 166.000 đồng/tấn (tương đương 166 đồng/kg).
Riêng giá tối đa đối với dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sẽ tăng theo lộ trình từ nay đến năm 2022 lần lượt ở các mức 40 đồng/kg, 133,5 đồng/kg, 227 đồng/kg và cuối cùng là 247 đồng/kg.
Mức giá trên chỉ bao gồm một phần giá thu gom, chưa tính việc vận chuyển và xử lý. Tính toán theo lượng rác thải trung bình của mỗi hộ dân thì mỗi tháng một hộ phải trả khoảng 138.000 đồng. Tuy nhiên, theo lộ trình thì trước mắt mỗi hộ sẽ phải đóng khoảng 48.000 đồng/tháng tiền thu gom rác.
Như vậy với quy định mới trên, người dân TP HCM sẽ phải trả tiền rác hằng tháng cao hơn trước đây. Hiện nay, áp dụng theo Quyết định 88/2008/QĐ-UBND thì mỗi hộ gia đình ở nội thành chỉ phải trả 10.000-20.000 đồng/tháng tùy theo nhà ở mặt tiền hay trong hẻm.
Đối tượng, phạm vi áp dụng là các cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… được cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; cơ quan quản lý nhà nước và các cá nhân, đơn vị có liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ này trên địa bàn TP HCM.
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Cá chết tại kênh Truông Muối, thủ phạm là bãi rác Lộc Hà
08:19, 24/10/2018
“Làm xiếc” trên khu đất vàng tại TP Vinh (KỲ II): Chủ đầu tư phủi trách nhiệm?
00:03, 25/10/2018
Hạ Long “đau đầu” chuyện thu phí rác thải
05:17, 23/10/2018
Ai chơi trò đuổi bắt… trách nhiệm?
13:00, 17/10/2018
Liên quan đến việc tăng phí thu gom rác, nhiều người dân nêu ý kiến hiện nay thu nhập của đại bộ phận người dân còn hạn chế nhưng có quá nhiều chi phí phát sinh, nếu tiếp tục tăng tiền xử lý rác thì đời sống người dân sẽ càng khó khăn. Khi đó, không loại trừ khả năng nhiều người chuyển sang “tự xử” để giảm chi phí, gây hệ quả xấu đến môi trường và mỹ quan đô thị.
Bà Ngô Thị Mạnh, người dân quận 3, TP HCM cho biết, hiện nay ngoài chi phí thu gop rác phải nộp hàng tháng gia đình bà còn gánh các khoản chi phí khác như điện, nước… tăng phí thu gom rác ảnh hưởng không ít đến chi tiêu sinh hoạt của gia đình. Cũng theo bà Mạnh tăng phí thu gom rác thì phải đồng nghĩa việc nâng cao dịch vụ môi trường này để người dân hài lòng.
Về vấn đề này một số chuyên gia cho rằng, thay vì tăng phí, việc cần làm ngay là khảo sát, tính toán lượng rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày, cho thật chính xác, tăng cường quản lý để loại bớt các chất thải rắn không phải là rác sinh hoạt để buộc chủ nguồn thải này phải chịu trách nhiệm chi trả. Quan trọng không kém là phải kiểm soát chặt các đường dây rác dân lập cũng như hoạt động dịch vụ công ích về thu gom và vận chuyển rác. Khi làm tốt những việc này mới có cơ sở xây dựng khung giá “tính đúng, tính đủ” cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Cũng liên quan đến vấn đề rác thải trên địa bàn, TP HCM mới đây cũng UBND thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương dùng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản và xử phạt nguội đối với hành vi xả rác bừa bãi, tiểu bậy.
Đồng thời, giao cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng tại địa bàn có thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính.
UBND TP HCM cho biết, thành phố sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác nơi công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị, đội thanh tra xây dựng địa bàn. Nguồn tiền xử phạt hành chính này dùng để hỗ trợ hoạt động cho lực lượng này. Thành phố sẽ xây dựng cơ chế phối hợp cung cấp thông tin, công khai thông tin người vi phạm.