Sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dân TP.HCM
Đó là khẳng định của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và các chuyên gia, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, diễn ra mới đây.
Trước những kiến nghị của đại điện các Hiệp hội Doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Thành phố cần sớm ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho công nhân, người lao động để bảo đảm sản xuất, chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy, bảo đảm tăng trưởng kinh tế; Lãnh đạo TP.HCM cho biết Thành phố đang triển khai mua và tiêm vaccine cho người dân Thành phố dựa trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, với mục tiêu tiêm cho toàn bộ người dân Thành phố. Hiện Thành phố cũng đã làm việc với các đơn vị sản xuất vaccine để mua vaccine, trong đó có doanh nghiệp sản xuất vaccine của Nga để mang vaccine về Thành phố.
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, mục tiêu của Thành phố là tiêm vaccine cho toàn dân. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, sẽ phải có ưu tiên cho từng đối tượng vì số lượng vaccine rất hạn chế. Ông cho biết, trước khi đến dự hội nghị này, ông đã gọi điện cho bộ trưởng Bộ Y tế để trao đổi về vấn đề vắc xin phòng chống dịch COVID-19, và thực tế là hiện rất khó tiếp cận được nguồn vaccine.
"Chủ trương của TP.HCM là mở rộng tối đa đối tượng được ưu tiên được tiêm. Chính phủ cũng đã mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vaccine, khi có là triển khai ngay. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra chất lượng và kế hoạch tiêm. Để quá trình tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, các doanh nghiệp cần mở rộng và tăng cường hợp tác, liên kết để tìm nguồn vaccine. Ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND Thành phố, với tinh thần mang vaccine về càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý, trong khi chưa có vaccine, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, có giải pháp cụ thể để sản xuất an toàn, để tự bảo vệ mình, duy trì các hoạt động sản xuất trong năng lực chủ động của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, mục tiêu của TP.HCM là tiêm vaccine cho toàn bộ người dân Thành phố. Do nguồn cung không thể có một lúc, nên phải theo lộ trình. Cố gắng trong năm 2021 phải tiêm được 2/3 người dân Thành phố đang trong độ tuổi được tiêm vaccine. Hiện nguồn vaccine đang được đàm phán với nhà cung ứng, tùy loại vaccine được quy định tiêm cho từ độ tuổi nào.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, theo Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, trong đợt 1 với nguồn vaccine AstraZeneca, Thành phố được phân bổ 1,6 triệu liều, như vậy, còn 5,6 triệu người dân Thành phố (tính từ 15 tuổi trở lên) chưa được tiêm ngừa.
Ở cương vị trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, cho đến ngày 6/6, các nguồn lây nhiễm dịch tại Thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC vẫn đang miệt mài tìm kiếm, quyết liệt để khoanh vùng các nguồn lây do độ mở của Thành phố rất lớn.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong đợt dịch thứ 4 này, TP.HCM đã huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, sinh viên các trường Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch… lập những tổ lấy mẫu xét nghiệm. Trung bình mỗi ngày, Thành phố phải chi khoảng 7 tỷ đồng cho công tác lấy mẫu xét nghiệm. Trung bình mỗi ngày Thành phố lấy khoảng 50.000 mẫu, thậm chí có ngày 70.000 - 80.000 mẫu. Đặc biệt, ưu tiên lấy mẫu nguồn lớn như các khu công nghiệp - khu chế xuất khoảng 280.000 công nhân và chuyên gia; khu công nghệ cao 450.000 lao động và chuyên gia cùng doanh nghiệp bên ngoài khu chế xuất…
“Dự kiến, trong ngày mai, TP.HCM sẽ có báo cáo cụ thể về nguồn vaccine và kế hoạch triển khai tiêm chủng toàn dân. Sức khỏe của người dân là mục tiêu hàng đầu song không phải vì vậy mà không thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Sự đồng hành của doanh nghiệp với Thành phố là rất đáng quý. Tinh thần của Thành phố là rất chủ động trong vấn đề vắc xin, đây là yếu tố quyết định căn cơ để chúng ta thoát đại dịch. Không chỉ tiêm đợt 1, mà phải tính đến tiêm hằng năm vì thực tế biến chủng COVID-19 biến hóa không ngừng, rất nguy hiểm”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Trước ý kiến của đại diện các doanh nghiệp cho rằng, các địa phương khác hiện đang siết chặt người đến từ TP.HCM, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Ông Phong cho rằng, công tác truyền thông về dịch bệnh của Thành phố cần phải xem lại, chính ông cũng phải lên tiếng "giải oan" cho TP.HCM, hiện nay đi đâu cũng bị cách ly, hạn chế.
Ông Phong cho biết, tính đến ngày 6/6, TP.HCM có 640 trường hợp mắc COVID-19, đã được Bộ Y tế xác nhận, 433 trường hợp lây trong cộng đồng, chủ yếu bắt nguồn từ nhóm truyền giáo Phục Hưng và 207 trường hợp nhập cảnh.
Đặc biệt, từ ngày 26/5 TP.HCM chỉ có 1 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, sau ngày đó phát hiện 7 trường hợp từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thực hiện truy nguồn mới phát hiện từ nhóm truyền giáo, đến nay là 21/22 quận huyện có ca lây nhiễm, trừ Cần Giờ chưa phát hiện.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, thời gian vừa qua, cả hệ thống chính trị của Thành phố cùng nỗ lực, cùng thực hiện nhiệm vụ phòng chống COVID-19. Đôi lúc phải chấp nhận hi sinh kinh tế ngắn hạn để ưu tiên đảm bảo cuộc sống, hạnh phúc của người dân đặt lên hàng đầu. “TP.HCM đã kiểm soát hoàn toàn các chuỗi lây nhiễm, chúng ta cần truyền thông đúng, không khéo các địa phương khác nhìn vào thấy Thành phố này ở đâu cũng có dịch, điều này là không đúng", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM kiến nghị giảm 5% thuế VAT cho doanh nghiệp gặp khó khăn doa COVID-19
14:00, 10/06/2021
TP.HCM hoàn thành rà soát, đánh giá quy hoạch chung
14:59, 31/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: TP.HCM tích cực hơn nữa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh
20:05, 26/05/2021
TP.HCM yêu cầu kiểm soát tình trạng “đẩy giá” bất động sản
14:56, 25/05/2021
TP.HCM xác định lại hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp
13:30, 24/05/2021
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP.HCM đi bầu cử sớm
09:05, 23/05/2021