Đêm hòa nhạc gây quỹ vắc xin là ý tưởng tuyệt vời
Đêm hòa nhạc kết nối 5 châu ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 với chủ đề “Chia sẻ để gần nhau hơn” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng.
Được chỉ huy bởi nhạc trưởng Lê Phi Phi từ Bắc Macedonia và nhạc trưởng Vương Thạch tại Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP. HCM, những giai điệu bất hủ đã được vang lên từ tài năng và giọng hát của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như Tạ Minh Tâm, Thu Minh, Tùng Dương, Phạm Thu Hà và nhóm Oplus. Đêm hòa nhạc ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19 đã nhận được sự đồng tình và đóng góp lớn từ các cá nhân và tổ chức ở khắp nơi trên thế giới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: “Cùng với thế giới, chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch hoàn toàn nếu chúng ta có vắc xin và các thuốc đặc trị. Quỹ này nhằm kêu gọi mọi doanh nghiệp, tổ chức và người dân dù ít dù nhiều, dù đang làm gì, ở đâu cũng có thể góp một phần vào công cuộc chống dịch. Mỗi người góp một đốm lửa nhỏ, làm cháy lên ngọn lửa đại đoàn kết dân tộc, chiến thắng đại dịch”.
Giáo sư Nick Brown, Hiệu trưởng trường Linacre College, Viện Đại học Oxford (Anh) - đơn vị nghiên cứu ra vắc xin Astra Zecneca - khẳng định: “Việt Nam là một hình mẫu tiêu biểu trên thế giới về việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Nhưng bây giờ là lúc rất quan trọng để chúng ta tạo ra sự miễn dịch cho căn bệnh nguy hiểm này. Chúng ta cần 2 điều kiện: thứ nhất là phát triển vắc xin hiệu quả và an toàn. Các biến thể của virus vẫn đang thách thức độ hiệu quả của vắc xin hiện tại. Ở Oxford, chúng tôi vẫn đang cải thiện để hiểu được cơ chế virus hoạt động. Thứ hai, để có thể chấm dứt đại dịch, đa số người dân phải được tiêm chủng. Ví dụ như Việt Nam sẽ cần 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 3/4 dân số. Điều này cần một nguồn kinh phí đáng kể”.
Đó là lý do vì sao những cháu bé để dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, người nội trợ tiết kiệm chi tiêu, công chức, viên chức, công nhân, người lao động tiết kiệm từng ngày lương, kiều bào, doanh nghiệp dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn chung tay đóng góp vào quỹ qua website www.quyvacxincovid19.gov.vn.
Cùng theo dõi đêm hòa nhạc và ủng hộ quỹ, ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ: “Thực sự, COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực văn hóa. Chương trình các bạn đang làm là một cách tuyệt vời để kết hợp yếu tố văn hóa, nghệ thuật với một cuộc vận động tiêm vắc xin phòng COVID-19 rộng lớn. Đây thực sự là một ý tưởng xuất chúng. Tôi muốn cảm ơn ban tổ chức đã kết nối chúng tôi lại với nhau”.
Trong khi đó, kiều bào là các cá nhân, doanh nghiệp, hội doanh nhân đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ, Vương Quốc Anh, Úc và Nhật Bản cũng theo dõi trực tuyến và ủng hộ từ khắp 5 châu, gửi tấm lòng về quê hương thông qua việc ủng hộ vào Quỹ.
Hùng Anh, sinh viên Đại học Oxford (Anh), cho biết: “Là một thanh niên trẻ, tôi muốn đóng góp một tiếng nói tới giới trẻ, kêu gọi mọi người ủng hộ vào quỹ vắc xin quốc gia. Mặc dù chúng ta sẽ không phải là nhóm người được tiếp cận vắc xin đầu tiên nhưng mọi sự đóng góp sẽ mang lại sự an toàn cho cả xã hội”.
Trước khi đêm hòa nhạc kết thúc, Giáo sư Nick Brown phát biểu: “Tôi tin rằng Chính Phủ Việt Nam xứng đáng được chúc mừng vì sáng kiến tạo ra Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19. Tôi nghĩ Việt Nam là quốc gia đầu tiên làm việc này và đó là một ý tưởng xuất sắc. Tôi rất mong đợi về buổi hòa nhạc đầy lý thú mà các bạn đang thực hiện để gây quỹ trong và ngoài nước. Sẽ là một cơ hội tuyệt vời để thế giới biết đến những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam cũng như biết về Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19. Tôi đảm bảo rằng, các đồng nghiệp của mình tại Oxford sẽ biết về chương trình này và quỹ”.
Có thể bạn quan tâm