CẢM XÚC XUÂN: Tết nay đã “nhạt”?
Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán vẫn là một dịp lễ quan trọng, được mọi người quan tâm, chăm chút. Đây cũng là dịp lễ thể hiện đậm nét dấu ấn văn hoá Việt.
>>CẢM XÚC XUÂN: Xốn xang hương vị bánh chưng Bờ Đậu
Tết xưa - dưới góc nhìn cá nhân
Sau bao bộn bề của cuộc sống, mọi người trong gia đình lại ngồi quây quần trong mâm cơm tất niên ôn lại câu chuyện của năm cũ, trải lòng về những ước mong, hy vọng trong năm mới.
Nguyên đán là một từ Hán Việt. Trong đó, nguyên là sơ khai, khởi đầu; đán có nghĩa là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán là sự luân chuyển của thời gian, là thời điểm bắt đầu của một năm, mở ra một chu kỳ sản xuất mới. Tết kéo dài chính thức 3 ngày nhưng trước Tết, từ 23 âm lịch của tháng chạp, nhà nhà đã tất bật để chuẩn bị cho ngày Tết.
“Tết với nhất!” là câu mẹ tôi thường thốt ra mỗi khi thấy công việc chuẩn bị cho ngày Tết có điều gì không bằng lòng hoặc quá mệt mỏi vì nó. Câu này tôi cũng thường thấy nhiều người, nhất là những người phải gánh vác việc lo Tết như mẹ tôi. Nhưng bao giờ cũng vậy, rồi... đâu cũng vào đấy.
Ngày Tết đúng hẹn không chậm một giây, một khắc được nhận biết khi cây kim giờ và phút của đồng hồ đều chập vào con số 12 và bên ngoài là tiếng nổ cùng ánh chớp của những loạt pháo hoa đón xuân sang.
Cái đài, ti-vi nay nhà nào cũng có nổi lên những bản nhạc quen thuộc và những lời chúc Tết... Rồi tất cả những việc phải làm trong ngày Tết từ lúc Giao thừa cho đến những ngày tiếp theo đều cứ tuần tự diễn ra theo một “kịch bản” đã thành nếp.
Bắt đầu là những nén nhang thắp trên ban thờ gia tiên, những chén trà sen được rót ra lan toả mùi thơm ngào ngạt cùng với khói hương trầm đã ướp sẵn không gian phòng khách từ chập đêm. Bây giờ tân tiến thì có sâm panh, vang hay chút rượu mạnh và những đĩa bánh mứt hay kẹo đủ loại nội, ngoại bày ra. Rồi những người trong nhà ra đường đi chơi phố trở về “xông đất”...
Tiếp theo là những lời chúc theo thứ tự không mấy thay đổi cứ từ dưới lên, rồi lại từ trên xuống kèm theo những món mừng tuổi nay ở ngoài Bắc cũng gọi là "lì xì" như trong Nam vốn gọi... Cứ thế cho đến lúc hạ ban thờ cúng thổ thần, thổ địa sắp đặt ở ngoài trời và hoá vàng, đốt mã... rồi ai làm việc nấy theo thói quen của mình. Tôi thường vào bàn làm việc, trước là lấy giấy bút nay là mở cái laptop gõ vài ba dòng gọi là “khai bút”.
Có thể nói rằng, với Tết xưa, dù thành công hay chưa thành công, dù đạt được ước vọng hay vẫn còn dang dở thì khi giao thừa đến, mọi người cũng tạm gác lại những điều không vui của năm cũ. Những ngày đầu năm mới, mọi người đi thăm hỏi người thân, bạn bè, hàng xóm và chúc nhau những điều tốt đẹp, động viên nhau có một năm mới với tinh thần phấn chấn hơn, sức khoẻ dồi dào hơn và thành công cũng nhiều hơn.
Như lời đánh giá của chuyên gia văn hoá, PGS.TS Đỗ Đình Trụ: “Tết có từ ngàn xưa đã đi vào tâm khảm của mỗi gia đình Việt. Dù chúng ta làm ăn vất vả, đi đâu về đâu, ở trong nước hay nước ngoài, nhưng Tết là dịp để hướng về gia đình. Nên Tết nguyên đán còn gọi là Tết sum vầy, ở đây thể hiện tất cả những văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt”.
>>CẢM XÚC XUÂN: Tết đoàn viên, đâu ai muốn xa nhà
Tết nay như thế nào?
Bây giờ, trừ những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn còn hầu hết đã có cuộc sống đủ đầy. Kinh tế phát triển và hội nhập toàn cầu nên hàng nội, hàng ngoại tràn ngập trong các siêu thị, các chợ từ thành thị đến nông thôn. Chẳng mấy ai còn nghĩ tới chuyện ăn Tết nữa, vì ngày nào chẳng như ăn Tết. Bánh chưng, củ kiệu, dưa hành, giò chả, bánh mứt, trái cây… lúc nào các siêu thị, cửa hàng cũng sẵn. Thậm chí, chả cần phải bước chân ra đến chợ, chỉ cần một cú alo hay nhích chuột là mọi thứ đều có. Cho nên, Tết mà nghe đến “ăn” thì ai cũng sợ và người ta dần chuyển sang “chơi” Tết.
Nói cách khác, so với Tết xưa, ngày nay việc chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết nhẹ nhàng hơn nhiều. Đặc biệt ở các khu phố thị, nhiều nét Tết xưa cũng không còn. Dưới sự xô bồ của cuộc sống, sự phát triển của công nghệ, sự lớn mạnh của nền kinh tế thị trường, người ta không còn phải lịch kịch để chuẩn bị cho Tết như xưa. Chỉ cần một cú bấm chuột, một cuộc gọi là đã có đủ mọi thứ cho Tết, từ bánh chưng, mứt kẹo cho đến những đồ thờ cúng tổ tiên… Thay vì đi thăm hàng xóm, người thân, bạn bè, một số gia đình lại chọn đi nghỉ dưỡng vào những ngày đầu năm mới.
Một trào lưu “chơi” Tết khác cũng khá “hot” trong những năm gần đây là săn lùng những đồ vật, cây cảnh hoặc loại rượu lạ, “độc”. Chúng ta đã không còn lạ lẫm gì trước thông tin có người sẵn sàng bỏ ra vài ba tỷ đồng sưu tầm bằng được những chai rượu dát vàng, ngọc về trưng Tết. Có người còn bỏ thời gian cả tháng chỉ để đi khắp các vườn cây cảnh trong và ngoài tỉnh săn lùng một loại cây cảnh nào đó thật độc có giá hàng trăm triệu đồng về chỉ để chơi mấy ngày Tết..v..v.
Có thể nói, chỉ trong khoảng thời gian ngắn 10 năm vừa qua, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Nhiều hoạt động trong ngày Tết cũng đã biến chuyển theo những xoay vần của cuộc sống. Tuy nhiên, dù nói gì đi chăng nữa, Tết vẫn luôn là dịp để người ta chờ mong. Tết nay đã “nhạt”, không còn “đậm đà” như Tết xưa. Thậm chí, với những người hoài cổ, không ít người cảm thấy hụt hẫng, thiêu thiếu một cái gì đó khi Tết đến. Và khi đó, người ta lại mong muốn quay lại những ngày xưa cũ, quay lại thủa hàn vi khi gia đình sum vầy gói bánh chưng…
Thế nhưng, xin hãy nhớ một điều, dù Tết xưa hay Tết nay, dù sống nhanh hay sống chậm, dù theo phong cách hiện đại hay truyền thống, dù chọn cách đến theo kiểu Tết xưa hay Tết nay thì hãy nhớ Tết là thời điểm để chúng ta quây quần, đoàn tụ, tận hưởng những phút giây hạnh phúc nhất bên gia đình và người thân.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
CẢM XÚC XUÂN: Lô tô - Nhớ kỷ niệm một thời
05:00, 25/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Xốn xang hương vị bánh chưng Bờ Đậu
04:02, 25/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tết đoàn viên, đâu ai muốn xa nhà
04:00, 24/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Phút giao mùa
04:00, 23/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Mong sau Tết được đến trường dạy và học trực tiếp
03:00, 23/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tết về nhớ vị nem rơm
06:31, 22/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Đụng lợn ngày Tết
05:00, 22/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Anh sắp về chưa?
04:00, 21/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Bạn đã sống đúng nghĩa?
05:00, 19/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Tết đơn giản trong suy nghĩ giản đơn
05:00, 18/01/2022
CẢM XÚC XUÂN: Mong hết dịch để được đi nhà sách
04:04, 16/01/2022
“CẢM XÚC XUÂN” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp
02:00, 09/01/2022