TP.HCM sẽ mãi khắc ghi những đóng góp của ngành y tế

ĐÌNH ĐẠI 26/02/2022 15:34

Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2022).

>>>Cần chính sách đột phá để TP.HCM vươn lên

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với ngành y tế cả nước. Trước bối cảnh sức khỏe và tính mạng của người dân bị đe dọa vô cùng nguy cấp, hệ thống chính trị cùng nhân dân nỗ lực quyết tâm chung sức đồng lòng vượt qua đại dịch. Chính lúc này, toàn ngành y tế trở thành lực lượng chủ yếu, dũng cảm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại buổi lễ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại buổi lễ.

"Nhiều người đã gửi lại người thân yêu của mình để xung phong vào tâm dịch. Bất chấp mọi rủi ro, nguy cơ nhiễm. Có người không thể về chịu tang cha mẹ mình, gác lại ngày đám cưới… Nhiều người bị nhiễm bệnh, sau khi qua khỏi không nỡ rời bỏ bệnh nhân đã xin ở lại cùng anh em tiếp tục chiến đấu. Họ đã làm việc rất tận tụy hết lòng. Lịch sử TP.HCM sẽ mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, có lúc, tình huống thực tiễn khác với dự tính, vượt ngoài tầm với, vượt khung pháp lý hiện hành tạo nên sự quá tải toàn diện, gây áp lực kinh khủng lên hệ thống y tế nhưng các thầy thuốc đã bản lĩnh, can trường, gan góc, chung tay vượt qua và kiểm soát đại dịch.

Ngoài ra, lực lượng y tế đã luôn tìm tòi, sáng tạo, linh hoạt ứng phó với từng tình huống của đại dịch. Nhiều mô hình, cách điều trị và cả thay đổi các phác đồ điều trị để thích ứng thực tiễn. Họ làm việc rất tận tụy, hết lòng, nhiều người làm nhiều việc chưa từng học trong nhà trường. Họ hành động theo mệnh lệnh trái tim và lý trí của người thầy thuốc.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước đặt làm nhiệm vụ trọng yếu. Những năm qua, Thành phố từng bước xây dựng hệ thống y tế theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Một bài học sâu sắc trong phòng chống dịch là tổ chức hệ thống y tế gần dân hơn, thông minh hơn. Vừa phổ cập chuyên sâu vừa nâng cao khả năng nghiên cứu, dự báo dịch bệnh đi đôi với dịch vụ y tế từ xa cho người dân. Chăm lo phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Có mặt giao lưu tại buổi tọa đàm ngắn thân tình diễn ra trong khuôn khổ buổi lễ, bác sĩ Hoàng Văn Cường - Giám đốc Trung tâm Y tế quận 8 cho biết, giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, số cuộc gọi cấp cứu mỗi đêm lên đến 100-200 cuộc, các y bác sĩ chỉ nghỉ ngơi được khoảng 1-2 giờ.

>>>TS.Trần Du Lịch: “TP.HCM chưa bao giờ "tê liệt”"

"Vì bệnh COVID-19 hay chuyển nặng lúc gần sáng nên người dân thường gọi cấp cứu từ 1-5 giờ. Có thời điểm người quen gọi tôi không bắt máy, mà chỉ nghe những số lạ để kịp thời tiếp nhận bệnh nhân", bác sĩ Cường nói.

bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM giao lưu tại tọa đàm.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM giao lưu tại tọa đàm.

Trong khi đó, bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, trong những ngày cuối tháng 6/2021, ông được chỉ đạo tiếp nhận và đưa Bệnh viện dã chiến số 1 vào hoạt động. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ chỉ có 36 giờ để tổ chức và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

"Khi bệnh viện bắt đầu tiếp nhận bệnh, ngay lập tức đã có rất nhiều đoàn xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới. Tất cả chúng tôi đều làm việc từ 17 giờ đến 5 giờ sáng để tiếp nhận thu dung các bệnh nhân. Nhìn sự lăn xả của các đồng nghiệp mà tôi nghẹn lòng, nhiều khi muốn bật khóc nhưng tôi cố kìm nén cảm xúc của mình để động viên anh em", bác sĩ Trường xúc động kể.

Sau những giờ phút có lúc tưởng chừng sức khỏe của đội ngũ y tế kham không nổi với công việc, nhưng vẫn hết sức cố gắng vì bệnh nhân, họ cũng có được niềm vui đầu tiên vào 10 ngày sau đó. Bác sĩ Thanh Trường hồi tường: "Khi những bệnh nhân đầu tiên của chúng tôi hồi phục sức khỏe, được xuất viện trở về nhà, nhận những lời cảm ơn chân thành từ phía người bệnh, chúng tôi không thể nói gì hơn, cảm xúc dâng trào. Chúng tôi đã nhìn nhau trong niềm vui và hạnh phúc".

Còn bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố nhớ lại những ngày bệnh nhi COVID-19 nặng nhất Việt Nam - L.M.P. còn bấp bênh sinh tử. Là bác sĩ chuyên về hồi sức tích cực nhi khoa, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đã được giao nhiệm vụ đứng đầu ê-kíp hồi sức cứu chữa cho cháu bé.

"Gia đình cháu bé rất lo lắng, đặc biệt là người mẹ. Người mẹ trực tiếp gọi cho tôi, có lúc gia đình ngỏ ý xin về để lo hậu sự cho cháu. Tôi chỉ nói mẹ bé hãy cầu nguyện cho cháu, và chúng tôi sẽ cố gắng hết mức", bác sĩ Tiến nhớ lại. Theo ông, ca bệnh này còn có một khó khăn là chi phí điều trị lớn, hơn 1 tỷ đồng. “Khi bàn với bác sĩ Giám đốc về chi phí, tôi được nói phải cố gắng hết sức, chúng ta có quỹ cho bệnh nhân nghèo”, bác sĩ Tiến kể lại niềm vui trong ngày tháng đối diện với ca bệnh khó, nhận được sự động viên, đồng lòng tất cả vì sự sống của bệnh nhân. Và một điều vô cùng may mắn là sau nhiều lần cứ tạm thuyên giảm rồi lại trở nặng, điều kỳ diệu đã đến với cậu bé nặng 120 kg này, bé đã khỏi bệnh và xuất viện. 

Có thể bạn quan tâm

  • 3 cấu phần của Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

    3 cấu phần của Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

    09:45, 26/02/2022

  • Cần chính sách đột phá để TP.HCM vươn lên

    Cần chính sách đột phá để TP.HCM vươn lên

    11:00, 25/02/2022

  • Cơ hội đầu tư mới tại “vùng đô thị” phía Đông TP.HCM

    Cơ hội đầu tư mới tại “vùng đô thị” phía Đông TP.HCM

    10:00, 24/02/2022

  • Chuyên gia nói gì về mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM?

    Chuyên gia nói gì về mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM?

    05:00, 24/02/2022

  • Năm thú vị của bất động sản đô thị ven TP.HCM

    Năm thú vị của bất động sản đô thị ven TP.HCM

    03:00, 24/02/2022

ĐÌNH ĐẠI