[CẢM XÚC XUÂN] Về Hải Phòng thăm làng bánh chưng Thuỷ Đường
Càng gần Tết, làng nghề bánh chưng xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên lại tất bật lau rửa lá dong, đãi đỗ, ngâm gạo, ướp thịt để cho ra lò những chiếc bánh chưng thơm ngon phục vụ thực khách xa gần.
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Ấm no vẫn có tương bần
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Tĩnh mịch chiều đông Lôi Âm
Hương vị cội nguồn…
Bánh chưng được ra đời từ rất lâu, lịch sử để lại từ đời Lang Liêu thời vua Hùng Vương thứ VI, đây có thể gọi “tổ nghề” của bánh chưng. Bánh chưng đóng một vai trò quan trọng hết sức lớn lao của nền văn minh lúa nước.
Trong những ngày Tết cổ truyền, không có gia đình Việt Nam nào lại thiếu vắng những chiếc bánh chưng xanh trên bàn thờ, trên mâm cúng ông bà, tổ tiên. Ngày nay, cuộc sống ngày càng bận rộn nên mọi nhà có thể tự làm hoặc mua bánh gói sẵn. Nhưng cho dù mua hay tự làm thì bánh chưng vẫn là một nét đẹp lâu đời không gì thay thế được trong văn hoá tâm linh của người Việt.
Ít ai nghĩ rằng loại bánh “đoàn viên” của mỗi nếp nhà vào dịp Tết này lại trở thành một món ăn truyền thống của một làng nghề. Nó trở thành một bản sắc văn hoá không thể lẫn với bất kỳ một địa phương nào.
Về xã Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng), địa danh nổi tiếng với làng nghề bánh chưng Tết truyền thống những ngày này, hương vị Tết lan tỏa từng ngõ xóm. Nhà nào nhà nấy tất bật với gạo nếp, lá dong, đỗ xanh..., sản xuất hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày để chuyển đến tay khách hàng trong, ngoài thành phố và các tỉnh lân cận.
Ở Thủy Đường có rất nhiều nhà gói bánh chưng đã nhiều đời. Họ truyền tai nhau về thứ nước “linh thiêng” từ giếng làng để làm ra bánh chưng không bị lẫn vị với bất kỳ nơi đâu. Nhà nhà bảo nhau giữ gìn truyền thống, nghiêm ngặt với các quy định từ đời trước để lại. Làng nghề Thuỷ Đường không chạy theo kinh tế thị trường mà quyết tâm giữ lại bản sắc văn hoá dân tộc. Ở đây, bánh chưng Thuỷ Đường không chỉ là của người Thuỷ Đường mà còn là hồn cốt dân tộc.
Được biết, giá bánh chưng ở Thủy Đường trong dịp tết từ 50.000 - 100.000 đồng/chiếc. Bánh được gói bằng tay nhưng rất vuông, thơm, ngon, xanh rền và để cả tuần cũng không mốc.
Ông Nguyễn Tất La, thôn Bấc 2, xã Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng chia sẻ: Nghề này chẳng biết có từ bao giờ. Khi chúng tôi lớn lên đã có rồi!... Đến nay, gia đình tôi đã có 5 đời nối nghiệp làm nghề gói bánh chưng. Nghề làm bánh chưng thì nhiều vùng miền trên cả nước đều có nhưng ở Thủy Đường xem ra lại có “tiêu chuẩn” riêng. “Nguyên tắc” đầu tiên là phải cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu gồm thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh đến lá gói bánh. Đặc biệt, bánh chưng Thuỷ Đường không bao giờ gói khuôn mà tất cả đều dùng tay.
Để có chiếc bánh ngon, đẹp phải trải qua biết bao công đoạn chẳng kém phần công phu. Trước hết, gạo làm bánh có rất nhiều loại nhưng ngon nhất vẫn là gạo nếp cái hoa vàng, hạt tròn, thơm, dẻo, trắng đều. Thêm nữa, trước khi gói bánh cần ngâm rồi vo sạch gạo đến khi nước ngâm trong. Đỗ xanh cũng phải chọn loại ngon, dẻo.
Muốn bánh có vị ngậy và thơm, kinh nghiệm của thợ làm bánh thường chọn loại đậu hạt nhỏ, để nguyên vỏ, ngâm kỹ trước khi đồ, có vậy nhân bánh mới bở, tơi xốp. Một nguyên liệu khác không thể thiếu trong nhân bánh nữa là thịt lợn. Thịt được chọn làm nhân không được nạc quá cũng không được mỡ quá, thích hợp nhất là phần thịt ba chỉ. Để có một chiếc bánh như ý, bánh phải được gói chặt tay, vuông thành sắc cạnh, nhân bánh và gạo được chia với tỉ lệ đều nhau. Khi bánh chín, người ta vớt ra thường rửa qua nước lạnh cho bánh không bị khô lá rồi ép khô nước.
“Nói về giá trị kinh tế thì bánh chưng Thuỷ Đường thực tế không cao, nhưng mình phải giữ làng nghề để lâu dài mãi mãi”, ông La tự hào cho biết.
Bánh chưng “vượt biên”
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Từ bao đời nay đã in sau vào tâm hồn mỗi người dân Việt Nam mỗi độ xuân về. Không biết từ khi nào tiếng thơm của bánh chưng Thủy Đường đã vang xa khắp nơi, ra tận nước ngoài. Nhiều gia đình làm bánh còn phải “lo” bánh xuất đi thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đức, Canada... Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày Tết, hợp đồng đặt hàng lại tới tấp gửi về. Những gia đình có con em đang sống ở nước ngoài cũng mua không ít bánh chưng gửi sang làm quà cho người thân với mong muốn làm tăng thêm sự đầm ấm, mang chút hương vị truyền thống của ngày tết Nguyên đán đến người xa xứ.
Bà Nguyễn Thị Dâng, thôn Bấc 2, xã Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng cho biết: Bánh chưng Thuỷ Đường giờ đây được xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, thậm chí còn được “xuất ngoại” ra nước ngoài. Bánh xuất đi nước ngoài thường phải gói nhiều lá hơn so với hàng trong nước, để khi xếp vào thùng, vận chuyển đi xa bánh không suy chuyển, tăng thời gian sử dụng.
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Hồ Tràm - điểm đến cho kỳ nghỉ Tết
Ông Nguyễn Văn Công - Phó Chủ tịch UBND xã Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng chia sẻ: Đối với nghề gói bánh chưng là một nghề rất truyền thống, lâu đời tại xã Thuỷ Đường. Hiện nay còn rất nhiều hộ duy trì nghề truyền thống này bởi cái tâm của người con Thuỷ Đường luôn muốn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Bánh chưng Thuỷ Đường hiện được những người con xa xứ mỗi dịp Tết đến xuân về khi trở về quê hương lại đặt mua, mang đi để cùng với bà con kiều bào ở nước ngoài thưởng thức đặc sản Thuỷ Đường.
Bánh chưng Thủy Đường nổi tiếng gần xa không chỉ nhờ vào bàn tay khéo léo của những người thợ gói bánh mà còn là uy tín được gìn giữ từ bao đời. Và để giữ gìn văn hoá và sản phẩm tiêu biểu này, cũng đảm bảo cho bánh chưng đạt chuẩn khi xuất ra nước ngoài, thời gian tới, chính quyền địa phương xã Thuỷ Đường định hướng sẽ đưa bánh chưng vào là một trong những sản phẩm tham gia vào OCOP.
“Để phát triển kinh tế, duy trì làng nghề trong nhiều năm qua, địa phương cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho một số hộ dân được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Trong năm 2023, xã Thuỷ Đường cũng có chủ trương xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm bánh chưng để các hộ sản xuất yên tâm. Đồng thời, tạo sự liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau để hình thành một chuỗi sản xuất theo dây chuyền”, ông Công cho biết thêm.
Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần. Trân trọng cảm ơn! |
Có thể bạn quan tâm