Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu bài viết “Ấm no vẫn có tương bần” của tác giả HOÀNG THỊ HIỀN - Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan thường trú Đông Bắc.
>>[CẢM XÚC XUÂN] Tĩnh mịch chiều đông Lôi Âm
Nắng hanh heo tãi từng lá mía trong vườn úa vàng, rũ xuống gốc, chờ một trận gió đi ngang thì chắt thêm mật ngọt. Con mèo rũ lông, vươn mình trên sân khi mùa nếp cái hoa vàng được cất gọn vào trong bồ dưới nhà ngang. Bà bày ra sân la liệt chum sành, vại sứ. Những đứa trẻ con bỏ dở chơi ô ăn quan, ù té chạy lại, xúm xít thi nhau hỏi bà làm gì? Bà cười móm mém, lộ chiếc răng đen nhánh còn sót lại bảo: Năm nay, nhà mình nghèo, bà làm tương bần cho chúng bây ăn".
Mẹ đã ngâm nếp cái hoa vàng ngậm no nước rồi đồ lên thành xôi. Trải ra nia với lá nhãn ủ hai ngày hai đêm để cho lên mốc. Mùi mốc thơm bay khắp sân. Lũ trẻ chúng tôi thường chơi trốn tìm trong đó, cạnh lớp lớp những nia mốc lớn ngả dần màu vàng. Mấy ngày trước, mẹ ngồi rang đỗ tương, tôi nhón tay bốc vài nắm nắm bỏ vào túi áo, lùa trâu ra đồng chăn trâu, thả diều. Khi tiếng sáo đã vi vút trên mây thì mấy đứa rủ nhau nằm khểnh trên đống rơm cắn chắt, mắt lim dim ngắm mây trời. Ở nhà, mẹ đem đỗ tương xay vỡ, ngâm với nước sạch trong chum sành.
Khi nắng ngập tràn sân, bà đem nếp vào chum đỗ cùng với muối tinh khuấy đều với mốc đã ngâm qua đêm. Nắng càng to thì tương chín càng sánh, vàng. Nếu trời râm hoặc mưa, tương sẽ bị xỉn màu, mùi thơm ít hơn và lâu ngấu. Mỗi ngày, bà lại mở chum ra kiểm tra và khuấy đều. Bóng bà đổ dài trên những chum tương căng phình cái bụng. Chẳng cần dán giấy đánh dấu, bà vẫn ghi nhớ và chăm sóc từng chum tương. Đủ ngày, đã nắng, tương đã ngấu đều, hạt nếp mềm ra ngả màu vàng đậm sánh thơm. Tôi đi bê những chiếc vại nhỏ để bà chắt ra dùng cho tiện. Cạnh các hũ đựng gia vị, ở bếp luôn có lọ tương bần. Nó là món nước chấm không thể thiếu khi ăn rau muống luộc, ngọn dây lang, tóp mỡ rim, cà muối, bánh đúc...
>>[CẢM XÚC XUÂN] Tết này con sẽ về nhà
>>[CẢM XÚC XUÂN] Khám phá thác Bản Giốc dịp Tết
>>CẢM XÚC XUÂN: Lộc Xuân đang tới
Những hôm bố đánh được con cá trê, mẹ đem kho với củ riềng, đổ thêm tương cho đậm đà. Mùa đông, tiết trời trở lạnh, mâm cơm thường xuyên có món tương kho cá, đậu rim còn nóng trong nồi đất. Bà đi ra đồng dỡ từng luống khoai lang, khi về bao giờ cũng có nắm ngọn rau lang hái ở những luống mới trồng giữ giống để ra Giêng. Mẹ trải khoai ra nền nhà ngang cho nhanh kéo mật. Bữa tối của cả nhà chỉ có bát nước tương, thêm lát gừng giập át được vị hăng nồng của rau lang luộc. Tôi thích nằm trong lòng bà như một chú mèo con, gỡ những vết nứt trên tay bà, nghe bà kể chuyện Trạng Quỳnh đi ninh mầm đá từ sáng sớm đến tối mịt, khi bụng chúa sôi cồn cào mới dâng một" tượng lo" cho chúa. Chúa ăn sơn hào hải vị quanh năm, ở cung điện nguy nga có kẻ hầu người hạ vẫn phải gật gù khen lọ tương nhỏ ở làng quê lúc đã bủn rủn vì đói lả. Có phải vì thế mà ai cũng thuộc lòng câu ca dao:
“Em đi trăm quán ngàn cầu
Hải vị cũng thuộc, sơn hào cũng quen
Mà sao em vẫn cứ thèm
Đĩa rau muống luộc, lại thêm tương Bần”
Khi tết gần kề, mẹ sai tôi đi rửa lá dong. Thấy các bác sang gọi bố đi sán đụng thịt lợn, tôi nhảy cẫng lên chạy lại ôm lấy cổ bà reo mừng: Tết nhà mình có thịt, có giò, thế mà cứ tưởng chỉ mỗi tương bần. Bà đang bỏm bẻm nhai trầu, cúi xuống xoa đầu tôi, bật cười: Có hay không, mùa đông mới biết. Giàu hay nghèo, ngày ba mươi tết mới hay. Thịt đủ ăn mấy ngày thôi, sau đó, chúng bây lại ăn tương trừ bữa đấy nhả! Miếng trầu quế của bà phả thơm cả tuổi thơ.
Bây giờ, tương được bày bán sẵn, nhưng bà vẫn cặm cụi làm từ những hạt đơn sơ là đỗ tương, gạo nếp, muối trắng và nguồn nước ngầm ở quê. Trong hành lý của mình khi trở lại thành phố vào cuối tuần, tôi thường đem theo lọ tương của bà đã chắt sẵn. Tôi vẫn nhớ vị ngọt đậm đà của nước tương bần chấm rau lang luộc bà hái trong tiết trời rét buốt.
Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần. Trân trọng cảm ơn! |
Có thể bạn quan tâm
04:00, 09/01/2023
01:00, 08/01/2023
05:00, 07/01/2023
05:00, 07/01/2023
05:00, 01/01/2023