[CẢM XÚC XUÂN] Trận đòn ngày Tết và giấc mơ sổ xố của mẹ
Cứ mỗi dịp Xuân về tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thủa ấu thơ, thủa mà Tết thực sự là niềm náo nức của trẻ con. Không có nhiều lì xì, đồ chơi, nhưng chan chứa cả một hồn dân tộc…
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Sắc màu biên giới ngày Tết
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Cái Tết của người Tày
Năm ấy, mẹ tôi đi xem bói. Chả hiểu bà thầy bói nói những gì nhưng ba ngày Tết, cả nhà cứ phải bận áo màu đỏ, hoặc xanh hoặc hồng... Nhà tôi ở phố (thị xã). Bố tôi là bộ đội, biền biệt những năm tháng đóng quân xa nhà. Mẹ tôi, cũng thoát ly đi công tác, nhưng vẫn là người đàn bà quê kiểng.
Tóc mẹ tôi dài, mẹ có bộ quần satin áo cánh trắng. Một năm tháng một đôi lần mẹ tôi mới bận quần áo ấy, còn chỉ dành riêng Tết. Nhưng, Tết năm ấy là một năm đặc biệt. Bố tôi đi phép, được ăn Tết ở nhà. Ngày 27 tháng Chạp, lũ trẻ chúng tôi chính thức được nghỉ học. Năm ấy, mẹ tôi cũng cắt phép sớm. Tập thể Kho 3 của công ty dược thị xã (sau này lên xí nghiệp) vỏn vẹn chỉ có 5 hộ gia đình. Bố tôi, và bác Tràng và bác Hùng ở trong quân ngũ, bá An không lấy chồng ở vậy, bác Ngọ bác Lợi đều xa gia đình, ở tập thể. Nên bó bên nhau như ruột thịt trong nhà.
Hôm ấy lũ trẻ chúng tôi đang chơi nhảy lò cò ở sân thì có chiếc xe tải tuýt còi lùi đít vào. Rất lạ, vì những chiếc xe của công ty ra, vào lấy, trả hàng chúng tôi đều biết. Khi nào đến, chú lái xe cũng bấm còi toe toe theo nhịp. Nhưng cái xe này thì khác. Sau khi bấm còi dồn dập, từ cái cửa cabin màu xanh một... chú bộ độ nhảy xuống. Khi tôi còn chưa kịp nhận ra ai, thì chú bộ đội đã bế bổng tôi lên xoay mấy vòng. Lúc ấy, tôi mới nhận ra bố. Sau khi cười như nắc nẻ váng cả góc sân, bố thả tôi xuống rồi xoa đầu mấy đứa trẻ con trong khu tập thể. Mẹ tôi cười rạng rỡ chạy ra. Từ đuôi cái xe tải "đùn" ra một con lợn.
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Mùa xuân trong hoài niệm
Năm ấy, nhà tôi ăn cái Tết to nhất thời bao cấp. Chú Chỉnh, chú lái xe giục mẹ tôi đun nồi nước thịt lợn. Cả cái sân khu tập thể chộn rộn hẳn lên. Chả ai bảo ai, mỗi người một chân một tay xúm vào cùng chú Chỉnh chọc tiết, pha thịt lọc xương. Mẹ tôi bận mải đi cấu cúc tần, đài bi, xương xông rồi rang đỗ, nhặt hành. Bố công kênh tôi lên vai đi vòng quanh, nói cười rổn rằng. Tôi, lúc ấy chưa quen lắm vì bố công tác xa nhà, đi biền biệt. Tôi chuồi xuống, hòa cùng đám trẻ xem người lớn làm thịt lợn, gói giò...
Ngày 28 Tết, sau khi đi chợ sắm sanh rau củ quả, ăn quáng quàng bát cơm, mẹ tôi đi... uốn tóc. Phần việc nhà còn lại dành hết cho bố tôi. Bác Lợi, bác Ngọ, bá An sang cả nhà tôi, tay năm tay mười sắp mâm bày cỗ ăn tất niên. Tôi còn nhớ như in, mẹ tôi đi làm tóc xoăn về thì bận bộ quần áo mới. Năm ấy rét đậm. Lũ trẻ chúng tôi mặc ba, bốn cái áo bông dệt kim vẫn xuýt xoa vì lạnh. Vậy mà, sau khi đi uốn tóc xoăn về, chả hiểu ai đó nói với mẹ tôi điều gì, mẹ bắt tôi cởi bỏ cái áo khoác ngoài, mặc vào cái áo bông chần lớp ngoài may bằng vỏ chăn con công. Mẹ cũng bắt bố cởi bỏ áo đại cán, khoác lên người cái áo lông đức. Mẹ tôi choàng cái khăn lụa màu đỏ, đi ra đi vào trong nhà ngoài bếp.
Năm ấy, ngày nào không khí ở căn hộ tập thể của chúng tôi cũng là ngày Tết! Bỏ qua những rườm rà, kể ra đây không bao giờ hết. Sáng mùng một, khi tôi tỉnh giấc bố mẹ tôi đã dậy từ bao giờ. Đánh răng rửa mặt xong, cả nhà xanh đỏ đi sang từng nhà chúc Tết. Bố tôi công kênh tôi lên vai, thi thoảng lại thọc léc khiến tôi cười như nắc nẻ. Giấc trưa, khi tôi vừa ngủ sau một hồi lăn lộn "ăn vạ" muốn đi chơi, thì mẹ khua tôi dậy. "Con vừa mơ thấy gì?", mẹ tôi hỏi. Tôi ngáp ngắn ngáp dài, chả nhớ, đáp bừa: "Con mơ thấy bà nội!". Năm ấy bà nội tôi mới mất, nhà kiêng mẹ không cho sang nhà ai trước. Tôi thấy mẹ tôi lẩm bẩm gì đấy, dặn dò bố tôi rồi đạp xe đi.
Các bác các chú kéo nhau sang chúc Tết, bọn trẻ chúng tôi được thả rông kéo nhau ra sân tập thể nô như vỡ trận. Những ngày Tết quây quần là những ngày ấp áp yêu thương. Tôi, lúc này đã quen và trở nên quấn quýt với bố không rời. Thảng có khi, tôi quên bẵng mẹ...
Trưa mùng 3 Tết, mẹ tôi sắp mâm cơm hóa vàng tiễn tiên tổ. Sau khi dọn dẹp mẹ bận bộ quần áo đẹp, thoa tí son gió rồi đạp xe đi. Sẩm tối mẹ tôi về. Bộ quần áo mới xộc xệch. Đầu bù tóc rối. Tôi nhớ, bố tôi chỉ hỏi gì đó thế là mẹ bù lu bù loa lên. Mẹ bảo, tại tôi. Tại bà nội (!!?). Rồi mẹ lôi tôi ra đánh đòn, mẹ khóc. Bố tôi giận lắm, bố bế tôi sang nhà bá An, nhờ bá lấy cao sao vàng xoa vào những vết bầm. Bá An suýt xoa, nựng tôi. Không hiểu bá nói với bố tôi những gì, chỉ thấy bố tôi thở dài.
Bố về, hết Tết bố lại đi lên đơn vị. Tôi còn nhớ, hôm ấy, khi chú Chỉnh đánh xe đến đón, bố khẽ khàng cởi cái áo lông đức màu xanh, đưa cho mẹ tôi. Bố choàng lên cổ tôi cái khăn dù, xoa đầu tôi rồi lên xe. Mẹ tôi bịn rịn nắm tay bố. Tôi còn nhớ, khi ấy, bác Ngọ bế tôi lên, bảo: "Cái con mẹ mày mê sổ xố, cứ bắt mày mơ! "Nó" mua vé số Tết theo giấc mơ của con nhưng không trúng nên con bị đòn oan đấy mà...".
Có thể bạn quan tâm