Gia tăng hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép trên Internet
Doanh nghiệp thương mại điện tử đang phải đối mặt với rủi ro liên quan đến hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép trên internet
>>BHXH Việt Nam: sẵn sàng triển khai 2 nhóm TTHC liên thông trên toàn quốc
Ngày càng có nhiều động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) thuộc Danh mục đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm hoặc hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại cũng như các sản phẩm của chúng như sừng tê giác, ngà voi, cao hố cốt, vẩy tê tê hiện đang được quảng cáo và rao bán công khai trên mạng Internet.
Xuất hiện hàng nghìn bài rao bán trên internet
Đại diện TRAFFIC - Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã cho biết, các báo cáo khảo sát thị trường trực tuyến do Tổ chức TRAFFIC Việt Nam thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy có tới hàng nghìn tin, bài (post) quảng cáo, rao bán các sản phẩm có nguồn gốc từ tê giác, tê tê, voi, hổ và các loài mèo lớn, và rùa (tập trung vào rùa cạn và rùa nước ngọt). Từ năm 2021 đến năm 2022 có sự gia tăng về số lượng tin, bài (post) quảng cáo, rao bán rõ rệt trong Facebook và Zalo là hai nền tảng dẫn đầu về số lượng tin, bài (post) quảng cáo, rao bán các sản phẩm này. Khảo sát cũng phát hiện trên cả các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng tại Việt Nam như Tiki, Shopee, Sendo và Lazada.
Theo Báo cáo có tiêu đề “Da và Xương: Phân tích tình hình buôn bán hổ trái phép từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2022” do Tổ chức TRAFFIC biên soạn và công bố vào tháng 11/2022, 75% trong số 675 tài khoản mạng xã hội rao bán các sản phẩm từ hổ tại 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á đến từ Việt Nam.
Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và dễ dàng che dấu danh tính, nhiều đối tượng đã thường xuyên rao bán các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ và rất nhiều sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) trên mạng Internet. Thậm chí, để qua mắt quá trình kiểm tra (nếu có) của các sàn TMĐT hay các trang mạng xã hội và/hoặc cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã sử dụng các từ viết tắt, viết sai chính tả, từ lóng hoặc từ ám chỉ để rao bán các sản phẩm này. Ví dụ như một post rao bán một miếng sừng tê giác, nhưng nội dung không hề đề cập đến sừng tê giác mà chỉ là bán “ngô, khoai, sắn”, chỉ khi theo dõi tài khoản này hoặc nhắn tin riêng hỏi thông tin về sản phẩm người mua mới biết rõ về sản phẩm được rao bán. Tương tự, vẩy tê tê thường được viết sai chính tả thành vẩy “trê trê” trong các post rao bán sản phẩm này.
Hành vi trái phép sẽ được xử lý như thế nào?
Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, trong đó nhấn mạnh việc xử lý vi phạm về ĐVHD trên Internet như một trong những ưu tiên hàng đầu. Khi cả thế giới được kết nối qua Internet, các hoạt động quảng cáo và buôn bán ĐVHD trái phép trên không gian mạng không chỉ tác động đến đa dạng sinh học của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp trên trường quốc tế. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu các lực lượng chức năng “phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật ĐVHD trên các trang thông tin điện tử”.
Mọi hành vi lưu giữ, quảng cáo, kinh doanh các loài động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm, bộ phận từ chúng mà không có nguồn gốc hợp pháp hoàn toàn bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt lên tới 400 triệu đồng với cá nhân và mức phạt nặng có thể ngồi tù.
Trong 6 tháng cuối năm 2022 đã có tới 06 vụ xử lý vi phạm liên quan đến các đối tượng quảng cáo, rao bán ĐTVHD trái phép trên mạng Internet. Tiêu biểu là ngày 05/12/2022, TAND thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Tình (SN 1965), trú phường 2, Bảo Lộc về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự do có hành vi tàng trữ trái phép 3 tiêu bản đầu bò tót, 1 tiêu bản đầu gấu ngựa, 1 tiêu bản vượn đen má vàng, 2 tiêu bản đầu sơn dương, 1 tiêu bản đầu mang lớn và nhiều bộ phận cơ thể động vật hoang dã khác tại nhà riêng. Từ năm 2019, Hoàng Văn Tình đã có hành vi quảng cáo, buôn bán các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên mạng xã hội. Với hành vi vi phạm này, bị cáo nhận mức phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Theo ông Đoàn Quốc Tâm – Trưởng Ban hợp tác VECOM cho biết: “Từ năm 2015, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã ký Thỏa thuận Hợp tác nhằm định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng TMĐT trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên.
Theo ông Tâm, tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 3000+ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT tiếp cận đến các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đấu tranh phòng chống các hoạt động buôn bán và sử dụng ĐTVHD trái phép trên mạng xã hội. Hơn 200 doanh nghiệp TMĐT đã ký cam kết không tham gia, tạo điều kiện và nói không với các hoạt động quảng cáo, rao bán ĐTVHD trái phép trong hoạt động kinh doanh của mình. Sapo và Chili – các hội viên của VECOM – cũng đã trở thành các thành viên Việt Nam đầu tiên tham gia vào Liên minh đấu tranh ngăn chặn và chấm dứt buôn bán ĐTVHD trái phép toàn cầu do Tổ chức TRAFFIC, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức IFAW sáng lập và vận hành”.
Bên cạnh đó còn có Khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về bảo vệ ĐTVHD thuộc Dự án “Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Đây là một nền tảng trực tuyến cung cấp một cách có hệ thống các quy định pháp lý, thông tin, dữ liệu, hình ảnh và video mô phỏng về các loài ĐTVHD nguy cấp, quý, hiếm giúp người học có thể phân biệt được các loài này cũng như nhận biết được các sản phẩm của chúng để tránh được các rủi ro khi liên quan đến các hoạt động buôn bán và tiêu thụ ĐTVHD trái phép và được cấp chứng chỉ xác nhận việc tham gia, hoàn thành khóa học.
Có thể bạn quan tâm
Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Ngăn “chảy máu” nguồn thu ngân sách
03:30, 21/06/2023
Thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng?
13:30, 19/06/2023
Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 4: Dùng công nghệ "khắc chế" công nghệ
04:00, 19/06/2023
Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 5: Cần lấp khoảng trống pháp lý
04:10, 20/06/2023
Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 3: Còn “lỗ hổng” chính sách
11:00, 18/06/2023