Theo các chuyên gia, một trong những nhiệm vụ cấp bách để tạo xung lực cho tăng trưởng kinh tế là cần khắc phục “lỗ hổng” chính sách thuế trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới…
>>Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 1: Những con số “biết nói”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử xuyên quốc gia đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Theo chuyên gia, sự phát triển hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là liên quan đến quản lý thuế do những khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế…
Với định hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế cùng với tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đảm bảo chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này, thời gian qua, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách và quản lý thuế. Dù vậy, hàng loạt những khoảng trống về hành lang pháp lý cũng như những quy định khó lòng đuổi kịp sự phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại điện tử gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý thuế.
Mới đây, một chiêu thức “lách” thuế tinh vi khi quảng cáo trên TikTok đã bị “phanh phui”. Cụ thể, theo quy định, khi quảng cáo trên nền tảng này, tổ chức có đăng kí thuế sẽ chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Còn không phải là tổ chức đã đăng kí, bên mua sẽ trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại cho nhà nước. Tận dụng tâm lí không muốn mất thêm tiền thuế, nhiều đại lý quảng cáo đã công khai mở dịch vụ cho thuê quảng cáo với thuế suất 0%.
Theo nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, TikTok Shop là nền tảng có mức tăng trưởng đột phá trong quý I/2023. Với 6.000 tỉ đồng doanh thu, TikTok Shop có hơn 68.000 shop có lượt bán và 42,1 triệu sản phẩm bán ra trong 3 tháng đầu năm nay. Những con số cho thấy có sự dịch chuyển dòng tiền quảng cáo lớn đổ lên nền tảng này trong thời gian qua.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, vào tháng 3/2022, Tổng Cục Thuế đã vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đây được coi như một giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thất thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới. Tới đầu tháng 6, đã có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng kí, khai thuế và nộp thuế qua cổng này. Tổng số thu ngân sách nhà nước mà các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp trên cổng từ đầu năm đến nay là 3.401 tỉ đồng.
Tuy nhiên với chiêu thức “lách luật” nêu trên khi các đại lí công khai dịch vụ cho thuê tài khoản quảng cáo “miễn thuế” trên TikTok, cho thấy những thủ đoạn tinh vi, trốn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng. Liên quan đến hoạt động của TikTok, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng tham gia đoàn liên ngành kiểm tra nền tảng này từ giữa tháng 5.
Trong khi đó, theo đại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh, qua quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan này nhận thấy, doanh thu từ thương mại điện tử không khai báo với cơ quan thuế tập trung ở hai điểm: Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử nhưng với những tài khoản mở tại các ngân hàng mà không đăng kí với cơ quan thuế. Thứ hai, thu tiền bán hàng bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa (ủy quyền cho các đơn vi giao nhận hàng hóa, khi giao hàng trực tiếp thu tiền của người mua để chuyển lại cho người bán). Toàn bộ các khoản doanh thu bán hàng này không thực hiện kê khai nộp thuế.
>>Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 2: Vì sao nguồn thu ngân sách “chảy máu”?
Bình luận về “lỗ hổng” chính sách khiến cơ quan chức năng “gian nan” thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới thời gian qua, TS Trần Trung Kiên, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, “lỗ hổng” lớn nhất là khó kiểm soát được giao dịch. Theo TS Kiên, đối với thương mại điện tử xuyên biên giới thì người cung cấp hàng hóa ở nước ngoài mà việc chúng ta bắt buộc họ phải tuân thủ thuế cũng như có thông tin về đầy đủ về giao dịch xảy ra là rất là khó.
“Như vậy, “lỗ hổng” lớn nhất chính là chúng ta không kiểm soát được giao dịch này, đặc biệt là đối với những nhà cung cấp nước ngoài theo diện là bán hàng trên sàn thương mại điện tử", TS Trần Trung Kiên nêu quan điểm.
Ở góc nhìn quản lý, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, khó khăn trong công tác quản lý thuế là hoạt động thương mại điện tử đặc thù diễn ra trên môi trường mạng, các tổ chức cá nhân thường không có trụ sở cố định, và diễn ra rất đa dạng, với nhiều hình thức thanh toán, với nhiều phương thức giao hàng khác nhau. Và đối với việc cung cấp thông tin của các bên thứ 3 nhiều khi chưa đầy đủ, nhất là thông tin về định danh, địa chỉ, mã số thuế.
“Do đó, việc rà soát, quản lý thuế gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, việc đáng quan tâm là ý thức chấp hành của một số tổ chức, cá nhân chưa tự giác", Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nói.
Trước hàng loạt những “lỗ hổng” về pháp lý đang đặt ra, trong khi dự báo về tốc độ phát triển thương mại điện tử ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều chuyên gia cho rằng, để thương mại điện tử phát triển bứt phá trong những năm tới, đặc biệt là không để nguồn ngân sách nhà nước bị “chảy máu” việc tạo dựng một hành lang pháp lý ở mức phù hợp để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới còn non trẻ ở Việt Nam thì việc bịt những “lỗ hổng” không đáng có là rất quan trọng.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần ưu tiên điều chỉnh các văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn, đồng thời, cần sự phối hợp của các bộ ngành trong công tác quản lý nhằm từng bước kiểm soát hiệu quả các vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm