Nghiên cứu - Trao đổi

Thu thuế thương mại điện tử: Cần xây dựng lộ trình hợp lý

Gia Nguyễn 24/02/2025 04:00

Mặc dù việc thu thuế thương mại điện tử được cho là cần thiết, thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, cần xây dựng một lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp…

Tại Dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết, việc quản lý thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số đang do các Cục thuế, Chi cục thuế quản lý thu nên chưa thực sự hiệu quả, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT rất nhỏ so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh TMĐT, nền tảng số.

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-23.2.1.jpg
Việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số được cho là việc làm cần thiết - Ảnh minh họa: ITN

Theo đó, Dự thảo Nghị định này đưa ra các quy định cụ thể về phạm vi trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay của các tổ chức quản lý sàn giao dịch TMĐT, tổ chức quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác.

Đồng thời, Dự thảo Nghị định cũng hướng dẫn cách thức thực hiện việc khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Bên cạnh đó, còn quy định hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế đối với những hộ kinh doanh và cá nhân không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay.

Đối tượng áp dụng Nghị định bao gồm: Hộ kinh doanh, cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT và các hoạt động kinh tế số khác. Ngoài ra, các tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, tổ chức quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, cũng như các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác cũng thuộc phạm vi điều chỉnh…

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-23.2.2.jpg
Tuy nhiên, để tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, không ít ý kiến cho rằng, cần xây dựng một lộ trình hợp lý - Ảnh minh họa: ITN

Nghị định dự kiến nếu được thông qua, sẽ tác động mạnh mẽ đến việc quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT, góp phần tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong công tác thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Nhìn nhận về những đề xuất chính sách, không ít ý kiến cho rằng, việc thu thuế thương mại điện tử được cho là cần thiết, thế nhưng, cần xây dựng một lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp…

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một trong những vấn đề cốt lõi của việc thu thuế từ TMĐT là xác định doanh thu thực tế của hộ kinh doanh và cá nhân bán hàng trên nền tảng số. Trong kinh doanh truyền thống, việc quản lý thuế dễ hơn rất nhiều do hộ kinh doanh có địa chỉ rõ ràng, biển hiệu, mã số thuế, hoạt động theo quy trình pháp lý nhất định. Trong khi đó, nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT lại không có địa chỉ cố định, không đăng ký kinh doanh hoặc không kê khai thuế đầy đủ.

Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay, các giao dịch trên sàn TMĐT rất đa dạng, không phải lúc nào cũng diễn ra trên nền tảng số. Một số lượng lớn giao dịch vẫn được thực hiện ngoài sàn. Người bán và người mua có thể liên hệ trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt thông qua shipper. Khi đó, cơ quan thuế gần như không thể kiểm soát được dòng tiền này.

Việc Bộ Tài chính đang đề xuất cơ chế khấu trừ thuế tại nguồn (các sàn TMĐT sẽ thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán trước khi chuyển khoản cho họ) chỉ khả thi nếu 100% giao dịch được thực hiện trên sàn và thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu người bán và người mua thỏa thuận thanh toán ngoài sàn, thì cơ chế khấu trừ thuế sẽ trở nên thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được vị chuyên gia này quan tâm là trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc thu hộ thuế. Theo ông Tú, Dự thảo Nghị định quy định các sàn TMĐT sẽ phải chịu trách nhiệm kê khai, thu hộ và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên nền tảng của họ. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế hỗ trợ phù hợp, điều này có thể trở thành gánh nặng cho các sàn TMĐT.

“Các sàn TMĐT không phải cơ quan thuế. Họ cũng là doanh nghiệp, nếu yêu cầu họ thu hộ thuế mà không có sự hỗ trợ về chi phí vận hành hoặc cơ chế bù đắp, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ”, ông Tú bày tỏ.

Đồng thời đề xuất, Bộ Tài chính nên xem xét mô hình bù đắp chi phí thu hộ cho các sàn TMĐT, tương tự như cách bưu điện thu hộ thuế hiện nay. Điều này giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp và đảm bảo cơ chế thu thuế thực tế hơn.

Về tổng thể, dù đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện cơ chế thu thuế TMĐT, tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc triển khai cần có sự linh hoạt. Không thể áp dụng ngay lập tức một cơ chế quá cứng nhắc mà không có sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, con người và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu không làm tốt ngay từ đầu, có thể gây phản ứng tiêu cực từ thị trường và làm chậm tiến trình số hóa nền kinh tế…

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, việc thu thuế là cần thiết nhưng cần xây dựng phương thức thu thuế đảm bảo giảm thiểu thủ tục hành chính, gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.

Được biết, Dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hiện đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, tuy nhiên, theo dự kiến, nếu được thông qua, chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 01/4/2025 (tức chỉ còn hơn 01 tháng nữa). Và theo phản ánh của doanh nghiệp, lộ trình này tương đối gấp gáp, trong khi doanh nghiệp cần thời gian để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, nhân sự và tuyên truyền cho người bán. Vì vậy, lộ trình có hiệu lực cũng cần được cân nhắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thu thuế thương mại điện tử: Cần xây dựng lộ trình hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO