Trước khoảng trống thất thu từ thương mại điện tử, việc định danh người bán, chia sẻ dữ liệu và khấu trừ tại nguồn được kỳ vọng sẽ là giải pháp đột phá, chấm dứt tình trạng thất thu thuế kéo dài.
Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Thị Cẩm Giang, Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Bà hãy cho biết đâu là thách thức lớn nhất trong việc quản lý và thu thuế đối với người bán hàng trên các nền tảng số như TikTok, Shopee hiện nay?
Tôi cho rằng, việc thu thuế đối với người bán hàng qua livestream trên các nền tảng số đang đối mặt với nhiều thách thức, cả về mặt kỹ thuật quản lý lẫn pháp lý. Khó khăn lớn nhất là vấn đề xác định danh tính và địa chỉ kinh doanh thực tế của người bán, đặc biệt với các cá nhân không đăng ký kinh doanh chính thức, không có mã số thuế. Hoạt động livestream thường diễn ra theo hình thức tự phát, liên tục thay đổi tài khoản, khiến cơ quan thuế rất khó để theo dõi và kiểm soát dòng tiền phát sinh.
Bên cạnh đó, việc thu thập, chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số và cơ quan thuế vẫn còn hạn chế. Các nền tảng như TikTok hiện không có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu người dùng, doanh thu hay lịch sử giao dịch cho phía cơ quan thuế Việt Nam. Điều này khiến việc xác minh thu nhập và truy thu thuế gặp nhiều khó khăn.
Về mặt pháp lý, hiện nay vẫn tồn tại khoảng trống nhất định. Dù Luật Quản lý thuế đã có những quy định về nghĩa vụ kê khai và nộp thuế với hộ, cá nhân kinh doanh, kể cả qua nền tảng số, tuy nhiên hệ thống văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình thương mại mới như livestream bán hàng xuyên biên giới, hoặc liên kết đa nền tảng.
- Theo bà, quy định định danh người bán trong Dự thảo Luật Thương mại điện tử (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường và cần làm gì để thực thi hiệu quả?
Việc đưa quy định định danh người bán trên nền tảng số, đặc biệt là người bán qua livestream vào Dự thảo Luật Thương mại điện tử (sửa đổi) là một bước đi quan trọng nhằm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh số và tạo sân chơi công bằng hơn giữa các chủ thể kinh doanh. Quy định này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của người bán. Khi buộc phải xác thực danh tính, người bán sẽ khó có thể ẩn danh để trốn tránh nghĩa vụ thuế, gian lận thương mại hoặc cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng. Điều này góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời giúp Nhà nước kiểm soát tốt hơn nguồn thu thuế từ thương mại điện tử - một lĩnh vực đang tăng trưởng rất nhanh nhưng hiện vẫn còn nhiều thất thoát.
Dù vậy, quy định này cũng có thể gây tác động ban đầu đến thị trường, đặc biệt với các cá nhân kinh doanh nhỏ, tự phát, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động livestream bán hàng hiện nay. Nếu không có lộ trình hợp lý, chính sách hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể, yêu cầu định danh có thể khiến một bộ phận người bán rút lui khỏi thị trường hoặc chuyển sang hoạt động "chui", phi chính thức.
Do đó, để quy định này phát huy hiệu quả, cần song song thực hiện các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế cá nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ giữa cơ quan thuế và nền tảng số; tăng cường truyền thông chính sách để người bán hiểu và chủ động tuân thủ. Ngoài ra, việc quy định rõ cơ chế phối hợp giữa nền tảng và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong khâu xác thực thông tin và bảo mật dữ liệu, sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo quy định đi vào thực tế một cách hiệu quả và bền vững.
- Bà đánh giá như thế nào về việc áp dụng mô hình khấu trừ thuế tại nguồn từ nền tảng (TikTok, Shopee...) để chống thất thu thuế trong thương mại điện tử hiện nay?
Việc áp dụng mô hình khấu trừ thuế tại nguồn thông qua nền tảng thương mại điện tử là một hướng đi phù hợp với xu thế quản lý thuế hiện đại và hiệu quả, và Việt Nam đang từng bước tiếp cận mô hình này. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định rõ về trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay của các tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử, cả trong và ngoài nước. Theo đó, các nền tảng sẽ phải nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng tại Việt Nam, với từng giao dịch cụ thể.
Đây là một bước tiến rất quan trọng nhằm thu hẹp khoảng trống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, vốn đang phát triển bùng nổ nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong khâu xác định người nộp thuế, doanh thu và nghĩa vụ thuế. Cơ chế khấu trừ tại nguồn sẽ giúp tăng tỷ lệ tuân thủ thuế một cách tự động, giảm gánh nặng quản lý cho cơ quan thuế, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh trên nền tảng số.
Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả thực tiễn, cần có cơ chế hướng dẫn chi tiết, trong đó làm rõ điều kiện và phương thức khấu trừ, mức thuế khấu trừ, trách nhiệm phối hợp cung cấp dữ liệu giữa nền tảng và cơ quan thuế, cũng như xử lý các tình huống tranh chấp phát sinh. Đặc biệt, với các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, việc thực thi quy định này sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và quốc tế, cũng như giải pháp kỹ thuật về kết nối, truy xuất dữ liệu.
- Trân trọng cảm ơn bà!