Việt Nam có thể trở thành một cường quốc du lịch của thế giới?
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với 17 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 là khả quan, thậm chí, Việt Nam có thể trở thành một cường quốc du lịch của thế giới.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 (Travel & Tourism Submit 2018) sẽ diễn ra vào chiều ngày 5/12 và sáng ngày 6/12 tại Hà Nội.
Sự kiện kéo dài hai ngày, với hai phiên thảo luận. Đặc biệt, phiên thảo luận thứ hai vào sáng ngày 6/12 sẽ có sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với chủ đề "Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững - Tầm nhìn 2030".
Trước đó, tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và đóng góp trên 10% GDP.
Theo bảng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ hạng cao về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, nguồn nhân lực, an ninh – an toàn và cạnh tranh giá. Các doanh nghiệp Việt đã, đang và sẽ có khả năng phát triển những dự án du lịch quy mô, đẳng cấp, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Riêng 11 tháng đầu năm 2018, theo Tổng Cục du lịch Việt Nam, ước tính số khách du lịch nội địa đạt 73,9 triệu lượt khách, trong đó có 36,1 triệu lượt khách lưu trú. Số khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 14,1 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Có thể thấy, sự phát triển đột phá trong những năm gần đây không những khiến cho những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt cách đây 7 năm có thể sẽ lạc hậu, mà còn là cơ sở để chúng ta kỳ vọng cao hơn con số đặt ra cho năm 2020 và hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch của thế giới.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng trình độ phát triển du lịch Việt Nam vẫn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực suốt một thời gian dài do cơ sở hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch nghèo nàn, chính sách phát triển du lịch chưa hấp dẫn, quảng bá và tiếp thị du lịch còn yếu.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch thế nào?
05:30, 07/08/2018
Phát triển kinh tế nền tảng từ thực tiễn ngành du lịch
06:21, 05/08/2018
Giải pháp giúp ngành du lịch xứ Thanh “cất cánh”
09:16, 23/06/2018
Những yếu tố tạo động lực cho du lịch phát triển của Việt Nam như hạ tầng, ưu tiên cho du lịch và mở cửa du lịch đều bị Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng ở mức thấp.
Do đó, tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, các nhà hoạch định, chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành sẽ tập trung thảo luận và đưa ra những biện pháp tháo gỡ những yếu điểm của ngành. Cụ thể, Diễn đàn có phiên một có chủ đề "Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng bền vững" tổ chức từ 13h ngày 5/12. Tại đây sẽ có bài tham luận về hạ tầng du lịch Việt Nam, phát triển nhân lực chất lượng cao...
Phiên toàn thể diễn ra từ 7h30 ngày 6/12 có chủ đề "Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững - Tầm nhìn 2030", với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Các đại biểu sẽ đóng góp ý kiến về nâng cao năng lực của cơ quan quản lý du lịch quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài cho du lịch, tiếp thị điểm đến và hạ tầng hàng không.