Ngành du lịch đang phát triển mạnh nhưng nguồn nhân lực phục vụ lại là nỗi lo của các nhà kinh doanh.
Ngành du lịch, khách sạn đang tăng trưởng cao về lượng khách nhưng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động đạt chuẩn quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam hiện nay, dự báo đến năm 2020, số người làm việc trong ngành này sẽ tăng lên 2,5 triệu.
Thiếu hụt nghiêm trọng
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 7/2018, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 7 đạt hơn 1,18 triệu lượt khách, tăng 0,5% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng của năm 2018, khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không tăng 20,2%; đến bằng đường bộ tăng 63,3%; đến bằng đường biển giảm nhẹ 0,2%.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt Tour, nhìn nhận nhân lực ngành du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên, đang thiếu trầm trọng.
Hiện cả nước có hơn 13.500 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ cho gần 13 triệu lượt khách quốc tế và hơn 7 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài; hơn 8.200 hướng dẫn viên nội địa phục vụ hơn 73 triệu lượt khách. Trong khi ước tính, để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 50.000 hướng dẫn viên nội địa.
Trong khi đó, ông Trương Tấn Lợi, Phó giám đốc phụ trách sự kiện khách sạn Park Hyatt, thông tin nguồn nhân lực hiện nay về ngành nhà hàng khách sạn dồi dào nhưng trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp là tìm được những ứng viên có đầy đủ tố chất và trình độ ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tại nhiều điểm đến ở Phú Quốc, Đà Nẵng, các khách sạn đang thiếu lao động chất lượng cao, nhưng nếu tuyển dụng được, các doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Chia sẻ về sự thiếu hụt nguồn cung lao động, bà Sim Trần - Giám đốc Thương mại Imperial Group cho biết nhiều khách sạn mới mở ở Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải... "đặt hàng" cùng lúc 500 - 700 nhân viên nhiều bộ phận nhưng The Imperial International Hotel School không đủ người để cung cấp. Tại Phú Quốc có hàng trăm khách sạn cần rất nhiều nhân viên nhưng không thể tuyển người tại chỗ, đành phải đến Kiên Giang, An Giang, Rạch Giá, Cần Thơ đưa người về đào tạo.
Bài toán nhân lực chất lượng
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, tiềm năng của du lịch Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ngành này đang tồn tại 4 vấn đề. Đó là cạnh tranh yếu vì thiếu chuyên nghiệp, thiếu liên kết, chưa tận dụng được công nghệ thông tin để thu hút khách du lịch và thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của ngành.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/08/2018
06:21, 05/08/2018
05:07, 02/08/2018
11:16, 31/07/2018
Dự báo thời gian tới tốc độ tăng trưởng của ngành đạt từ 25 - 35%/năm và theo kế hoạch đến năm 2020, ngành kinh tế xanh cần khoảng trên 2 triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động lĩnh vực du lịch tàu biển. Hiện nay, hàng loạt khách sạn 4, 5 sao liên tục được các DN lớn đầu tư đưa vào hoạt động như VinGroup, SunGroup, FLC, Saigontourist…
Cùng với đó, nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu về bất động sản du lịch như Accor, JW Marriott, Hyatt, InterContinental, Four Seasons… đã và đang rốt ráo tăng thêm thị phần tại Việt Nam, nên nguồn lao động chất lượng cao được "săn đón" quyết liệt; đầu ra từ các trường đào tạo chuyên ngành du lịch gần như không đủ cung cấp cho thị trường thời điểm này và cả những năm tới.
Để khắc phục tình trạng trên, TS Trương Sĩ Quý – Trưởng khoa Du lịch, trường ĐH Kinh tế cho biết, bên cạnh việc nâng cao tính thực hành của sinh viên, đa dạng hóa loại hình đào tạo, các trường Đại học cao đẳng cũng cần có cơ chế phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp du lịch và chuyên gia trong doanh nghiệp du lịch cho phép các cơ sở đào tạo du lịch có điều kiện mở rộng quy mô đào tạo theo yêu cầu cấp bách của phát triển du lịch.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc khối thương mại và văn phòng Tập đoàn Imperial Trần Thị Hoa Xim cho biết, các doanh nghiệp trong ngành cần chung tay tìm giải pháp đào tạo nhân lực du lịch quốc tế cho lao động Việt Nam để cùng nhau phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp hóa giải “cơn khát” nhân lực, mà còn nâng cao vị thế nhân sự của Việt Nam đối với thị trường lao động quốc tế. Từ đó, góp phần quan trọng giúp ngành kinh tế xanh phát triển bền vững.