Việt Nam nên ứng phó thế nào với xung đột trên Biển Đông?
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Việt Nam có thể tập hợp lực lượng – hiểu theo nghĩa tạo ra một đối trọng, buộc Trung Quốc phải có thái độ đúng mức trên Biển Đông.
Tuyên bố mới đây của Mỹ cho rằng: "Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các nguồn tài nguyên ở gần như toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, kể cả chiến dịch dọa nạt của họ nhằm kiểm soát chúng. Đây không phải là sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ mà là lời tuyên bố rõ ràng đối với ý định thiết lập “đường ranh giới trên cát” mà Bắc Kinh không nên vượt qua".
Do đó, một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu các bên không kiềm chế hành động của mình. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã chia những quan điểm của mình với Diễn đàn Doanh nghiệp về xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về tuyên bố mới đây của Mỹ về các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông?
Theo tôi, khi bàn về câu chuyện này, có 3 nguyên tắc. Thứ nhất, không chỉ riêng Việt Nam mà quốc gia nào cũng mong muốn có một môi trường tối ưu cho sự phát triển của mình, đó chính là hoà bình và hợp tác.
Thứ hai, đối với chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, không điều gì có thể đánh đổi được.
Thứ ba, trong thời đại nhiều biến động như hiện nay khi nhiều lợi ích đan xen và thậm chí xung đột lẫn nhau thì điều hết sức quan trọng là chúng ta phải lấy những cam kết quốc tế, luật pháp quốc tế làm chuẩn mực.
Nếu dựa theo 3 nguyên tắc này trong thực tiễn xung đột Mỹ - Trung hiện nay thì nó tích hợp cả một quá trình của cả thế giới cũng như của mỗi quốc gia.
Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia rất lớn, không những có vị trí quan trọng trong chính trị mà còn là hai cường quốc kinh tế nhất, nhì thế giới. Chính vì vậy, có thể nói cuộc xung đột này sẽ tác động đến cả thế giới. Bởi vì, Biển Đông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia ở khu vực này, mà còn là tuyến huyết mạch của giao thương thế giới, ngay cả những quốc gia xa xôi về mặt địa lý cũng vẫn có những lợi ích ở đây.
Nếu cách đây không lâu, theo cách nói của các chính khách Hoa Kỳ cũng như từ các bình luận quốc tế là: Trung Quốc “lấy sức mạnh đè người”, bắt nạt các nước nhỏ trong trong khu vực. Trung Quốc đã tạo ra những chủ quyền giả trên Biển Đông, xây dựng đảo và quân sự hóa nó, từng bước khống chế các quốc gia ở đây bằng những hành vi ngang ngược... Các chính sách bành trướng thế lực của Trung Quốc gây ra vô vàn nhức nhối đối với nhiều quốc gia, trong đó không thể không kể đến Việt Nam.
Tuy vậy, do nhiều mối quan hệ giằng xéo lên nhau nên rất khó đối phó với Trung Quốc. Vì thế, Mỹ trực tiếp tham gia với một thái độ rất rõ ràng đã làm thay đổi cục diện ở Biển Đông. Mặc dù cho đến nay, Trung Quốc vẫn nói rất cứng nhưng chắc chắn họ phải xem lại chính sách của mình khi không còn là lợi ích giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền hoặc có các lợi ích trực tiếp về mặt địa lý nữa.
Hơn nữa, cách đặt vấn đề của Mỹ hết sức rõ ràng, họ không tham gia vào việc định đoạt chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia có liên quan, mà yêu cầu trên cơ sở bảo đảm tự do thương mại, tự do hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như giải quyết các xung đột bằng luật pháp quốc tế. Điều đó sẽ thu hút rất nhiều các quốc gia có liên quan đến lợi ích của Biển Đông.
- Theo ông, Việt Nam nên ứng xử thế nào khi căng thẳng Mỹ- Trung ngày càng leo thang?
Đứng về thương mại, quốc gia nào cũng mong muốn hòa bình, hợp tác, cùng có lợi. Việt Nam luôn coi Trung Quốc là đối tác chiến lược, có vai trò quan trọng trong kinh tế chính trị. Mỹ cũng là quốc gia lớn và có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam – là nước xuất khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam, đây cũng là một đối tác toàn diện.
Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần bảo vệ chủ quyền của mình, đồng thời phải kiên trì giữ vững môi trường hòa bình. Việt Nam không mong muốn bất cứ cuộc xung đột nào diễn ra, nhưng phải bảo vệ chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Theo dự báo của nhiều người, xung đột ở Biển Đông có thể dẫn đến xung đột quân sự - điều không ai mong muốn, thế nhưng chúng ta phải thấy Hoa kỳ là một yếu tố phù hợp với lợi ích của chúng ta.
Theo tôi, trong bối cảnh này, đây là một cơ hội để chúng ta có thể tập hợp lực lượng – hiểu theo nghĩa tạo ra một đối trọng, buộc Trung Quốc phải có thái độ đúng mức. Điều đó sẽ càng khẳng định sự hợp tác cùng có lợi của đôi bên mới là nền tảng bền vững trong mối quan hệ song phương, quan hệ quốc tế, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại.
Sau một thời gian thế giới phát triển theo nền kinh tế đa phương – nền kinh tế khiến cho Trung Quốc phát triển rất mạnh, dịch bệnh COVID-19 khiến thế giới giật mình nhận ra sự phụ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều. Chính vì vậy, khi xảy ra các tình huống như hiện nay, Trung Quốc sẽ lợi dụng vị thế của mình, không chỉ ở lợi ích quốc tế thuần túy mà cả những lợi ích chính trị.
Vì vậy, hiện nay không chỉ riêng Hoa Kỳ mà xu thế nhiều nước muốn điều chỉnh lại, đặc biệt là việc rời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc để đi tìm những môi trường thuận lợi và an toàn hơn, mà trong đó có Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng bên cạnh điều đó, chúng ta vẫn cố gắng duy trì tốt trong quan hệ mậu dịch, kinh tế với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Vì vị trí địa lý và nhu cầu về mặt giao thương giữa hai nước là một nhu cầu mà chúng ta phải biết khai thác, bên cạnh việc chúng ta cần đi tìm các mối quan hệ, các thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt để tránh sự phụ thuộc một chiều vào Trung Quốc.
Đây là một bài toán không đơn giản nhưng tôi nghĩ các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp bên cạnh cái nhìn thực dụng, cần có cái nhìn lâu dài, bền vững và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu thì hoàn toàn có thể tìm được những giải pháp, cách làm để coi đây là một cơ hội để phát triển.
- Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt- Mỹ trong 25 năm qua?, Việt Nam nên tận dụng mối quan hệ này như thế nào trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền?
Chúng ta cũng vừa kỷ niệm 25 năm Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, với người làm sử như chúng tôi còn có sự liên tưởng dài hơn: trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai, trong bối cảnh chúng ta có cơ hội dành được độc lập, Hoa Kỳ khi đó là lực lượng duy nhất đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giành độc lập khỏi ách đô hộ của Phát-xít Nhật và đế quốc Pháp.
Nước Mỹ cũng là nước có quan hệ ngoại giao nhân dân đầu tiên, Hội Thân hữu Việt – Mỹ được thành lập tại Hà Nội ngay từ tháng 9/1945. Tuy có cuộc xung đột lớn xảy ra – đó là hiện thực lịch sử, nhưng cũng có thể nhận ra sau khi ta bình thường hóa quan hệ với Hòa Kỳ, có lẽ việc cải thiện và phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là những mẫu mực của hai quốc gia, từ xung đột trở thành hợp tác toàn diện như hiện nay.
Riêng biển Đông, chúng ta thấy không chỉ ở quan điểm của Hoa Kỳ mà còn là sự giúp đỡ thiết thực của Mỹ đối với Việt Nam, như: sự hỗ trợ về lực lượng hải cảnh, thiết bị hàng hải,…đặc biệt là sự hợp tác kinh tế, mang lại cho Việt Nam nguồn lực để ứng phó trước những biến cố khó lường trên biển Đông, đặc biệt là đối phó với Trung Quốc.
Nếu những chính sách của Mỹ buộc Trung Quốc phải từ bỏ phần nào những đòi hỏi ngang ngược sẽ đem lại sự tự do giao thương, tự do hàng hải tại biển Đông, đồng thời cũng đảm bảo cho Việt Nam thể hiện chủ quyền của mình. Tôi nghĩ rằng, cuộc đấu tranh giành chủ quyền của Việt Nam là cuộc đấu tranh lâu dài, mang tính nguyên tắc, nhưng trong bối cảnh hiện nay quan trọng nhất vẫn là làm sao cho những pháp luật quốc tế thực thi hiệu quả trên không gian biển Đông – phạm vi sống còn của chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
Nước Mỹ hành động gì sau tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông?
06:58, 29/07/2020
ASEAN đã sẵn sàng “đứng lên” trước Trung Quốc ở Biển Đông?
07:20, 25/07/2020
Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Không chỉ là tuyên bố suông!
03:00, 23/07/2020
Vấn đề Biển Đông: Việt Nam ủng hộ lẽ phải, luật pháp quốc tế!
03:00, 22/07/2020
Lịch sử 2000 năm của Trung Quốc trên Biển Đông: Không bao giờ có!
03:00, 21/07/2020
CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 13-18/7: Mỹ bác yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông
06:00, 18/07/2020
Biển Đông: Thái độ của Mỹ và lập trường của chúng ta (Bài 2)
07:13, 17/07/2020
Trung Quốc ngụy biện về quyền và lợi ích ở Biển Đông
18:06, 16/07/2020