"Số hoá" thị trường tài chính giải bài toán vốn cho DNNVV
Ứng dụng công nghệ vào nền tảng huy động vốn là một trong những giải pháp được cho là giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên cần có khung khổ pháp lý cho các loại hình này.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt (Verco) các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp, vấn đề tồn tại lớn là các doanh nghiệp này chưa có cấu trúc vốn.
Rời bỏ thị trường vì thiếu vốn
“49% số DNNVV “ra đi” khỏi thị trường là do gặp vấn đề vốn. Tình trạng “vốn mỏng” luôn là khó khăn thường trực đối với khối doanh nghiệp này. Cùng với đó, vấn đề tiếp cận vốn lại gặp nhiều khó khăn”, ông Hùng nói.
Trên thực tế, mặc dù chiếm 97% số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng vốn tín dụng cho DNNVV vẫn chưa cao vì những yêu cầu trong các quy định.
“Hệ thống các ngân hàng đang chi phối 70% nguồn cung vốn. Nhưng điều kiện để tiếp cận được vốn vay ngân hàng theo Luật các tổ chức tín dụng có quy định phải có 2 năm báo cáo tài chính, báo cáo kinh doanh có lãi cộng với phương án kinh doanh khả thi, có khả năng quản trị…đó là khoảng cách rất xa vời với những doanh nghiệp khi mới tham gia thị trường thể trạng “yếu ớt” tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Hùng nói.
Cụ thể, số liệu từ NHNN cho thấy, Theo đó, đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng cho khu vực DN này đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho DNNVV năm 2017 đạt khoảng hơn 21% tổng dư nợ tín dụng.
Ngay cả các quỹ được Chính phủ thành lập để hỗ trợ DNNVV như Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ phát triển DNVVN việc giải ngân cũng tương đối chậm trễ. Đơn cử, từ năm 2014, Quỹ phát triển DNVVN mới chỉ giải ngân 145 tỷ/2000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Giảm thuế thu nhập cho DNNVV mức 15-17% là chưa "cởi mở hầu bao"
07:12, 11/04/2019
DNNVV khởi nghiệp sáng tạo cần nắm bắt thời cơ phát triển
18:04, 05/04/2019
Đẩy nhanh tiến trình số hóa của các DNNVV
00:05, 05/04/2019
Làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số: Ba công nghệ hàng đầu hút đầu tư các DNNVV
16:16, 04/04/2019
Tiếp cận vốn ưu đãi trong chuỗi
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, ở thời kỳ kinh tế số, doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội để kết nối tiếp cận nguồn vốn để phát triển bứt phá. Theo đó, giải pháp hệ thống tài chính số giúp doanh nghiệp giải ba bài toán, bài tóan vốn, bài toán quản trị và bài toán chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, Thông qua cổng app ứng dụng được viết trên nền tảng 4.0 là big data, AI và áp dụng công nghệ bảo mật giao dịch blockchain, QR Code… giúp cho mọi hoạt động được minh bạch.
“Các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống giải pháp tài chính VERIG sẽ minh bạch được dòng tiền, từ đó được định giá doanh nghiệp theo dòng tiền, từ đó các công ty trong chuỗi cung ứng sẽ nhìn vào đó để tài trợ vốn theo giải pháp P2P Lending”, ông Hùng nói.
Lấy ví dụ, ông Hùng cho biết, giải pháp P2P, giữa các chủ thể cho vay ngang hàng, VERIG là chủ thể đứng giữa, 1 trung tâm tài chính số để định giá giá trị cho từng thương vụ, giúp cho ông vay và ông cho vay kết nối theo từng tiêu chí cụ thể cho từng chuỗi cung ứng như thời gian hoạt động trong VERIG, giá trị mang lại trong chuỗi cung ứng, tỷ trọng tham gia chuỗi cung ứng… để quyết định mức lãi suất. Chẳng hạn như chuỗi da giày, ông làm về dệt chiếm tỷ trọng 60% trong chuỗi cung ứng thì tiếng nói để quyết định thương vụ vay sẽ lớn hơn những ông còn lại. Và đôi khi sử dụng vốn vay của ông trong chuỗi sẽ rẻ hơn.
Được biết, ở Việt Nam hiện đã có khoảng 100 tổ chức P2P nhưng ở mức cá nhân và tính an toàn của giải pháp P2P Lending đang có chưa thực sự được kiểm soát 1 cách triệt để. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, đối với hoạt động P2P Lending, các bên sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng di động để kết nối người đi vay và người cho vay.
“Tuy nhiên loại hình này chưa có quy định cụ thể của pháp luật, chế tài giao dịch cụ thể về lãi suất, phương pháp trả nợ, thu hồi nợ,…cũng như hoạt động như thế nào, dưới hình thức nào, do đó sẽ gây rủi ro”, ông Hiếu nói.
Vì vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cần phải sớm có những biện pháp, chế tài quy định cụ thể và kịp thời đối với lĩnh vực này.
“Chúng ta cần phải xây dựng hệ thống quy định cụ thể về các hoạt động cho vay ngang hàng, xác định rõ các công ty tổ chức loại hình này được hoạt động ra sao, quy định về trụ sở, con người và nguồn vốn như thế nào”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Trước đó, CEO Cty CP Tái Cấu Trúc cũng nhận định, có những sàn của doanh nghiệp tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng. “Nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn với lượng tiền lớn, ngay cả các startup cũng có thể IPO trên nền tảng số”, ông Hùng bình luận.