Cuộc cạnh tranh "tám lạng, nửa cân" giữa smartphone 5G của Trung Quốc và iPhone
Các thiết bị điện thoại 5G của các công ty Trung Quốc như Xiaomi hay Realme có giá cả phải chăng hơn nhiều so với dòng iPhone 12 của Apple
Điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc có kết nối 5G tốc độ cao hiện đang làm mưa gió tại thị trường Nhật Bản. Thông qua SoftBank, nhà sản xuất Trung Quốc Xiaomi đã giới thiệu mẫu điện thoại có giá dưới 20.000 JPY (183 USD). Cho đến nay, iPhone vẫn là lựa chọn phổ biến ở Nhật Bản nhưng những thách thức từ các mẫu máy giá rẻ đến từ Trung Quốc hiện đang gây ra một cuộc chạy đua giảm giá.
Mẫu điện thoại Redmi Note 9T của Xiaomi, được SoftBank phân phối độc quyền ở Nhật Bản, ra mắt người dùng lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 2 với lời giới thiệu rằng đây là mẫu điện thoại có hiệu suất chi phí tốt nhất trong các dòng máy 5G. Chưa hết, nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định, dòng điện thoại sẽ được bán lẻ với giá chỉ 1 JPY.
Redmi Note 9T có camera 48 megapixel, chip hệ thống được Công ty MediaTek của Đài Loan sản xuất chứ không phải là Công ty Qualcomm của Mỹ, ngoài ra giá máy cũng được giảm do đây là sản phẩm sử dụng màn hình tinh thể lỏng.
Xiaomi bắt đầu gia nhập thị trường Nhật Bản vào cuối năm 2019. Ngay trước khi IPO vào năm 2018, Xiaomi vốn nổi tiếng với việc giữ tỷ suất lợi nhuận trên các sản phẩm phần cứng, bao gồm cả điện thoại thông minh, dưới 5%.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, trong năm 2020, Xiaomi đã xuất xưởng 145,8 triệu thiết bị, tăng 17% so với năm 2019. Tỷ lệ tăng trưởng của Xiaomi hoàn toàn trái ngược với tỷ lệ giảm 20% của Huawei khi hãng này bán bớt các thương hiệu giá rẻ để đáp trả các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Năm 2020, với việc Apple ra mắt loạt iPhone 12, hiện tất cả các nhà sản xuất lớn đều có các mẫu điện thoại hỗ trợ 5G. Nhưng tại đất nước mặt trời mọc, ngay cả chiếc iPhone 12 rẻ nhất cũng có giá 74.800 JPY trong khi các thiết bị Trung Quốc rẻ hơn nhiều.
Để giải mã bài toán giá rẻ của dòng điện thoại Redmi Note 9T, Công ty nghiên cứu Fomalhaut Techno Solutions đã “giải phẫu” chiếc điện thoại này. Theo ông Minatake Kashio – Giám đốc Fomalhaut, Redmi Note 9T sở hữu màn hình dios phát quang hữu cơ 6,6 inch do Samsung sản xuất. Ngoài ra, thay vì chất nền nhựa được sử dụng trong các mẫu cao cấp như iPhone 12 của Apple, dòng điện thoại giá rẻ này sử dụng bảng điều khiển thế hệ cũ bao gồm ba vật liệu phát màu chính trên nền thủy tinh.
Cùng với màn hình rẻ hơn, chất bán dẫn hệ thống trên chip cũng giúp hạ giá thành sản phẩm. Điện thoại của Xiaomi sử dụng Snapdragon 765G của Qualcomm. Ông Kashio cho biết: “Trong số các sản phẩm của Qualcomm, sản phẩm Redmi Note 9T nằm ở tầm trung, mặc dù sản phẩm này không đủ mạnh cho các tác vụ xử lý phức tạp, chẳng hạn như chạy các trò chơi 3D, nhưng nó đủ tốt để sử dụng các tính năng thông thường trên một chiếc điện thoại thông minh”.
Điện thoại thông minh có trang bị 5G lần đầu ra mắt người dùng vào năm 2019, nhưng quan điểm rằng các thiết bị 5G đều là các sản phẩm đắt tiền đã nhanh chóng trở nên lỗi thời. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Omdia của Anh, trong số các điện thoại thông minh 5G toàn cầu được xuất xưởng vào năm 2019, hầu như không có thiết bị nào dưới 400 USD, thế nhưng đến tháng 7/2020 thì có tới 50% các sản phẩm đã hạ giá xuống dưới mức đó.
Cho đến hết Quý IV năm 2020, nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho rằng doanh số bán các mẫu điện thoại cao cấp dự kiến sẽ tăng lên khi iPhone 12 ra mắt, thế nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi và Vivo lại giới thiệu ra công chúng các thiết bị có giá dưới 2.000 CNY (308 USD) và thấp hơn đa phần các sản phẩm tương tự. Chẳng hạn, Realme - một công ty thuộc tập đoàn Oppo đã giới thiệu V3 - một mẫu điện thoại có khả năng 5G ban đầu có giá 999 CNY.
Trong thông điệp phát ra thị trường, Realme cho biết rằng hãng đang cố gắng phổ biến công nghệ 5G và hãng này đang cố gắng tiếp cận người tiêu dùng trẻ và những người ở các thị trường mới nổi bằng các mẫu điện thoại giá rẻ của mình. Tính đến cuối năm ngoái, các sản phẩm của công ty đã được bán tại hơn 60 quốc gia và khu vực. Năm 2020, hãng này đã xuất xưởng 42,4 triệu điện thoại, tăng 60% so với năm 2019.
Trong khi đó, các nhà cung cấp cũng đang mở rộng các dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từ các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ của Trung Quốc. Vào tháng 1, Qualcomm đã công bố phát hành Snapdragon 480 - một chip hệ thống dành cho các thiết bị cấp thấp, là thiết bị đầu tiên trong dòng hỗ trợ 5G.
Chiến lược "Made in China 2025" của Trung Quốc vốn được tạo ra để phát triển các ngành công nghệ cao của đất nước, và chiến lược này coi những công nghệ truyền thông thế hệ tiếp theo như 5G là một ưu tiên hàng đầu. Được hỗ trợ bởi sự gia tăng của các thiết bị giá rẻ, số lượng điện thoại thông minh có hỗ trợ 5G và các thiết bị khác ở Trung Quốc đã vượt quá 200 triệu vào cuối năm ngoái. Hiện đã có hơn 700.000 trạm gốc 5G và Trung Quốc có kế hoạch bổ sung thêm 600.000 trạm trong năm nay để đảm bảo vùng phủ sóng trên toàn quốc.
Với sự lan rộng của các thiết bị 5G, nhu cầu về trò chơi và video chất lượng cao dự kiến sẽ tăng lên và nhiều khả năng các ứng dụng này sẽ sử dụng công nghệ thực tế ảo. Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh để phát triển và cung cấp các thiết bị siêu nhanh này ra thị trường có thể sẽ có tác động đáng kể đến sự phát triển của các ngành công nghiệp 5G ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm