Intel đầu tư 20 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip

NGUYỄN LONG 24/03/2021 06:18

Theo The Verge, Intel cũng có kế hoạch thuê ngoài một số đơn vị sản xuất chip của riêng mình bắt đầu từ năm 2023 và với kế hoạch mở rộng sản xuất hy vọng Intel sẽ giúp giải "cơn khát" chip toàn cầu.

Bên trong một nhà máy sản xuất chịp của Intel/

Bên trong một nhà máy sản xuất chip của Intel.

Tại buổi công bố “Kỹ thuật cho tương lai” của Intel, tân CEO Intel ông Pat Gelsinger đã công bố kế hoạch thuê ngoài các đơn vị thứ 3 sản xuất chip cho Intel, bên cạnh đó, Intel sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào hai nhà máy mới ở Arizona và một chi nhánh mới của công ty có tên là Intel Foundry Services, đây sẽ là nơi sản xuất chip của Intel cho các công ty khác.

Đây là một phần của chiến lược “IDM 2.0” mới dành cho thiết kế và sản xuất của Intel, bao gồm ba phần. Đầu tiên, đó là sản xuất nội bộ của Intel, sẽ tiếp tục đóng vai trò là một phần quan trọng trong quá trình thiết kế và sản xuất chip của Intel. Thứ hai, việc sử dụng mở rộng các bên thứ 3 trong sản xuất chip, bao gồm TSMC, Samsung và GlobalFoundries, để sản xuất “các sản phẩm cốt lõi trong các dịch vụ điện toán của Intel” cho cả chip tiêu dùng và doanh nghiệp, bắt đầu từ năm 2023.

Và thứ ba, Intel Foundry Services mới được công bố, sẽ chứng kiến Intel mở cửa để xử lý việc sản xuất chip cho các khách hàng thương mại khác, do Randhir Thakur dẫn đầu.

tân CEO Intel ông Pat Gelsinger

Tân CEO của Intel ông Pat Gelsinger.

Intel Foundry Services là một “đơn vị kinh doanh độc lập” và sẽ phát triển các chip lõi x86, Arm và RISC-V cho các khách hàng bên ngoài bằng công nghệ sản xuất của Intel. Và quan trọng đối với công việc của chính phủ, các nhà máy của Intel sẽ được đặt tại Mỹ và Châu Âu, một lợi ích mà các đối thủ cạnh tranh như TSMC không có. Các đối tác bao gồm IBM, Qualcomm, Microsoft, Google, v.v.

Việc mở rộng các nỗ lực sản xuất của Intel - bao gồm khoản đầu tư 20 tỷ USD vào các nhà máy mới ở Arizona sẽ mở rộng khuôn viên Ocotillo hiện có của Intel.

Kế hoạch này được Intel triển khai vào thời điểm quan trọng khi sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu đang diễn ra có nghĩa là nhu cầu về chip luôn ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhu cầu tăng cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu thiết bị điện tử tăng cao phục vụ cho việc giãn cách xã hội và làm việc, học tập tại nhà; Thứ hai, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến TSMC bị đưa vào danh sách đen thương mại khiến khách hàng tìm kiếm những giải pháp thay thế phòng khi nguồn cung chip trên toàn cầu bị hạn hẹp hơn nữa. Một số đã chuyển sang tích trữ chất bán dẫn để phòng ngừa sự thiếu hụt nếu có những diễn biến xấu trên thị trường thế giới.

Việc bổ sung thêm nhà máy sản xuất chip của Intel (và mảng kinh doanh dịch vụ chip mới) có thể giúp mở ra con đường mới cho các công ty trong việc cung cấp các chip cần thiết cho mọi thứ, từ bảng điều khiển trò chơi điện tử cho đến chip cho ô tô. Gelsinger cũng cho biết nhiều nhà máy sản xuất đang hoạt động, hứa hẹn sẽ có thêm những thông báo về việc mở rộng ở Mỹ, Châu Âu và các nơi khác trên thế giới vào cuối năm nay.

Nhân viên Intel mặc đồ bảo hộ trong một nhà máy sản xuất chip.

Nhân viên Intel mặc đồ bảo hộ trong một nhà máy sản xuất chip.

Intel cũng công bố sự hợp tác R&D mới với IBM “tập trung vào việc tạo ra các công nghệ đóng gói và logic thế hệ tiếp theo”. Tuy nhiên, hiện tại chi tiết của sự hợp tác giữa hai bên còn khá ít thông tin.

Hiện tại Intel đang đứng ở một ngã ba: công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty như AMD và dòng chip M1 dựa trên Arm của Apple. Đồng thời, nó đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong lãnh đạo và sự chậm trễ của các thế hệ chip của mình, tất cả đều bị các đối thủ cạnh tranh như TSMC bỏ xa về kỹ thuật sản xuất. Với kế hoạch được CEO mới công bố đã thể hiện những bước đi lớn đầu tiên của Gelsinger nhằm cố gắng điều chỉnh “con tàu” Intel.

Tại Việt Nam, đầu năm 2021, Intel cũng đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) thuộc giai đoạn 1 của nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM). Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) - dự án đã được công bố lần đầu vào năm 2006. Với số vốn đầu tư bổ sung này, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện tại đã lên tới 1,5 tỷ USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Danh tiếng của Intel sẽ thế nào khi liên tục bị kiện vi phạm bằng sáng chế?

    Danh tiếng của Intel sẽ thế nào khi liên tục bị kiện vi phạm bằng sáng chế?

    11:01, 07/03/2021

  • Thấy gì từ việc Intel đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam?

    Thấy gì từ việc Intel đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam?

    03:30, 31/01/2021

  • Vì sao Intel đầu tư thêm nửa tỷ USD vào Việt Nam?

    Vì sao Intel đầu tư thêm nửa tỷ USD vào Việt Nam?

    05:00, 28/01/2021

NGUYỄN LONG