Dấu mốc mới cho cuộc đua vào không gian của Trung Quốc

CẨM ANH 21/05/2021 00:19

Mới đây, tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc đã gửi dữ liệu trở lại Trái đất qua tàu quỹ đạo Thiên Vấn 1.

Tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung của Trung Quốc

Ảnh chụp sau Hỏa từ tàu thăm dò Chúc Dung của Trung Quốc. Ảnh: Cơ quan vũ trụ Trung Quốc.

Cụ thể, Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo, tàu quỹ đạo đã hoàn thành lần giảm tốc thứ tư gần sao Hỏa, đi vào quỹ đạo để chuyển tiếp thông tin liên lạc. Chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc cho hay, tàu Chúc Dung đã thiết lập liên kết dữ liệu với tàu quỹ đạo của Thiên Vấn 1 và lần đầu tiên truyền dữ liệu thành công về Trái đất thông qua tàu quỹ đạo từ ngày 17.5.

Được biết, để tàu quỹ đạo quay một vòng quanh sao Hỏa mất khoảng 8,2 giờ. Trước đó, tàu vũ trụ này bay vào quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 2 vừa qua sau một hành trình gần 7 tháng bay xuyên không gian và đáp xuống bề mặt hành tinh này sau hơn 2 tháng thăm dò điểm đáp phù hợp.

CNSA cũng xác nhận xe tự hành thăm dò sao Hỏa đầu tiên của nước này đã đáp thành công xuống bề mặt hành tinh này. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một tàu thăm dò lên một hành tinh bên ngoài Trái Đất.

Ngay sau đó, Giám đốc NASA Bill Nelson đã chúc mừng Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) sau khi cơ quan này những bức ảnh đầu tiên từ tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung.

Theo ông Nelson, Mỹ và thế giới trông đợi những khám phá mà Chúc Dung sẽ thực hiện để tăng cường hiểu biết của nhân loại về hành tinh đỏ. Đồng thời cho biết, NASA trông đợi những phát hiện quốc tế trong tương lai giúp cung cấp thông tin và phát triển các khả năng cần thiết để con người đặt chân lên sao Hỏa.

Như vậy sau Mỹ và Liên Xô (cũ), Trung Quốc là nước thứ hai đã phóng thành công tàu vũ trụ lên sao Hỏa, làm nóng cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực không gian giữa Bắc Kinh và Washington. Vào tháng 1/2019, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò lên phần tối của Mặt trăng. Sau hơn 1 năm, quốc gia này lại tiếp tục phóng tàu lên Mặt Trăng để mang về Trái Đất gần 2kg đất đá.

Dự kiến, ba chiếc nữa sẽ lên đường vào năm 2027, có thêm tàu thăm dò bay và thậm chí là thử nghiệm in 3D trong không gian. Những sứ mệnh này nhằm mục đích đặt nền móng cho một căn cứ trên Mặt Trăng và các chuyến thăm của các phi hành gia vào những năm 2030, mở đường cho một loạt những kế hoạch chinh phục không gian đầy tham vọng của Trung Quốc.

Thiên Vấn 1 - sứ mệnh thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc đã đạt những bước tiến hiệu quả. Ảnh:

Thiên Vấn 1, sứ mệnh thăm dò sao Hỏa của Trung Quốc đã đạt những bước tiến hiệu quả. Ảnh: Cơ quan vũ trụ Trung Quốc.

Theo báo cáo của một ủy ban quốc hội Hoa Kỳ, chính phủ Trung Quốc coi thăm dò không gian như một “công cụ cạnh tranh địa chính trị và ngoại giao”. Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc Diệp Bồi Kiến (Ye Peijian) đã nhấn mạnh “Chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện các chuyến thăm dò tiểu hành tinh. Chúng tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh này trong 10 năm. Chúng tôi cũng hy vọng Trung Quốc sẽ sớm đủ khả năng đưa người lên Mặt Trăng trong tương lai gần”.

Điều này cho thấy, quốc gia này đã đã sẵn sàng thực hiện bước nhảy vọt tiếp theo để vượt ra khỏi quỹ đạo Trái đất. Alexandra Stickings, một nhà nghiên cứu tại think-tank RUSI, cho biết: “Trung Quốc đã đi theo con đường riêng của mình và có tham vọng trở thành cường quốc không gian trên thế giới. Nhưng các mục tiêu của nó thường gắn liền với một số mục đích chính trị hoặc quân sự."

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, không nên cố gắng loại bỏ Trung Quốc khỏi cuộc đua vào không gian. Cựu phi hành gia Pamela Melroy nhận định với Politico rằng loại trừ Trung Quốc khỏi cuộc đua không gian là "một chiến lược thất bại" khi những nỗ lực nhằm trì hoãn Trung Quốc đã thất bại. Điều này đã thúc đẩy quốc gia này nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển và hoàn thiện công nghệ không gian nhanh hơn để nhanh chóng vượt Mỹ trong tương lai.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Mỹ và các quốc gia cần xây dựng một bộ quy tắc chung về tính an toàn cho các tàu vũ trụ và vệ tinh khi bay vào không gian. Hiện nay, Trung Quốc dường như coi thường các qiu định về an toàn không gian khi gần đây, các bộ phận tên lửa Trường chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương.

Và dù có hay không có NASA, tốc độ tiến vào vũ trụ của Bắc Kinh hiện vượt xa khỏi tầm kiểm soát của Mỹ và một số nước khác. Một điều chắc chắn rằng, không chỉ nhằm phục vụ các mục đích quân sự và dân sự, Trung Quốc sẽ quan tâm hơn đến những lợi ích kinh tế ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD mà cuộc đua này mang lại trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Các va chạm lỗ đen – sao neutron có thể làm giảm tranh cãi về sự dãn nở của vũ trụ

    Các va chạm lỗ đen – sao neutron có thể làm giảm tranh cãi về sự dãn nở của vũ trụ

    13:59, 20/05/2021

  • Bắt được hình ảnh

    Bắt được hình ảnh "xuyên không" 10 tỉ năm từ "quái vật kép" vũ trụ

    05:26, 12/05/2021

  • Lõi tên lửa Trường Chinh 5B rơi tự do và lo ngại về rác vũ trụ

    Lõi tên lửa Trường Chinh 5B rơi tự do và lo ngại về rác vũ trụ

    03:01, 09/05/2021

  • Trung Quốc tham vọng đưa tàu vũ trụ tới rìa hệ Mặt Trời

    Trung Quốc tham vọng đưa tàu vũ trụ tới rìa hệ Mặt Trời

    13:26, 08/05/2021

CẨM ANH