Đua nhau vào… vũ trụ
Du lịch vũ trụ có thể sẽ là một thị trường lớn trong một ngày không xa, và công ty nào càng gia nhập sớm thì càng có nhiều lợi thế.
Cổ phiếu của công ty vũ trụ Virgin Galactic đã tăng 28% vào ngày hôm qua, sau cuộc thử nghiệm tàu bay vũ trụ thành công của hãng du lịch vũ trụ vào cuối tuần rồi. Nếu bạn chưa biết thì Virgin đang nỗ lực để tổ chức các chuyến đi “ngàn sao” vào không gian - hứa hẹn dùng bữa tại nhà hàng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Một trải nghiệm vô cùng “hấp dẫn”.
Hãng bay vẫn còn bốn cuộc thử nghiệm nữa trước khi chính thức khai thác thương mại. Trong khi đó thì New Mexico trở thành tiểu bang thứ ba của Hoa Kỳ phóng thành công con người vào vũ trụ. Chuyến bay này là một bước quan trọng cho chương trình du lịch vũ trụ của Virgin, dự kiến sẽ khởi động vào đầu năm tới.
Tỷ phú Richard Branson, ông chủ đầy cá tính của Virgin, mong muốn mở cánh cửa tới không gian cho nhiều người hơn, thay vì chỉ mới có 600 người đã rời khỏi bầu khí quyển của Trái Đất tới thời điểm hiện tại. Nhưng “cuộc chơi” này vẫn còn nhiều tỷ phú khác đang “chen chân”:
SpaceX:
Năm ngoái, công ty tên lửa của Elon Musk đã lần đầu tiên đưa các phi hành gia NASA lên quỹ đạo bằng tàu vũ trụ tư nhân. Vào tháng 4, SpaceX đã giành được hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD của NASA để xây dựng một hệ thống hạ cánh trên mặt trăng, đánh bại công ty vũ trụ Blue Origin của ông chủ Amazon Jeff Bezos.
Blue Origin:
Tuần này, giá đấu giá để trở thành hành khách đầu tiên với công ty tàu vũ trụ của Jeff Bezos đã đạt con số khổng lồ - 2,8 triệu USD. Chuyến bay có phi hành đoàn kéo dài 11 phút. Mỗi chuyến sẽ có sáu hành khách - tất cả đều là “ghế cửa sổ” để hành khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ. Dự kiến sẽ được khởi động vào ngày 20 tháng 7 - đúng vào ngày Neil Amstrong đặt chân lên Mặt trăng năm xưa.
Cuộc chiến không gian (Star Wars?) đang diễn ra ngày càng quyết liệt. NASA đang dựa vào các công ty tư nhân để giúp tổ chức này thương mại hóa các chuyến bay vũ trụ. Du lịch vũ trụ có thể sẽ là một thị trường lớn trong một ngày không xa, và công ty nào càng gia nhập sớm thì càng có nhiều lợi thế. Chưa kể đến cường quốc vũ trụ mới nổi - Trung quốc - cũng đang lăm le chiếm “một suất” trên không gian.
Còn gì nữa nhỉ?
Phần tranh tụng của phiên tòa “triệu đô” giữa Apple và Epic đã kết thúc - nhưng chúng ta có thể phải đợi thêm một vài tháng để có phán quyết cuối cùng liệu Apple có độc quyền hay không.
Tesla lên kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để chuyển dữ liệu người dùng Trung Quốc về lưu trữ tại đây.
Video “Charlie cắn ngón tay tôi” một thời đình đám trên YouTube đã được bán dưới dạng NFT với giá hơn 760.000 USD và nó sẽ sớm rời khỏi nền tảng video này.
Có thể bạn quan tâm