Sau tối nay, Jeff Bezos có được gọi là “phi hành gia” hay không?
20h hôm nay, 20/7 (giờ Việt Nam), chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên sẽ cất cánh. Vậy những du khách này có được gọi là “phi hành gia” hay không?
Jeff Bezos, cựu CEO của Amazon và là người sáng lập Blue Origin, đang được kì vọng sẽ là cái tên đặt nền móng cho một kỉ nguyên mới của du hành vũ trụ tư nhân, và có thể thay đổi cả khái niệm “phi hành gia” - không chỉ dành riêng cho giới khoa học, ngay cả những khách hàng “có tiền” cũng có thể được nhận danh xưng ấy, khi tham gia các chuyến bay vào quỹ đạo.
“Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu, vì vậy những cuộc tranh luận về việc ai mới được gọi là phi hành gia vẫn chưa nổ ra,” trích chia sẻ của Jim Cantrell, Giám đốc điều hành Phantom Space, người từng là Phó giám đốc phát triển kinh doanh đầu tiên của SpaceX.
Bên cạnh đó, người ta vẫn hoài nghi về việc đâu sẽ là cột mốc để xác nhận con tàu đã bay vào không gian. Hiện tại thì “cột mốc” đó là Kármán Line, một biên giới giả định nằm cách mực nước biển 100km. Raman Prinja, người đứng đầu Khoa Vật lý và Thiên văn của Đại học London, cho biết: “Về cơ bản, một khi vượt qua biên giới này, bầu khí quyển sẽ trở nên quá loãng để cung cấp đủ lực nâng cho các máy bay bình thường để duy trì chuyến bay”.
Nhưng một số học giả, chính phủ và giám đốc điều hành lại đưa ra các độ cao khác nhau khi được yêu cầu xác định nơi bầu khí quyển của Trái đất kết thúc. Một số công ty du lịch vũ trụ đã “khoe khoang” rằng họ sẽ đến "rìa" của không gian, mặc dù họ vẫn còn nằm dưới Kármán Line. NASA thì cho rằng đường biên giới chính xác nằm cách mặt đất 80km - ai vượt qua ranh giới này sẽ là “phi hành gia” trong mắt của chính phủ Mỹ.
Con tàu VSS Unity của Virgin Galactic đã từng đạt độ cao gần 90km trong đợt bay tháng Năm, và vì thế theo tiêu chuẩn của NASA thì những hành khách trên con tàu đó đều là các phi hành gia. Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy.
Blue Origin cho biết tên lửa chở Bezos và những người bạn đồng hành của ông sẽ vượt qua được Kármán Line - công ty gọi đây là “tuyến không gian được quốc tế công nhận”.
“Chỉ khi vượt qua được cột mốc này, bạn mới trở thành một phi hành gia” - thông tin trên website của Blue Origin.
Và vì vậy, chúng ta có thể hiểu rằng chính Jeff Bezos mới là phi hành gia “đích thực”, và danh hiệu đó cũng thuộc về một vị khách bí ẩn đã trả 28 triệu USD cho chiếc vé bay vào không gian. Nhưng Prinja và các chuyên gia khác nói rằng đường ranh giới tưởng tượng đó không chính xác - và có thể thay đổi trong tương lai.
Edwin L. Turner, giáo sư khoa học vật lý thiên văn tại Đại học Princeton, cho biết qua email: “Tôi chắc chắn rằng không có một định nghĩa thuyết phục nào cho ‘rìa không gian’.”
Turner cho rằng biên giới sẽ cách chúng ta 150km, trong khi Liên đoàn Hàng không Quốc tế thì đề xuất đưa biên giới này xuống mốc 80km so với mặt đất.
Turner cũng bổ sung một định nghĩa chặt chẽ hơn về “rìa không gian” - đó là “độ cao tối thiểu mà tại đó một vật thể chuyển động với vận tốc đủ có thể hoàn thành một quỹ đạo tròn của Trái đất mà không cần thêm lực đẩy trước khi lực cản kết hợp với bầu khí quyển rất mỏng ở độ cao đó làm ảnh hưởng quỹ đạo và khiến vật thể lao trở lại Trái đất.”
Với định nghĩa đó, việc có bay vào vũ trụ được hay không có thể phụ thuộc vào kích thước hoặc hình dạng của chiếc máy bay. Cũng theo Turner, một khó khăn khác là bầu không khí thay đổi có thể làm thay đổi đường biên giới.
Phantom Space của Cantrell đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt các phương tiện để chở người lên vũ trụ. Mục tiêu của họ là giúp mọi người dễ dàng đi ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất - có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể là một phi hành gia.
Cantrell nói thêm: “Những gì chúng tôi thực sự muốn làm là biến không gian trở nên gần gũi hơn với chúng ta, chứ không phải là một sự kiện trọng đại mà chúng ta chỉ thấy một lần trong đời.”
Dù sao thì tỷ phú Jeff Bezos cũng sẽ có mặt trong chuyến bay đầu tiên của Blue Origin lên không gian. Hãy cùng xem ông sẽ gọi mình bằng danh xưng gì khi hạ cánh.
Có thể bạn quan tâm