Mạng xã hội “phản Facebook”

QUÂN BẢO 25/10/2021 03:00

Mỗi tài khoản chỉ được đăng tối đa 100 bài trong... cả đời. Đó là điểm lạ lùng nhất của mạng xã hội mới mang tên Minus này.

Với nhiều người, Facebook và Instagram là một thứ tiêu tốn thời gian và sự chú ý. Không chỉ vậy, chúng còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, sự riêng tư và nền dân chủ.

Mỗi người sẽ có một cách “phản đối” khác nhau đối với những mạng xã hội kiểu như Facebook. Còn Ben Grosser, một giáo sư kiêm nghệ sĩ tại Đại học Illinois, chọn phát triển một mạng xã hội lạ đời để cà khịa Facebook.

Mạng xã hội với này có tên Minus. Dù là mạng xã hội, thế nhưng Minus lại không khuyến khích người dùng tương tác thường xuyên, với quy định mỗi người dùng chỉ được phép đăng tối đa 100 bài đăng trong suốt cuộc đời. Vậy nên có thể nói Minus chỉ là một phương tiện để Grosser cà khịa Facebook, chứ không phải là một dự án kinh doanh.

Nền tảng để Grosser xây dựng Minus là những công trình nghiên cứu trong suốt hơn một thập kỷ qua của ông, khai phá xem đâu là vẻ ngoài nên có của một cộng đồng lành mạnh và giàu có trên internet.

Trong những công trình của mình, Grosser tập trung vào những ảnh hưởng văn hóa của mạng xã hội, đặc biệt là cách chúng khơi dậy sự bất an trong lòng người dùng và đánh vào khao khát được thỏa mãn tức thì. Đặc biệt, các đơn vị đều thiết kế mạng xã hội với mục đích gây nghiện.

Trong những tuần qua, các công trình nghiên cứu của ông càng cho thấy sự đúng đắn khi bà Frances Haugen - một nhà khoa học dữ liệu với bằng kỹ sư máy tính tung ra những tài liệu nội bộ chỉ ra rằng Facebook rất hiểu những thiệt hại mà nền tảng này đang gây ra. Theo đó, Facebook cho biết đang tìm cách để giảm những ảnh hưởng tiêu cực này đến đời sống con người, chẳng hạn tính năng ẩn lượt thích bài đăng.

Tuy nhiên Groser đã bắt đầu làm những điều tương tự từ cách đây gần một thập kỷ.

Năm 2012, ông tạo ra Facebook Demetricator - một ứng dụng mở rộng trên trình duyệt cho phép ẩn các lượt thích, chia sẻ, bình luận,... Đây cũng là cách để ông khảo sát xem con người sẽ đăng bài trên mạng xã hội như thế nào nếu các yếu tố phản hồi từ bạn bè không còn nữa. Sau này, ông cũng tạo ra các phiên bản khác cho Instagram và Twitter.

Năm 2017, khi lộ chuyện Facebook dùng trí tuệ nhân tạo nghiên cứu cảm xúc người dùng để nhắm mục tiêu quảng cáo, Grosser đã phát triển GoRando, một công cụ cho phép người dùng bày tỏ cảm xúc ngẫu nhiên trong các bài đăng. Từ đó Facebook sẽ không thể dễ dàng đọc tâm trí người dùng nữa.

Năm 2019, ông tạo nên một video ghép những cảnh Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm CEO Facebook, nhắc đến việc phát triển của mạng xã hội này từ năm 2004 đến 2019. Đây cũng là dự án khiến ông phát triển Minus.

Theo chia sẻ từ Grosser, ông nghĩ video chỉ kéo dài khoảng 5 - 10 phút. Thế nhưng thực tế khi ghép xong, thời lượng của video lên đến gần 50 phút. Ông cho rằng Facebook đang bị ám ảnh quá mức về việc phát triển. Hay theo như một bình luận, Facebook liên tục “đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn.”

Từ đó, Grosser quyết định xây dựng một nền tảng mạng xã hội giống Facebook, tuy nhiên mạng xã hội này không hướng đến tương tác hay sự phát triển. Với mục tiêu này, Minus đã ra đời với quy định độc nhất vô nhị, đó là mỗi người dùng chỉ được đăng tối đa 100 bài đăng. Ngoài ra, cũng không có những tính năng như thích, cột mốc thời gian, số người theo dõi. Vậy nên người dùng sẽ không đắn đo quá nhiều về việc người khác sẽ phản ứng ra sao với bài đăng.

Với quy định này, một số người dùng đã ước tính tuổi thọ con người và chỉ ra tần suất đăng bài trung bình trên Minus nên là 143 ngày/1 bài. Theo Grosser, một phần vì không có những lượt thích, do đó các bài đăng rất ít dính đến chính trị, những trò chơi khăm,... Ngược lại, các bài đăng về thơ, câu trích dẫn và câu hỏi rất nhiều.

Dù không được thỏa thích đăng bài, thế nhưng người dùng Minus có thể tùy ý trả lời lại những bài đăng của người khác. Đây là tính năng hướng đến mục đích thúc đẩy cuộc trò chuyện của Minus.

Grosser chia sẻ: “Cách duy nhất để đánh giá mức độ thành công của một bài đăng là dựa vào các lượt trò chuyện, trả lời. Và đó cũng là cách con người tương tác trước khi có mạng xã hội.”

Với tính năng độc đáo của mình, Minus là một nền tảng thú vị để con người xem thử một mạng xã hội sẽ ra sao nếu không tập trung vào yếu tố tương tác liên tục. Grosser hy vọng Minus có thể thúc đẩy các nền tảng mạng xã hội khác xem xét lại một số tính năng của mình và đặt người dùng lên hàng đầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Facebook đổi tên: “Bình mới rượu cũ”?

    Facebook đổi tên: “Bình mới rượu cũ”?

    04:33, 23/10/2021

  • Facebook đối mặt với chiến dịch tẩy chay quy mô lớn

    Facebook đối mặt với chiến dịch tẩy chay quy mô lớn

    12:42, 12/10/2021

QUÂN BẢO