Thương mại điện tử vào mùa “đại chiến” cuối năm

LÊ SÁNG 14/11/2021 02:00

Cao điểm mua sắm trực tuyến cuối năm, nhất là từ sau dịp 11/11 ngày càng trở thành mùa “đại chiến” của các nền tảng công nghệ thương mại điện tử để thu hút người khách hàng.

>> Thách thức mới cho thương mại điện tử trong "bình thường mới"

>>“Sức mạnh” thương mại điện tử trong đại dịch

“Sàn đấu” vào mùa cao điểm

Theo nhận định của các chuyên gia, việc phổ cập công nghệ đã khiến xu hướng sử dụng công nghệ để mua sắm ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở giới trẻ mà cả các đối tượng trung niên ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, dịch COVID-19 đã vô tình trở thành động lực thúc đẩy nhanh hơn tốc độ và quy mô phát triển của thương mại điện tử.

"Sàn đấu" TMĐT ngày càng có sự tham gia của nhiều DN cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng

Tại Việt Nam, theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Google, Temasek và Bain & Co. vừa công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm nay đạt 13 tỷ USD, tăng đến 53% so với năm 2020. Dự báo, đến năm 2025, quy mô thị trường này sẽ đạt 39 tỷ USD, tăng 32%.

Dù được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng nhưng thị trường cung cấp dịch vụ nền tảng phục vụ cho TMĐT hiện cũng đang chứng kiến cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp, nhất là vào mùa cao điểm cuối năm.

Theo đó, cuối năm là dịp các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chạy đua nước rút để kích cầu tiêu dùng. Nếu Mỹ rộn ràng với Black Friday hay Cyber Monday thì tại châu Á, nhiều ông lớn TMĐT dồn toàn lực cho 11/11.

Đáng chú ý nhất là sự kiện 11/11, vốn được xem là sự kiện giảm giá lớn nhất năm do Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) khởi xướng. Kể từ 2009 - năm đầu tiên tổ chức với vỏn vẹn 27 thương hiệu tham gia, tới 2019, con số này đã tăng lên 200.000 thương hiệu, với giá trị hàng hóa vượt ngưỡng 30 tỷ USD. Mới đây nhất, sự kiện Lễ hội Mua sắm toàn cầu 11.11 năm 2021 vừa diễn ra đã giúp ông lớn TMĐT toàn cầu này thu về 540,3 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 84,54 tỷ đô la Mỹ) tổng giá trị hàng hoá.

Tại Việt Nam, doanh số bán hàng dịp 11/11 năm nay của sàn TMĐT Tiki tăng 9 lần, lượng khách hàng mua sắm tăng 2 lần so với ngày thường. Trong khi đó, sàn TMĐT Shopee ghi nhận nhiều mặt hàng có doanh số hàng trăm nghìn đến hàng triệu sản phẩm được bán ra như có đến 1,8 triệu mặt hàng trang trí được tiêu thụ, trong đó bao gồm 100.000 sản phẩm giấy decal và sticker dán tường. Còn đối với sàn TMĐT Lazada, theo thống kê, doanh thu toàn sàn và số lượng đơn đặt hàng tăng gần 2 lần, số lượng khách hàng tham gia tăng gấp 1,5 lần.

Theo dữ liệu khảo sát về lễ hội mua sắm thịnh hành, đặc biệt như ngày 11/11 của nền tảng tiếp thị trực tuyến mở Criteo S.A. cho thấy doanh số bán lẻ trực tuyến trên các trang TMĐT tăng mạnh. Cụ thể như trong năm 2020, lễ hội mua sắm ngày 11/11 tăng 378% và lượt xem sản phẩm tăng 126% so với cùng kỳ. Các ngày đôi khác như 12/12 còn cao hơn ngày 11/11, thậm chí cao hơn cả ngày hội Black Friday.

>>Sàn thương mại điện tử chỉ nộp thuế thay cho người uỷ quyền

>>Cơ hội nào cho thương mại điện tử trong bối cảnh mới

Cạnh tranh không chỉ bằng “đốt tiền”

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng trở nên “thông thái” thì theo các chuyên gia, để chiến thắng trong trận chiến cạnh tranh thu hút khách hàng thì các nền tảng TMĐT không thể chỉ cạnh tranh bằng việc “đốt tiền” cho khuyến mãi và giảm giá như trước đây.

Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba cho biết, hơn 1 triệu gói hàng trong lễ hội mua sắm 11/11 được giao bởi 350 phương tiện không người lái Xiaomanlv.

Vừa qua, theo Tập đoàn Alibaba cho biết, hơn 1 triệu gói hàng trong lễ hội mua sắm 11/11 được giao bởi 350 phương tiện không người lái Xiaomanlv.

Cụ thể, trong bối cảnh kỷ nguyên shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), theo nhận định từ iPrice thì để thu hút và giữ chân khách hàng, các sàn TMĐT không đơn thuần là nơi bán hàng, mà cần trở thành ứng dụng giải trí với kho trò chơi phong phú.

Còn theo ông Andrew Maher, Giám đốc TMX Việt Nam, công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh tại châu Á - Thái Bình Dương thì các bên sẽ phải chạy đua với nhau để tối đa hóa doanh số và đáp ứng hiệu quả nhu cầu mua khổng lồ của khách hàng. “Tiếp thị đa kênh là phương pháp được tận dụng mạnh mẽ, nhất là truyền thông xã hội cũng như mọi khía cạnh trong hoạt động kinh doanh cần được lên phương án cẩn trọng, từ tiếp thị, quảng cáo, quản lý hàng tồn kho, cho đến đổi mới dịch vụ và quan trọng nhất là hậu cần vận chuyển để đảm bảo mọi đơn hàng đều được giao tận tay người tiêu dùng đúng hạn", ông Andrew Maher nhận định.

Bên cạnh đó, một số xu hướng mới nổi lên tại chương trình lễ hội mua sắm trực tuyến của “ông tổ ngày 11/11” Alibaba.com cũng được các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước có thể cập nhật, gồm.

Thứ nhất, xu hướng khách hàng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh. Cụ thể, dịp 11/11 vừa qua đã có đến 500.000 sản phẩm có Chứng nhận Sản phẩm Xanh từ hơn 2.000 nhà bán hàng đã được giới thiệu trong danh mục hiển thị ngành hàng thân thiện với môi trường chuyên biệt trên nền tảng Tmall.

Thứ hai, xu hướng “xanh hóa” TMĐT, cụ thể, vừa qua trước sự kiện mua sắm 11/11, Tập đoàn Alibaba đã chuyển toàn bộ hệ thống và hoạt động kinh doanh lên nền tảng đám mây công cộng (public cloud). Theo ông Yang Guang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Alibaba thì việc này ước tính đã giúp giảm thiểu được hơn 26.000 tấn phát thải carbon dioxide.

Thứ ba, áp dụng những công nghệ mới như giao hàng bằng thiết bị không người lái. Cụ thể, tại sự kiện mua sắm trực tuyến 11/11 vừa qua, theo Alibaba đã có tới hơn một triệu gói hàng được giao bởi khoảng 350 phương tiện không người lái Xiaomanlv (robot).

Có thể bạn quan tâm

  • “Sức mạnh” thương mại điện tử trong đại dịch

    “Sức mạnh” thương mại điện tử trong đại dịch

    19:28, 11/11/2021

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử

    DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Du lịch tìm khách trên sàn thương mại điện tử

    05:08, 07/11/2021

  • Thách thức mới cho thương mại điện tử trong

    Thách thức mới cho thương mại điện tử trong "bình thường mới"

    15:46, 25/10/2021

  • Thương mại điện tử sau đại dịch, các startup Việt nên tận dụng lợi thế đối tác

    Thương mại điện tử sau đại dịch, các startup Việt nên tận dụng lợi thế đối tác

    05:18, 18/10/2021

LÊ SÁNG