Xu hướng thị trường công nghệ năm 2022

QUÂN BẢO 02/01/2022 04:00

Năm 2022, đại dịch vẫn sẽ là điểm nóng, bởi vậy các công nghệ liên quan trực tiếp tới COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục được lên ngôi.

>>Triển lãm CES 2022 tại Mỹ: Định hướng xu hướng tiêu dùng thế giới

Đại dịch đã khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó có mô hình kinh doanh và thói quen của khách hàng. Những trải nghiệm về công nghệ và các hình thức giao tiếp, làm việc từ xa trong đại dịch sẽ là tiền đề để công nghệ và kinh doanh thay đổi nhanh chóng.

Xu hướng 1: Cách mạng dược phẩm - vắc xin và bộ xét nghiệm COVID tiên tiến

Đại dịch là một cú địa chấn với ngành công nghiệp dược phẩm. Con người dần quen với việc xét nghiệm nhanh và đơn giản. Thử nghiệm lâm sàng không còn theo cách cũ, mà đã chuyển sang nền tảng ảo. Việc tư vấn y tế và thu thập dữ liệu cũng làm online nốt. Những biến đổi này có thể khiến diện mạo ngành dược phẩm thay đổi mãi mãi.

Với nền tảng từ Pfizer và Moderna, hai loại vaccine mRNA đầu tiên trong lịch sử, nhiều chuyên gia dự đoán năm 2022 sẽ xuất hiện thêm nhiều công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất vaccine và xét nghiệm Covid-19.

Ở Việt Nam, những ngày cuối năm 2021, nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 Nanocovax cho biết hiệu lực bảo vệ của liều 25 mcg là 51,6% sau 180 ngày tiêm. Một kết quả khả quan và nhiều hi vọng cho năm 2022.

Xu hướng 2: Làm việc từ xa, họp qua video vẫn tiếp tục thịnh hành

Đại dịch là cơ hội để các ứng dụng, phần mềm giao tiếp, hội họp từ xa phát triển. Dù muốn hay không thì trong năm 2022, con người vẫn phải tiếp tục sử dụng các ứng dụng này.

Ngoài Zoom, thế giới đã dần quen hơn với những dịch vụ gọi điện video như Webex (Cisco), Teams (Microsoft), Google Hangouts, GoToMeeting và BlueJeans (Verizon).

Nhiều cái tên mới cũng xuất hiện trong lĩnh vực làm việc từ xa. Các startup như Bluescape, Eloops, Figma, Slab và Tandem đã đưa ra nhiều giải pháp hay ho. Với các sản phẩm từ những công ty này, người lao động có thể tạo và chia sẻ nội dung, giao tiếp với đồng nghiệp, theo dõi kết quả dự án, đào tạo nhân viên cũng như tổ chức các hoạt động nhóm online. Thậm chí còn có thể tạo một văn phòng ảo tương tự như văn phòng thực tế để tương tác và giao tiếp với đồng nghiệp.

Các giải pháp làm việc từ xa của Việt Nam như FPT, Netnam, v.v. sẽ phải làm việc cật lực để có thể cạnh tranh lại với các ông lớn tầm cỡ thế giới này.

>>3 xu hướng thúc đẩy tăng trưởng cho ngành bán lẻ sau đại dịch

Xu hướng 3: Giao hàng không tiếp xúc trở thành tiêu chuẩn

Tại Mỹ, mức độ phổ biến của giao hàng không tiếp xúc đã tăng 20%. Các đơn vị giao hàng như DoorDash, Postmate, Instacart, Grubhub và Uber Eats đã cung cấp và sẽ tiếp tục kéo dài dịch vụ kiểu này đến năm 2022.

Tại Trung Quốc, Meituan là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ giao hàng không tiếp xúc. Họ dùng máy bay không người lái để giao hàng tạp hóa cho khách. Meituan đã thử nghiệm dịch vụ này vào năm ngoái nhưng mới chính thức triển khai gần đây.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất dùng công nghệ cao để giao hàng. Các startup của Mỹ như Manna, Starship Technologies và Nuro cũng đang thử nghiệm dùng robot và các công cụ AI để giao hàng không tiếp xúc.

Một số đơn vị thương mại điện tử Việt, ví dụ như Tiki, trong năm qua cũng có tùy chọn giao hàng không tiếp xúc nhưng vẫn ở mức độ sơ khai. Năm 2022 chưa rõ các sàn ở Việt Nam bắt theo xu hướng này như thế nào.

Xu hướng 4: Y tế từ xa nở rộ

Trong đại dịch, mọi người đều cố gắng giảm tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm virus. Vì vậy nhiều bệnh viện cả tư nhân lẫn cộng đồng đều bắt đầu triển khai dịch vụ y tế từ xa. Bác sĩ và bệnh nhân giao tiếp qua video, dùng trí tuệ nhân tạo để tiến hành chẩn đoán qua hình ảnh, thuốc cũng được đưa bằng hình thức giao hàng không tiếp xúc.

Số lượng bệnh nhân ở Mỹ sử dụng y tế từ xa đã tăng 50% so với trước đại dịch. Forrester Research dự đoán vào đầu năm 2022, số người dùng dịch vụ này sẽ chạm mốc 1 tỷ.

Ngoài y tế từ xa, năm 2022 con người còn chờ đợi những tin tức mới từ lĩnh vực công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Các chuyên gia sẽ sử dụng máy học trong chẩn đoán và công việc hành chính, đồng thời tạo ra robot chăm sóc sức khỏe.

Xu hướng 5: Học trực tuyến trở thành một phần của hệ thống giáo dục

Trong thời kỳ đại dịch, học trực tuyến trở thành giải pháp tối ưu nhất để vừa phòng dịch vừa không làm chậm trễ chương trình học. 190 quốc gia trên thế giới đã đóng cửa trường học. 1,6 tỷ người phải chấp nhận học trực tuyến. Ngay cả khi mở cửa trở lại, nhiều chuyên gia khuyến cáo vẫn nên tiếp tục áp dụng học trực tuyến.

Một số nền tảng học trực tuyến nổi tiếng: 17zouye, Yuanfudao, iTutorGroup, Hujiang (Trung Quốc), Udacity, Coursera, Age of Learning, Outschool (Mỹ), và Byju (Ấn Độ).

Đầu năm 2022 này, nhiều học sinh Việt Nam vẫn chưa được đến trường và vẫn phải học từ xa. Đây sẽ là cơ hội cho các công ty công nghệ giáo dục Việt.

Có thể bạn quan tâm

  • Năm xu hướng cơ bản định hình nền kinh tế toàn cầu trong năm tới

    Năm xu hướng cơ bản định hình nền kinh tế toàn cầu trong năm tới

    15:00, 17/12/2021

  • Định hướng phát triển Năng lượng Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch năng lượng

    Định hướng phát triển Năng lượng Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch năng lượng

    17:00, 03/12/2021

  • Xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu

    Xu hướng công nghệ mới và khuyến nghị cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu

    13:00, 01/12/2021

QUÂN BẢO