Xu hướng thị trường công nghệ năm 2022 (Phần 2)
Sau hơn 1 năm chững lại vì đại dịch, các công nghệ hạ tầng cơ sở được dự đoán sẽ quay trở lại đường đua.
>>Xu hướng thị trường công nghệ năm 2022
Xu hướng 6: Cơ sở hạ tầng 5G phát triển trên quy mô lớn
Nhu cầu internet tốc độ cao và hệ thống thành phố - nhà ở thông minh đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ 5G, 6G. Đã có hơn 380 hãng viễn thông đầu tư vào 5G và hơn 35 quốc gia cung cấp dịch vụ này.
Năm 2022, sự phát triển của 5G sẽ cải thiện các thành phố thông minh và hỗ trợ lĩnh vực các thiết bị không người lái.
Nhiều bên đã triển khai 5G từ lâu. Chẳng hạn Australia đã xây dựng xong toàn bộ cơ sở hạ tầng trước khi đại dịch xảy ra. Công ty Verizon của Mỹ cũng công bố mở rộng hệ thống 5G hồi tháng 10 năm 2021 và sẽ cung cấp cho hơn 200 triệu người. Trung Quốc cũng nhanh chóng phát triển 5G. Tuy nhiên đứng đầu thị trường 5G trên thế giới hiện nay là công ty Ericsson của Thụy Điển.
Về phần các startup trong mảng 5G. Movandi là một cái tên nổi bật vì dịch vụ của họ cho phép công nghệ 5G truyền dữ liệu trong khoảng cách xa. Hoặc Novalume sử dụng 5G hỗ trợ các thành phố thông minh quản lý dữ liệu và ánh sáng công cộng.
Nhờ có 5G, máy bay không người lái đang cải thiện khả năng điều hướng và sử dụng Internet of Things để giao tiếp với các thiết bị khác. Chẳng hạn, startup Seadronix của Hàn Quốc dùng 5G cung cấp nhiên liệu cho các tàu tự hành. Công nghệ này cho phép tất cả thiết bị có thể làm việc cùng nhau mà không cần con người can thiệp bên ngoài.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 22/12/2021, việc triển khai 5G nằm trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành Viễn thông năm tới. Việt Nam đặt mục tiêu triển khai thương mại 5G trong năm nay.
Xu hướng 7: AI, robot, Internet of Things, tự động hóa công nghiệp phát triển
Năm 2022, nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tự động hóa sẽ rất lớn. Bởi vì đây là năm sản xuất và cung ứng mở cửa trở lại, trong khi nguồn lao động lại thiếu hụt. Do đó các nhà máy, công ty phải ứng dụng AI, robot, Internet of Things để thay thế việc quản lý sản xuất.
Một số công ty công nghệ với các giải pháp AI và robot hàng đầu: UBTech Robotics (Trung Quốc), CloudMinds (Mỹ), Bright Machines (Mỹ), Roobo (Trung Quốc), Vicarious (Mỹ), Preferred Networks (Nhật Bản), Fetch Robotics (Mỹ), Covariant (Mỹ), v.v..
Xu hướng 8: Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) bùng nổ
Năm 2021 ghi nhận sự phát triển và phổ biến của VR và AR. Những công nghệ này đã trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giải trí cho đến kinh doanh. Nhiều công ty phải làm việc từ xa, và VR - AR là một công cụ hữu ích để các nhân viên liên lạc, làm việc cùng nhau.
Công nghệ này tạo nên sự thay đổi trong mọi lĩnh vực. Năm 2022 thế giới sẽ trở nên quen thuộc hơn với hình đại diện AR, dùng AR điều hướng trong nhà, trợ lý từ xa, tích hợp AI vào VR và AR, AR di động, AR trong công nghệ đám mây, các sự kiện thể thao online, công nghệ nhận diện khuôn mặt, v.v.. Sự phát triển của 5G và internet băng thông rộng cũng là động lực thúc đẩy công nghệ này lan tỏa.
Những đơn vị dẫn đầu trong ngành: Microsoft, Consagous, Quytech, RealWorld One, Chetu, v.v..
Cuối năm 2021 vừa rồi, Shopee Việt Nam đã bắt đầu có tính năng mua hàng thực tế ảo, nhen nhóm cho sự phổ biến của công nghệ này trong năm nay.
>>Triển lãm CES 2022 tại Mỹ: Định hướng xu hướng tiêu dùng thế giới
Xu hướng 9: Các phương tiện di chuyển nhỏ gọn (micromobility) phát triển
Đầu năm 2021, thị trường các phương tiện di chuyển nhỏ bị chững lại vì đại dịch, tuy nhiên đến hiện nay đã trở lại phong độ như xưa. Xe đạp điện và xe máy điện dần trở nên phổ biến hơn, là lựa chọn thay thế cho những phương tiện giao thông công cộng và cá nhân khác. Thị trường các giải pháp phương tiện di chuyển nhỏ gọn cá nhân dự kiến sẽ tăng thêm 9%.
Các thành phố lớn như Milan, Brussels, Seattle, Montreal, New York và San Francisco đã xây dựng hơn 30km đường dành cho xe đạp. Trong khi đó chính phủ Anh thông báo sẽ cấm các loại xe chạy bằng động cơ diesel và xăng sau 2030. Những động thái này sẽ càng làm thị trường micromobility trở nên nóng hơn.
Một số công ty đi đầu trong lĩnh vực: Bird, Lime, Dott, Skip, Tier, Vo, Ofo, Mobike và Hellobike.
Xu hướng 10: Công nghệ tự lái hứa hẹn có nhiều đổi mới
Năm 2022 dự kiến sẽ xuất hiện nhiều cải tiến trong công nghệ tự lái
Gần đây Honda vừa thông báo họ sẽ sản xuất hàng loạt xe hơi tự lái. Trong khi đó, hệ thống lái xe tự động của Tesla không chỉ học được cách kiểm soát chuyển động trên làn đường và tự động thiết kế đường đi mà còn có thể nhận biết các biển báo đường bộ và tín hiệu giao thông.
Ford cũng tham gia cuộc đua và thông báo sẽ ra mắt dịch vụ xe tự lái vào năm 2022 và tung ra thị trường năm 2026. Các nhà sản xuất ô tô khác như Mercedes-Benz đang cố gắng kết hợp tính năng lái xe tự động vào các mô hình xe mới của mình.
Với sự cạnh tranh gay gắt này, các công ty khác như Lyft hay Waymo cũng buộc phải chạy theo xu hướng. Rất nhiều doanh nghiệp đã chi ra hàng tỷ đô vào những startup trong lĩnh vực này. Chẳng hạn GM mua lại Cruise với giá 1 tỷ đô, Uber mua Otto với giá 680 triệu đô, Ford mua Argo AI với giá 1 tỷ đô, Intel mua Mobileye với giá 15,3 tỷ đô.
Nhìn về tương lai
Nhìn chung, các xu hướng công nghệ trong năm 2022 sẽ là sự tiếp nối của năm 2021. Tuy nhiên đại dịch vẫn sẽ tạo nên một số tác động nhất định. Nhiều hành vi, thói quen, dịch vụ, v.v. sẽ trở thành chuẩn mực và động lực trong đổi mới công nghệ và kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm