Tình báo doanh nghiệp

ThS VŨ TUẤN ANH - Chuyên gia chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 15/07/2022 11:00

Tình báo doanh nghiệp chưa được thấu hiểu và sử dụng xứng đáng với tầm quan trọng và giá trị mang lại tại doanh nghiệp.

>>Giải pháp bảo mật thông tin trong kết nối vạn vật

Trên thực tế, tình báo doanh nghiệp càng hiệu quả bao nhiêu thì sẽ giúp cho doanh nghiệp vận hành và cạnh tranh hiệu quả bấy nhiêu trên thương trường.

4 nhiệm vụ quan trọng

Năm 2016 khi trao đổi với một chủ doanh nghiệp đơn vị giáo dục, anh chia sẻ một câu chuyện về tình báo doanh nghiệp xảy ra tại đơn vị của anh. Cách đó vài năm có một tập đoàn giáo dục triển khai chi nhánh tại tỉnh của anh. Tập đoàn giáo dục này đã tuyển Giám đốc marketing và bán hàng của anh về làm cho họ. Tuy nhiên thay vì tuyển làm ngay thì họ cố tình nói người này tiếp tục làm việc vài tháng ăn hai đầu lương để lấy toàn bộ thông tin về marketing và tuyển sinh chuyển sang cho họ. “Điệp viên tay trong” này đã gây tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp của anh trong vòng 2 năm khi toàn bộ kể hoạch marketing, bán hàng cũng như tuyển sinh chuyển sang bên cạnh tranh của nhà trường.

Câu chuyện nói trên phản ánh một chức năng quản trị quan trọng trong doanh nghiệp chưa được chú ý trong các doanh nghiệp Việt Nam. Chức năng quản trị này có tên “Tình báo doanh nghiệp (Corporate Intelligence- CI).

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của CI đó là cung cấp các thông tin cho quá trình hoạch định chiến lược và vận hành doanh nghiệp. Kinh doanh về bản chất đó là quá trình các lãnh đạo và quản lý ra các quyết định dài hạn- chiến lược, trung hạn- chiến thuật và ngắn hạn- tình huống với những thay đổi và bất định từ môi trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh và khách hàng. Nếu CI hoạt động hiệu quả sẽ thu thập rất nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau. Bên cạnh việc thu thập thông tin, CI cần phải phân tích đánh giá và đưa ra những báo cáo tổng kết nhằm giúp cho chủ doanh nghiệp ra quyết định quản lý.

>>Doanh nghiệp còn "bỏ ngỏ" cánh cửa bảo mật thông tin

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai của CI đó là tập trung khai thác các nguồn thông tin bảo mật từ đối thủ cạnh tranh, chính phủ và các nguồn thông tin khác. Ở đây có một hiểu nhầm về CI đó là để được thông tin về doanh nghiệp cạnh tranh thì CI phải cử người thâm nhập và lấy trộm thông tin. Điều này hoàn toàn không đúng vì nó vi phạm pháp luật. CI chuyên nghiệp sẽ thu thập thông tin từ các nguồn mở về đối thủ cạnh tranh, ví dụ thông qua các thông tin công bố của doanh nghiệp cạnh tranh, các thông tin về các hoạt động kết hợp với các phân tích chuyên sâu để rút ra các thông tin quan trọng.

Nhiệm vụ quan trọng thứ ba của CI đó chính là phản gián. Có thể nói chức năng thứ ba của CI nhằm lọc các thông tin mật mang giá trị cao lọt ra ngoài thông qua các kênh công bố thông tin, các bài báo hoặc các hình ảnh về doanh nghiệp.

Nhiệm vụ quan trọng thứ tư của CI đó là truyền thông cũng như đào tạo giúp cho toàn bộ lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp hiểu được vai trò và nhiệm vụ của từng người nhằm chống lại các cuộc tấn công gián điệp nhằm có được những thông tin mật có giá trị từ doanh nghiệp.

br class=

Thế hệ nhân viên Z tương tác rất nhiều trong và ngoài doanh nghiệp cũng là những lỗ hổng bảo mật thông tin tiềm ẩn.

Nguy cơ rình rập

CI ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số doanh nghiệp hiện nay. Khi thực hiện chuyển đổi số tất cả các quy trình và dữ liệu được số hóa như vậy, khả năng dữ liệu này có thể dễ dàng bị mất vào tay đối thủ cạnh tranh.

Thứ nhất, đó là quá trình doanh nghiệp áp dụng môi trường làm việc số. Do dịch COVID-19, nhân viên làm việc từ xa rất nhiều. Khi không gian làm việc ở trong doanh nghiệp truyền thống được mở rộng ra bao gồm doanh nghiệp và tại nơi ở của người nhân viên thì khả năng bị mất thông tin rất cao.

Thứ hai, khi chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ đưa thêm nhiều các thiết bị phần cứng kết nối với nhau và ra bên ngoài. Đây cũng chính là các lỗ hổng an ninh khiến cho thông tin tiết lộ ra bên ngoài.

Thứ ba, khi doanh nghiệp thực hiện cạnh tranh số sẽ có rất nhiều hoạt động tương tác như hội thảo, hội nghị và các hoạt động cộng đồng. Các hoạt động này cũng chính là những nơi tiềm ẩn khả năng thông tin và dữ liệu bị lọt ra ngoài một cách không lường trước được.

Thứ tư, đó là thế hệ nhân viên Z tương tác rất nhiều trong và ngoài doanh nghiệp cũng là những lỗ hổng bảo mật thông tin tiềm ẩn.

Thứ năm, đó là các mối đe dọa từ các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh chủ động thực hiện các hoạt động ăn cắp thông tin.

Có thể nói CI là động lực luôn luôn giúp cho doanh nghiệp đi trước đối thủ cạnh tranh vài bước. Trong thời đại hiện nay khi chuyển đổi số trở nên là một điều bắt buộc thì vai trò CI ngày càng trở nên quan trọng khi tốc độ thu thập và xử lý thông tin tính bằng giờ và phút, thay vì ngày và tuần như trước đây.

Chuyển đổi số cũng khiến cho doanh nghiệp trở nên dễ dàng bị mất thông tin một cách vô tình do những lỗ hổng hay cố ý bởi các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. CI, chính sách bảo mật thông tin và các công nghệ phòng chống an ninh mạng là ba cột trụ quan trọng cần được tích hợp nhằm bảo vệ doanh nghiệp tối đa trong kinh doanh hiện tại và tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Thí điểm Mobile Money (bài 5): Chú trọng rủi ro bảo mật thông tin

    Thí điểm Mobile Money (bài 5): Chú trọng rủi ro bảo mật thông tin

    06:15, 16/03/2021

  • Giải pháp bảo mật thông tin trong kết nối vạn vật

    Giải pháp bảo mật thông tin trong kết nối vạn vật

    07:00, 14/11/2019

  • Tuyệt đối bảo mật thông tin cùng Smart Card của VIB

    Tuyệt đối bảo mật thông tin cùng Smart Card của VIB

    06:06, 12/08/2019

  • Doanh nghiệp còn

    Doanh nghiệp còn "bỏ ngỏ" cánh cửa bảo mật thông tin

    15:20, 07/08/2019

ThS VŨ TUẤN ANH - Chuyên gia chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp