Nam Định: Hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh Nam Định xác định là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường.
>>>Nam Định: Chợ công nghệ 4.0 rộng mở cánh cửa giao thương
Từ yếu tố then chốt...
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ: Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân: Với ý nghĩa, tầm quan trọng đó, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số; tập huấn trang bị các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cấp Hội còn duy trì, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ “Nông dân với internet”; tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet”.
Qua đó, hội viên, nông dân được hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet; hướng dẫn cách tìm hiểu thông tin giá cả thị trường, địa chỉ tin cậy về giống, vốn, vật tư; giới thiệu và quảng bá nông sản; khai thác hiệu quả những thông tin hữu ích trên mạng để phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh tích cực vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong tỉnh.
Với sự hỗ trợ của các cấp HND cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, đến nay, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc cây trồng, quản lý trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để tìm kiếm thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Anh Mai Ngọc Chấn, xã Xuân Ninh - Xuân Trường với mô hình trang trại công nghệ cao có hệ thống quạt mát, camera tự động, trồng các loại hoa, rau, quả theo quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Cây trồng được cung cấp nước, phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển bằng bộ hẹn giờ tự động, vừa tiết kiệm nước, giúp cho cây sinh trưởng, phát triển nhanh, vừa góp phần tăng năng suất, tạo ra những sản phẩm sạch, có mẫu mã đẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Thục - xã Trực Thái - Trực Ninh, doanh nghiệp đã tiên phong trong việc sử dụng tem điện tử thông minh (QR code) truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của trang trại gồm thịt lợn thảo dược Hiền Thục, xúc xích Hiền Thục, ruốc Hiền Thục.
Theo ông Thục, nhờ đó người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR để tra các thông tin của nhà sản xuất như quy trình, địa chỉ, ngày sản xuất, hạn sử dụng sản phẩm, còn trang trại cũng quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm đến khách hàng…
...đến áp dụng công nghệ số
CĐS đang là xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với tỉnh Nam Định, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, được xác định là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên trong lộ trình CĐS của tỉnh đến giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ: Đến nay, ngoài các mô hình sản xuất rau, hoa, cây cảnh trong nhà màng, nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi tuần hoàn khép kín, lắp đặt máng ăn, uống tự động, có hệ thống điều hòa nhiệt độ làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống camera giám sát quản lý toàn bộ quá trình chăm sóc, cho ăn, phát triển của vật nuôi.
Trong nuôi trồng thủy sản, nông dân ở các huyện Hải Hậu - Giao Thủy - Nghĩa Hưng đã tích hợp kiểm tra môi trường, nhiệt độ trên điện thoại di động thông minh để giám sát ao nuôi và điều khiển từ xa trong nuôi tôm; áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính…
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, tháng 4/2022, HND tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký kết triển khai “Thỏa thuận hợp tác giữa HND Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” tại tỉnh Nam Định.
Theo đó, trong năm 2022, hai ngành phối hợp thực hiện 5 nội dung nhiệm vụ sau: Rà soát, đưa thông tin sản phẩm và thông tin hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của hai bên.
Phát triển mạng lưới cộng tác viên, đại lý bán hàng với mục tiêu tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn 3 cộng tác viên, đại lý bán hàng sản phẩm, dịch vụ của Bưu điện Việt Nam. Xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân, chi tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của tổ chức HND. Qua thời gian triển khai, đến nay, đã có 215 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân trong tỉnh được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của các địa phương.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số là giải pháp tích cực, góp phần khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, kém phát triển, đồng thời hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; phối hợp với ngành Bưu điện đưa thêm nhiều nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, để lĩnh vực nông nghiệp bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ, trong thời kỳ hội nhập, họ là người nông dân thời đại 4.0 dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp, có tính thực tiễn cao nhằm huy động nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0.
Có thể bạn quan tâm