Nông nghiệp Nam Định thời công nghệ số
Lâu nay, nông nghiệp thường gắn với hình ảnh nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ngày nay thời cộng nghệ số, nông nghiệp Nam Định áp dụng đưa KHCN thành “những cánh đồng công nghệ cao”.
>>>Nam Định: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển
Những nông dân thời công nghệ số
Xa dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ, manh mún, những năm gần đây, ở các vùng nông nghiệp với việc áp dụng công nghệ thì sản xuất đã khác rất nhiều. Chỉ bằng vài thao tác là có thể chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo ý muốn từ xa, đưa năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên.
Theo ông Lê văn Thanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật vật tư Trực Ninh: Thời gian qua Nam Định đã có rất nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin có mức đầu tư cao, nhiều nông dân thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh, từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các nông sản địa phương, cải thiện thu nhập và đời sống, làm giàu từ chính đồng đất quê hương.
Theo ông Thanh, từ một đơn vị chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp, đến nay Công ty Cổ phần Kỹ thuật vật tư Trực Ninh đang trở thành 1 trong những doanh nghiệp đi đầu của tỉnh về sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Ông Thanh chia sẻ, gắn bó mật thiết với đồng ruộng và nông dân từ lâu qua hoạt động cung ứng vật tư mỗi vụ sản xuất, anh hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của bà con. Gần đây, chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao mà giá lúa thương phẩm không tăng, công sức lao động vất vả, hiệu quả sản xuất gần như bằng không khiến nông dân “chán ruộng” nên ngày càng có nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang. Không muốn “tấc đất, tấc vàng” bị bỏ phí, trong khi Công ty có sẵn đội ngũ quản lý, kinh nghiệm thương trường nên anh nghĩ ngay tới việc thuê gom lại những diện tích bỏ trống này thành những cánh đồng lớn. Công ty đầu tư mua máy làm đất, máy cấy mạ khay, thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), máy gặt đập liên hợp và hệ thống sấy lúa để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc BVTV, thu hoạch và chế biến lúa… đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn.
Vụ xuân 2022, Công ty đã thuê gom được 40ha ruộng bị bỏ hoang tại các xã Trung Đông, Trực Tuấn (Trực Ninh); thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), hợp đồng liên kết với bà con nông dân xây dựng mô hình sản xuất lúa theo chuỗi. Tham gia mô hình, các hộ dân là “chủ” trên đồng ruộng, không phải bỏ tiền đầu tư lúa giống, phân bón, BVTV… các khâu làm đất, cấy lúa, phun thuốc BVTV, gặt lúa, phơi thóc… đều có máy làm. Thóc tươi được thu hoạch bằng máy, tuốt và đóng bao tại ruộng rồi được vận chuyển ngay về lò sấy. Nông dân thời đại mới không còn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Giá thu mua thóc cao hơn khi bán cho tư thương như trước đây, năng suất lúa tăng 10% lại không tốn nhiều công sức nên ngày càng nhiều nông dân thuê gom ruộng và tìm đến liên kết với Công ty.
Đến nay, Công ty đã mở rộng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với 16 hợp tác xã (HTX) và hơn chục hộ nông dân có diện tích sản xuất lớn tại các huyện Trực Ninh, Nam Trực và Nghĩa Hưng với tổng diện tích trên 400ha. Hiện Công ty đã xây dựng thành công 3 sản phẩm OCOP là “Gạo sạch Quỳnh Thanh ST25”, “Gạo sạch Quỳnh Thanh BT7”, “Gạo sạch Quỳnh Thanh 999”; mỗi năm xuất bán trên 200 tấn gạo sạch, lợi nhuận đạt 1,5-2 tỷ đồng, cao gấp đôi so với trước khi phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo.
Đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Nổi lên giữa vùng đất bãi hoang hóa ngoài khu vực đê tả sông Hồng đoạn qua xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) là trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Tiến Dũng - Đội 2 thôn Cốc Thành. Đây là một trong những trang trại hiện đại nhất tỉnh với quy mô trên 2.000 con lợn thịt xuất khẩu, mỗi năm xuất bán khoảng 700 tấn lợn thịt, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Trang trại hiện áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động cho lợn; lắp đặt 12 chiếc camera để giám sát từ xa toàn bộ chuồng trại. Người nuôi vừa hạn chế phải ra vào khu vực chuồng nuôi, giảm nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài, mà vẫn nắm bắt kịp thời tình hình bên trong trại để có biện pháp xử lý khắc phục, bảo vệ vật nuôi, như sự cố mất điện, lợn có biểu hiện bất thường và giám sát việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật của công nhân trong khi chăm sóc lợn theo đúng chuẩn an toàn sinh học.
Ông Phạm Tiến Dũng – HTX Nghĩa Đồng, Nghĩa Hưng cho biết: Được sự định hướng và hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Dự án Các-bon thấp tỉnh, HTX đã đầu tư công nghệ xử lý chất thải khép kín gồm: máy ép phân, hầm biogas. Đặc biệt, hiện trang trại đang sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo là máy phát điện khí sinh học EGreen.
Đây là chiếc máy phát điện biogas hiện đại nhất giải quyết song song “bài toán” điện và khí thải trong chăn nuôi quy mô lớn hiện nay, giúp giải quyết phần lớn khí biogas dư thừa và tiết kiệm chi phí tiền điện 15-20 triệu đồng mỗi tháng. Không những thế, ông Dũng còn chia sẻ miễn phí khí biogas cho 20 hộ dân xung quanh trang trại sử dụng làm chất đốt. Toàn bộ lượng chất thải chăn nuôi của trang trại được tách bã, ủ men vi sinh làm phân hữu cơ phục vụ cho hơn 10 mẫu trồng ngải cứu xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Gần 8 năm hoạt động, trang trại của HTX hoàn toàn không để xảy ra dịch bệnh (kể cả thời điểm dịch tả lợn châu Phi trong giai đoạn “căng” nhất) do đã thực hiện chuẩn chỉ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý nghiêm ngặt người ra vào trại nuôi.
Thành lập trên nền tảng cũ từ các hộ sản xuất nước mắm theo phương thức truyền thống, sau 2 năm, HTX nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý (Hải Hậu) đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường với sản phẩm OCOP “Nước mắm Nhà thờ đổ” được nhiều người tiêu dùng biết tới. Điều này đã khẳng định được sự năng động, sáng tạo, bắt nhịp kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới của ông Nguyễn Đức Duy - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. Sau khi thành lập HTX, ông Duy đã vận động các thành viên đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ để sản xuất nước mắm theo quy trình của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng HACCP, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ điều kiện xuất khẩu. Đồng thời đưa hệ thống lọc theo công nghệ RO (thẩm thấu ngược) thay vì sử dụng ống tre truyền thống giúp loại bỏ cặn, vi khuẩn để cho ra thành phẩm là nước mắm trong vắt.
Sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” còn được gắn tem QR cho phép người tiêu dùng chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là truy xuất nắm bắt đầy đủ thông tin về sản phẩm chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, chế biến; các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… để minh bạch chất lượng hàng hóa. Hiện tại, ngoài việc phát triển kênh bán hàng truyền thống thông qua các nhà phân phối, hệ thống bán lẻ trực tiếp thì HTX còn chú trọng đến việc bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki hay Facebook và được áp dụng hình thức thanh toán COD (thu tiền khi nhận hàng) hoặc chuyển tiền qua ngân hàng điện tử. Sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ đa dạng đã giúp HTX mỗi năm tiêu thụ trên 200 nghìn lít nước mắm, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Không còn là nông nghiệp của thời lạc hậu, ngành nông nghiệp Nam Định đã và đang sử dụng khoa học công nghệ để làm chủ quá trình sản xuất, bắt nhịp với sự tiến bộ của nền nông nghiệp thông minh. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh cài đặt các ứng dụng công nghệ cảm biến giúp người nông dân không cần phải ra tận vườn cũng có thể điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng phù hợp cho những luống rau, cây hoa. Những “vườn rau không đất”, “trang trại tự động”, “thương mại điện tử”, “thiết bị bay phun thuốc diệt sâu bệnh”, “tem truy xuất hàng hóa”… ngày càng được ngành nông nghiệp Nam Định đưa vào quy trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm