Nam Định: Ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị nông sản
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tích cực đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản, đem lại hiệu quả cao, góp phần đổi mới phát triển kinh tế địa phương.
>>>Nam Định: Thúc đẩy “số hóa” trong các hợp tác xã
Từ hỗ trợ đưa KHCN vào sản xuất
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Giao Thủy, Nam Định: Phát huy vai trò “cầu nối” chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), trong năm 2022, Trung tâm đã tổ chức lồng ghép 6 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi cho 600 lượt nông dân. Trong đó, phối hợp với Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức 9 lớp tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng phân bón Lâm Thao cho gần 600 nông dân của 9 xã Giao An, Giao Hương, Giao Thanh, Giao Châu, Giao Tân, Giao Lạc, Giao Tiến, Giao Thịnh, Giao Hải; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN và PTNT) tổ chức cho cán bộ và các hộ nông dân trong huyện tham quan, học tập các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao để rút kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn phù hợp điều kiện địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị kinh tế.
Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học cho 80 hộ chăn nuôi; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức 2 lớp tập huấn cho 120 lượt nông dân các xã Giao Phong và Giao Hà về kỹ thuật sản xuất rau màu vụ đông… Qua các lớp tập huấn, tham quan các mô hình đã giúp nông dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất; phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng; phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...
Theo ông Tô Quốc Khánh - Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường tập huấn chuyên môn, kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi cho đội ngũ thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông cơ sở và nông dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng các mô hình khuyến nông nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho doanh nghiệp, nông dân sản xuất nông nghiệp. Trong đó, làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên cây trồng. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm,... Các hoạt động của Trung tâm DVNN Giao Thủy đã góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng thuận thiên, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương tăng cường việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân về nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
...đến nâng cao giá trị nông sản
Không chỉ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm chi phí lao động, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp còn góp phần nâng cao giá trị nông sản, phát triển chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản của tỉnh, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các giải pháp phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, thân thiện với môi trường.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn (NNPTNT): Việc phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp được chỉ đạo theo quan điểm đầu tư thâm canh, cải tạo vườn cây già cỗi bằng những giống mới có năng suất, chất lượng cao, mở rộng diện tích theo quy hoạch ở những vùng có điều kiện, lợi thế.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng KHCN để phát triển nông sản như: Công ty TNHH Công Danh, TNHH MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (thành phố Nam Định); TNHH Công Phượng, TNHH Biển Đông DHS (Hải Hậu); trang trại Hiền Thục (Trực Ninh)... đã đầu tư dây chuyền thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị dưới hình thức trang trại, chăn nuôi gia công, doanh nghiệp và nông dân để chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng.
Trong lĩnh vực thủy sản, các doanh nghiệp, cơ sở, hộ nuôi tích cực áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường trong nuôi thâm canh và nuôi công nghiệp. Trong đó, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh để cải tạo ao, đầm; quản lý quy trình nuôi từ sử dụng hóa chất sang dùng các chế phẩm sinh học. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, hiệu quả, bền vững và tạo ra các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với tăng cường ứng dụng KH và CN trong sản xuất, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng, áp dụng, duy trì các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến.
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT: Hiện toàn tỉnh có 127 cơ sở, doanh nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP, HACCP; 1 doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi theo tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ; 1 vùng nuôi ngao được chứng nhận ASC. Hiện ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ bước đầu 3 cơ sở, hợp tác xã áp dụng VietGAP chuyển đổi sang hữu cơ. Song ngành Nông nghiệp đã có giải pháp ứng phó hiệu quả là tăng cường ứng dụng KH và CN, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nâng cao thương hiệu và tính cạnh tranh sản phẩm, qua đó khẳng định chỗ đứng của các doanh nghiệp Nam Định trên thị trường, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Được biết, hiện nay ngành Nông nghiệp hiện vẫn giữ vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ số. Sự cạnh tranh từ nhiều thị trường khác và sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng nông sản ngày càng cao cùng với diện tích đất canh tác, nhất là đất có chất lượng tốt, bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng đã đặt ra những thách thức rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Để giải bài toán này, phát triển nông nghiệp ứng dụng KH và CN là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả về năng suất, chất lượng nông sản và bảo đảm sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và những người làm nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm