Công nghiệp ô tô - Bài 3: Mắc sai lầm liên tục, mất cơ hội phát triển

TRẦN THỦY 03/08/2023 04:50

Trong quá khứ công nghiệp ô tô Việt Nam không thể phát triển được là do mắc những sai lầm liên tục về chính sách.

Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.

>>Công nghiệp ô tô - Bài 2: Khát vọng không thành

Thiếu tầm nhìn

Về mặt chủ trương, suốt 30 năm qua, Chính phủ luôn nhất quán phát triển ngành công nghiệp ô tô. Coi công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách ban hành lại có rất nhiều hạn chế và sai lầm.

Đầu tiên là chính sách chỉ ưu đãi cho lắp ráp giản đơn, mà không thúc đẩy nội địa hóa. Tức là các DN ô tô tại Việt Nam chỉ cần đầu tư một dây chuyền đơn giản với chi phí thấp, thực hiện 4 công đoạn cuối cùng là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định, rồi nhập toàn bộ linh kiện về lắp ráp là được ưu đãi thuế nhập khẩu. Trong khi thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện chỉ có 25%, thì thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 60-80% chênh lệch rất lớn, khiến lắp ráp có lợi thế.

Tiếp đến là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán xe, tức là kể cả xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước đều chịu chung các mức thuế suất như nhau, tính theo dung tích xi lanh, khi xuất hóa đơn bán đến đại lý bán lẻ.

vvv

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có lịch sử phát triển  hơn 30 năm, nhưng đến nay vẫn chỉ mới giai đoạn sơ khai. (Ảnh minh họa)

Trong khi, các nước trong khu vực đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên đơn giá bộ linh kiện nhập khẩu. Tức là càng nội địa hóa nhiều, nhập khẩu ít thì chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ít. Indonesia là một ví dụ. Thời điểm Việt Nam bắt đầu phát triển công nghiệp ô tô, năm 2000, quốc gia này khuyến khích tăng nội địa hóa bằng ưu đãi thuế. Nếu nhà sản xuất ô tô nào đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40-60% thì phần linh kiện còn lại nhập khẩu, sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Tại Việt Nam thời gian qua cũng đã có hàng loạt đề xuất từ giới chuyên môn, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý, nên ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với các linh kiện mua trong nước, để khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhưng đến nay vẫn không thành hiện thực.

Một vấn đề nữa là mâu thuẫn trong chính sách. Muốn phát triển công nghiệp ô tô lại hạn chế tiêu dùng, tăng thuế phí liên tục, làm cho giá xe bị đội lên cao, khiến thị trường bị thu hẹp. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam ở mức trung bình thấp nhưng giá xe ô tô lại cao hơn từ 2-3 lần so với thế giới, khiến ước mơ về ô tô luôn xa tầm với. Chính sách này rõ ràng đã ngăn cản sự phát triển của công nghiệp ô tô. Theo tính toán, với thu nhập bình quân người dân hiện nay khoảng 90 triệu đồng/người/năm, để mua được chiếc ô tô sedan hạng B tầm giá 600 triệu đồng, thì phải nhịn không ăn tiêu khoảng 7 năm mới có được. 

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đã thừa nhận, có mối liên hệ giữa ngành công nghiệp ô tô với các hộ gia đình. Tức là phải tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiêu thụ ô tô, thì công nghiệp ô tô mới có cơ hội phát triển.

Mất cơ hội

>>Công nghiệp ô tô - Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng

Trong quá khứ đã có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần xác định rõ có khuyến khích người dân sử dụng ô tô cá nhân hay không. Bởi đây là thị trường quan trọng của ngành công nghiệp ô tô. Nếu vậy, Chính phủ phải định hướng các cơ quan chức năng, trong việc xây dựng chính sách về hạ tầng giao thông, thuế phí đồng bộ hơn, nhưng không thành công.

Không những thế, sự thay đổi chính sách với sản phẩm ô tô còn diễn ra liên tục, thậm chí tính theo tháng. Ngành công nghiệp ô tô cần có chính sách ổn định, lâu dài để doanh nghiệp có thể dự đoán được thì ngược lại giai đoạn từ 2003-2009 các chính sách về thuế phí đối với ô tô thay đổi liên tục, có năm thay đổi tới 3-4 lần, khiến cho doanh nghiệp không thể dự đoán được và chỉ kinh doanh theo kiểu chụp giật. Chính sách nhanh thay đổi đã khiến doanh nghiệp phải than trời và đặt câu hỏi: có làm ô tô nữa hay thôi? Còn các nhà đầu tư  nước ngoài thì không có ý định đầu tư vào sản xuất linh kiện tại Việt Nam bởi quá rủi ro.

ccc

Ô tô nhập khẩu hưởng ưu đãi thuế 0%, giá rẻ ngày càng tràn vào Việt Nam nhiều. (Ảnh minh họa)

Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, chính sách của Việt Nam về công nghiệp ô tô suốt thời gian dài vừa qua chẳng giống ai, vừa mâu thuẫn, vừa thay đổi liên tục, cái cần ưu đãi, khuyến khích thì không, cái không cần lại ưu đãi, như vậy công nghiệp ô tô phát triển được mới là điều kỳ lạ.

Còn Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, điểm yếu cố hữu trong xây dựng chính sách nói chung của chúng ta là thiếu tầm nhìn, không dự báo được biến động của thực tiễn, mang mặng tính chất chạy theo xử lý thực tế, thiếu ổn định, không thể tiên liệu được, thiếu đồng bộ và rõ ràng... Tất cả đều được thể hiện đầy đủ trong ngành công nghiệp ô tô suốt 30 năm qua.

Với Hàn Quốc sau 30 năm phát triển, ngành công nghiệp ô tô đã thành công rực rỡ và có đóng góp quan trọng đưa nước này “hóa rồng”. Trong khi Việt Nam cũng phát triển ngành công nghiệp ô tô được 30 năm, nhưng đến nay vẫn chỉ mới giai đoạn sơ khai.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch VASI, muốn phát triển công nghiệp ô tô thì phải thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Ai cũng biết điều đó. Tuy nhiên, thị trường xe hơi tại Việt Nam đã được hình thành được 30 năm, nhưng Bộ Luật về công nghiệp đến nay mới đang soạn thảo, trong đó chỉ bao gồm một chương về công nghiệp hỗ trợ. Sự trì trệ này khiến ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển, trong khi đây là cốt lõi, linh hồn của ngành công nghiệp ô tô. Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng ban hành những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ từ giữa thế kỷ 20. Bước đi cơ bản này đã giúp nền công nghiệp ô tô hai quốc gia kể trên phát triển vượt bậc, trở thành những ông lớn trên thế giới”.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và thị trường ô tô đã mở cửa hoàn toàn với khu vực ASEAN, tới 2030 là cả thế giới. Ô tô nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế 0%, giá rẻ ngày càng tràn vào nhiều. Sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang trên đà giảm, cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô ngày càng hẹp lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi động Dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ô tô

    Khởi động Dự án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ô tô

    13:40, 19/07/2023

  • Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô

    Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô

    04:00, 01/07/2021

  • Bao giờ ngành công nghiệp ô tô trở lại?

    Bao giờ ngành công nghiệp ô tô trở lại?

    07:00, 13/05/2020

  • Công nghiệp ô tô cần sự giúp đỡ của Chính phủ

    Công nghiệp ô tô cần sự giúp đỡ của Chính phủ

    07:11, 25/09/2019

TRẦN THỦY