Bắt Pokemon bằng cách… ngủ

QUÂN BẢO 05/08/2023 03:00

Pokemon Sleep, “truyền nhân” của Pokemon Go lừng danh, đang gây sốt nhanh chóng mặt trên thế giới với cách chơi cực kỳ đơn giản (và quái lạ), đó là… ngủ.

>>AI cho giấc ngủ

Pokemon Sleep là sản phẩm của Pokemon Company, công ty từng cho ra tựa game Pokemon Go gây sốt toàn cầu trước kia. Không hề thua kém đàn anh, Pokemon Sleep hiện đang phát triển rất nhanh, xếp thứ sáu trên bảng xếp hạng của Apple. Còn trên Google Play Store của Android, game ghi nhận hàng triệu lượt tải xuống chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi ra mắt.

Ngay từ tên gọi của game, người ta cũng đã mường tượng được kiểu chơi. Sau khi tải game xuống trên điện thoại hoặc các thiết bị phù hợp khác, người chơi đa phần sẽ chơi bằng cách… ngủ. Khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, họ sẽ nhận được thông tin về mô hình giấc ngủ, chẳng hạn thời gian ngủ, kiểu ngủ, hoặc khi ngủ có phát ra tiếng động nào không. Sau đó người chơi sẽ được tặng các con Pokemon, mà theo miêu tả của nhà sản xuất “là những con bị bắt vì tiếng ngủ sâu của người chơi”.

Như tất cả những ứng dụng và tựa game khác, Pokemon Sleep cũng nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có người khen game dễ thương. Có người nói game này tẻ nhạt, chẳng đưa ra được nhiều các lời khuyên hữu ích để cải thiện giấc ngủ. Thậm chí có ý kiến còn nhận định game này hoàn toàn chẳng phải là thứ giúp theo dõi và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Họ lập luận rằng lúc người dùng ngủ thì ứng dụng đó vẫn đang chạy và điện thoại không hề được tắt, và đó là điều không hề tốt cho giấc ngủ.

Bất kể những chỉ trích này, Pokemon Sleep vẫn tìm được “đường đến vinh quang” của mình. Có lẽ một trong những yếu tố giúp tựa game này thành công là ngày càng có nhiều người quan tâm đến giấc ngủ nói riêng và sức khỏe nói chung, cũng như những công nghệ có thể cải thiện sức khỏe.

Hiện nay thị trường chăm sóc sức khỏe có giá trị ước tính 1,5 nghìn tỷ USD và vẫn đang tăng dần. Một nghiên cứu cho thấy hơn 40% người Mỹ sử dụng các ứng dụng về sức khỏe. Đó có thể là app về đếm số bước đi, bước chạy bộ, app theo dõi giấc ngủ, app tập thể thao, app thiền định. Trong số những người dùng app này, hơn một nửa sử dụng hằng ngày. Mà độ tương tác cao đồng nghĩa với việc doanh thu mà các đơn vị xây dựng app kiếm về càng nhiều.

Chẳng hạn MyFitnessPal, một ứng dụng sức khỏe hàng đầu với hơn 200 triệu người dùng, đã kiếm được rất nhiều doanh thu từ các gói chương trình thuê bao. Hoặc Calm hiện cũng đang có hơn 4 triệu người dùng trả mức phí 70 USD/năm để nhận về các bài tập thiền định.

Thậm chí đến cả Nike, một thương hiệu thường được biết đến với các sản phẩm giày dép, quần áo thể thao, cũng công bố rằng hơn một nửa doanh thu kỹ thuật số của họ đến từ các app phục vụ mục đích tập thể dục như Nike Training Club hoặc Nike Run Club.

Hoặc như Pokemon Go cũng có một vài điều gì đó liên quan đến sức khỏe, vì những con Pokemon mà người dùng săn được là từ những bước đi. Kể từ khi ra mắt năm 2016, Pokemon Go có hơn 1 tỷ lượt tải về. Kể từ năm 2020, doanh số mua sắm trực tiếp trong app đạt mức 1 tỷ USD mỗi năm.

NHƯ VẬY LÀ

Trên thực tế, những ứng dụng sức khỏe kiểu này chưa chắc đã phục vụ mục đích vì sức khỏe. Thay vào đó, chúng đang tận dụng “hào quang sức khỏe”. Nói một cách đơn giản, muốn dùng các app này, người dùng phải bật điện thoại. Nhưng thời gian sử dụng điện thoại thường không phải là thứ lành mạnh.

Tuy nhiên khi dùng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe, người dùng sẽ cảm thấy ít tội lỗi hơn khi bỏ ra nhiều thời gian (và tiền bạc) cho những thứ được xem là tốt cho thể chất và tinh thần. Và đó là điều mà nhà sản xuất Pokemon Go và Pokemon Sleep nắm bắt và áp dụng thành công.

Có thể bạn quan tâm

  • Pokémon Go tròn 5 tuổi: Từ “trò đùa” trở thành “tượng đài”

    Pokémon Go tròn 5 tuổi: Từ “trò đùa” trở thành “tượng đài”

    05:08, 07/07/2021

  • Stress và rối loạn giấc ngủ

    Stress và rối loạn giấc ngủ

    00:23, 26/04/2022

  • 10 biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ hậu COVID

    10 biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ hậu COVID

    01:23, 28/03/2022

QUÂN BẢO