Qualcomm ra mắt dòng chip cho các thiết bị chơi game cầm tay thế hệ mới
Chơi game trên thiết bị cầm tay chuyên dụng là cách tốt nhất để trải nghiệm game di động, đây là lý do mà Qualcomm đã ra mắt dòng chip mạnh mẽ thiết kế cho các thiết bị này.
>>2 mối đe dọa lớn với ngành chip trăm tỷ đô của Mỹ
Chip (vi mạch bán dẫn) được coi là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại, thậm chí vượt ra ngoài những sáng tạo của ngành công nghệ, từ thiết bị quân sự và ô tô đến đồ dùng nhà bếp hay đồ chơi.
Đây là lý do mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặc biệt chú trọng tới việc thúc đẩy sản xuất chip nội địa trong chương trình phát triển kinh tế của mình. Điều này không đơn giản chỉ vì các lợi ích kinh tế, mà Washington muốn tự chủ về chip để tránh gặp bất lợi khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đồng thời tránh phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài.
Mới đây, công ty Qualcomm Technologies, Inc. của Mỹ đã chính thức ra mắt dòng chip Snapdragon® G Series, được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu riêng biệt về hiệu năng và tính năng của những thiết bị chơi game chuyên dụng. Dòng vi xử lý mới này mang đến cho người dùng thêm nhiều sự lựa chọn trong việc trải nghiệm những tựa game phổ biến nhất cũng như cho phép người dùng tận hưởng mọi trò chơi, ở bất kỳ đâu.
Trong đó, Snapdragon G1 được thiết kế dành cho các thiết bị chơi game cầm tay sử dụng công nghệ không tản nhiệt nhằm mục đích phát trực tuyến thông qua thiết bị hoặc thông qua đám mây. Snapdragon G1 tập trung vào khả năng kết nối không độ trễ và tối ưu thời lượng pin, cho phép game thủ phát trực tuyến trò chơi ưu thích trên máy console và PC với chất lượng tuyệt nhất trong khoảng thời gian chơi dài hơn.
Cùng với đó, Snapdragon G2 với bộ xử lý tối ưu mạnh mẽ đi cùng công nghệ 5G và hệ thống kết nối di động Qualcomm® FastConnect™ 6700 cung cấp kết nối chuẩn Wi-Fi 6/6E sẽ khai phá trọn vẹn những tính năng chơi game trên thiết bị di động và trên đám mây.
Đáng chú ý, Snapdragon G3 thuộc phân khúc cao cấp nhất, được phát triển dành riêng cho hiệu suất và tính năng chuyên nghiệp và tận dụng được tối đa những công nghệ trò chơi đột phá nhất của Qualcomm. Dựa trên những phản hồi tích cực của Razer Edge 5G được trang bị Snapdragon G3x Gen 1, những thiết bị mới được trang bị Snapdragon G3 sẽ mang đến trải nghiệm chơi game tốt nhất trong phân khúc và khả dụng trên nhiều hệ sinh thái trò chơi.
Phía công ty cho biết, nhằm cung cấp cho thị trường đa dạng lựa chọn cho các thiết bị chơi game chuyên dụng cao cấp, đồng thời đẩy nhanh quy trình thiết kế của khách hàng cho thế hệ thiết bị chơi game cầm tay tiếp theo, bản thiết kế tham khảo chơi game cầm tay Snapdragon G3x Gen 2 hiện đã hoàn thiện và đang được một số OEM và ODM thử nghiệm. Qualcomm sẽ tiếp tục cập nhật các thông báo sản phẩm dành riêng cho khách hàng.
Ông Mithun Chandrasekhar, Giám đốc cấp cao về quản lý sản phẩm của Qualcomm Technologies, Inc. cho biết, chơi game trên thiết bị cầm tay chuyên dụng là cách tốt nhất để trải nghiệm game di động. Tuy nhiên, các game thủ lại muốn có thể trải nghiệm tất cả các trò chơi yêu thích của mình trên mọi thiết bị và hệ sinh thái chứ không chỉ riêng thiết bị cầm tay, ví dụ như bảng điều khiển, PC hoặc trên dịch vụ đám mây.
“Các thiết bị được trang bị Snapdragon G Series sẽ là công cụ tốt nhất để các game thủ có thể chơi các tựa game yêu thích, mang đến cho họ những sự lựa chọn linh hoạt, từ chơi game trên đám mây, bảng điều khiển, Android cho đến PC”, vị lãnh đạo cho chia sẻ.
Giám đốc điều hành Qualcomm - Cristiano Amon cũng bày tỏ, để bớt phụ thuộc hơn vào thị trường điện thoại thông minh, công ty có trụ sở tại San Diego đã tăng doanh số bán chip cho cả ô tô, mạng, máy tính và thiết bị đeo, tuy nhiên, hơn một nửa doanh thu vẫn đến từ ngành công nghiệp điện thoại di động.
Sản phẩm chính của công ty là bộ vi xử lý chạy trên nhiều điện thoại nổi tiếng nhất thế giới. Nó cũng bán chip modem kết nối iPhone của Apple với mạng dữ liệu tốc độ cao. Một phần lợi nhuận bổ sung của Qualcomm đến từ việc cấp phép cho công nghệ cơ bản làm nền tảng cho tất cả các mạng di động hiện đại - khoản phí mà các nhà sản xuất điện thoại phải trả cho dù họ có sử dụng chip mang nhãn hiệu Qualcomm hay không.
>>Thế giới dư thừa chip, nhiều tập đoàn công nghệ lao đao
Từ cuối những năm 1950s, các công ty Mỹ dẫn đầu về sản xuất chip trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Nhưng trong những năm qua, Mỹ đã chứng kiến thị phần chip của mình trên toàn cầu giảm mạnh từ 37% trong năm 1990 xuống chỉ còn 12% vào năm 2020 do các quốc gia ở châu Á đẩy mạnh sản xuất.
Việt Nam và Thái Lan là cả hai nước đều có thị trường sản xuất chip lớn đã tăng giao dịch thương mại với Mỹ trong lĩnh vực này, lần lượt có mức tăng trưởng đạt 75% và 62%. Trong đó, Việt Nam cung cấp 11,6% lượng chip nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 2. Việt Nam cung cấp hơn 10% số chip nhập khẩu sang Mỹ trong 7 tháng liên tiếp. Còn Malaysia, vốn có truyền thống về sản xuất chip, vẫn là nước châu Á xuất khẩu chip vào Mỹ nhiều nhất, nhưng thị phần của nước này đã giảm xuống 20% trong tháng 2.
Hiện Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam và đang có xu hướng tăng. Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất chip.
PGS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sẵn sàng cho nhiều hình thức hợp tác trong thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn như trao đổi sinh viên và nhà khoa học, phối hợp đào tạo nghiên cứu sinh, thực hiện các dự án nghiên cứu; Đồng triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trọng lĩnh vực thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái công nghiệp này. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết: “Việt Nam sẽ tham gia từng bước, bước đầu tiên có thể sẽ cung cấp các dịch vụ như dịch vụ đóng gói, kiểm thử, cung cấp các dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Sau đó, có thể sẽ cân nhắc có hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, hoặc sẽ đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử. Ví dụ làm sâu mảng nghiệp vụ đóng gói như chip 3D là một hướng mới và Việt Nam có cơ hội để tìm hiểu”.
Có thể bạn quan tâm
Bkav hợp tác Excelpoint Systems cung cấp nền tảng AIoT trên hệ sinh thái Qualcomm
17:00, 20/10/2022
Viettel và Qualcomm hợp tác phát triển hạ tầng viễn thông di động 5G
13:17, 12/05/2022
Qualcomm thúc đẩy phát triển Robot tự động thông minh hơn
01:45, 12/05/2022
SonKim Land hợp tác chiến lược với Qualcomm và Infinite
08:00, 12/04/2021