Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong thời đại công nghệ số, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số.
>>> Thái Nguyên: Đổi mới để thu hút nhiều hơn
Đó là chia sẻ của ông Trần Cao Hoài, Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo ông Hoài, chuyển đổi số sẽ từng bước nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng khai thác, đáp ứng tối đa yêu cầu sử dụng các dịch vụ của khách hàng, góp phần tham gia phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Đồng hành cùng tỉnh về chuyển đổi số
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2022, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, tập trung phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Theo đó, Bưu điện tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân về nâng cao nhận thức và kỹ năng giới thiệu sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.
Trong giai đoạn 2021 – 2022, số hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng, số hộ SXNN được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận đạt 103.031 hộ; số hộ SXNN được mở tài khoản người mua lên sàn thương mại điện tử đạt 109.589 hộ; số hộ SXNN được mở gian hàng lên sàn thương mại điện tử đạt 15.156 hộ; có 13 doanh nghiệp, 52 hợp tác xã, 15.091 hộ kinh doanh cá thể/cá nhân đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; 691 sản phẩm, trong đó có 128 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử và 1.568 giao dịch qua sàn thương mại điện tử …
Thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021 - 2025, Bưu điện tỉnh đã quyết liệt triển khai chủ trương chuyển đổi số trong thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội, các chế độ lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Cụ thể, Bưu điện đã phối hợp với UBND các cấp, các ngân hàng trên địa bàn mở tài khoản an sinh cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, đối tượng hưởng chế độ người có công với cách mạng và đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đạt 18.752 tài khoản và hàng tháng đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt thành công qua tài khoản trung bình 14.188 đối tượng; đã mở tài khoản, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt 23.266 đối tượng.
Bàn giao dữ liệu mã địa chỉ số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Bên cạnh việc đồng hành cùng tỉnh về chuyển đối số, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã cùng với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu và chủ trì triển khai và là một trong số các tỉnh bàn giao dữ liệu mã địa chỉ số sớm nhất toàn quốc.
Ngày 27/04/2023, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông bàn giao dữ liệu mã địa chỉ số cho UBND các huyện, thành phố với tổng số 330.727 địa chỉ gồm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà dân.
Nhằm hình thành Cơ sở dữ liệu mã địa chỉ số quốc gia, góp phần phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với các địa phương xây dựng Nền tảng địa chỉ số quốc gia.
Sau khi tiếp nhận dữ liệu mã địa chỉ số, UBND các huyện, thành phố sẽ tổ chức thông báo địa chỉ số đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn quản lý, nhằm hoàn thành chỉ tiêu về địa chỉ số trong Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó cũng hoàn thành chỉ tiêu thuộc tiêu chí thông tin và truyền thông của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025...
Ông Trần Cao Hoài, Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cho biết, song song với nhiệm vụ đồng hành cùng Chính quyền tỉnh về chuyển đổi số, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã thực hiện tốt vai trò của doanh nghiệp bưu chính công ích tại địa phương, góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội, được người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao. Qua đó đóng góp một phần giúp Thái Nguyên cụ thể hóa mục tiêu đẩy mạnh công tác CCHC, xây dựng chính quyền đồng hành và phục vụ.
Với những kết quả đạt được của Bưu điện tỉnh Thái Nguyên thời gian vừa qua, chúng tôi tin tưởng rằng công tác chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên tiếp tục ghi dấu ấn quan trọng. Trong thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện việc đổi mới tổ chức sản xuất cũng như cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý sản xuất nhằm mang chất lượng dịch vụ tốt nhất đến người dân, đặc biệt là dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện tốt vai trò của ngành Bưu điện trong công cuộc chuyển đổi số cũng như cải cách hành chính của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Thái Nguyên và hành trình “xanh hóa” các khu công nghiệp
21:14, 31/10/2023
Tỉnh Thái Nguyên: Tặng 166 máy tính cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã
16:23, 27/10/2023
Thái Nguyên: Công nghiệp là trụ cột tăng trưởng kinh tế
08:10, 22/10/2023
Thái Nguyên: “Đánh thức” tiềm năng dịch vụ Logistics
11:00, 15/10/2023
Thái Nguyên: Chú trọng tốt công tác đào tạo, kết nối cung - cầu lao động
10:43, 15/10/2023
Ngành Công thương (Thái Nguyên): Nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp
10:37, 15/10/2023