Chuyển đổi số, nhiệm vụ chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển địa phương
Từ đầu tư đồng bộ hạ tầng số, xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ đây chính là nhiệm vụ, chiến lược phát triển chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa.
>>Thanh Hóa: Quyết tâm nâng cao chỉ số PCI
Tiên phong trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số hiện nay là xu hướng tất yếu, khách quan, là vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, địa phương và các đơn vị. Không nằm ngoài xu thế đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài; cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân; đồng thời, phải tận dụng tối đa cơ hội, điều kiện thuận lợi để đi nhanh, đi trước, không để bị tụt hậu”.
Triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hóa nền hành chính. Tỉnh Thanh Hóa xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ, hiện cung cấp 11 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 10 dịch vụ kết nối bên ngoài; thực hiện trao đổi, xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể 3 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa khối Đảng, đoàn thể, chính quyền và doanh nghiệp.
Tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính phủ số đã có bước đột phá quan trọng. Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ CĐS DTI năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố cuối tháng 7/2023, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về CĐS. Cụ thể, Thanh Hóa xếp thứ 16 về mức độ xây dựng chính quyền số, xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 cả nước về các hoạt động xã hội số.
Có được kết quả này, Thanh Hóa đã không ngại “đi nhanh”, “đi trước” với nhiều mô hình CĐS nổi bật, như: TP Thanh Hóa triển khai mô hình: “Ngày không bút”; mô hình chợ 4.0 tại chợ Điện Biên, chợ Quảng Thắng (TP Thanh Hóa); mô hình “Thôn thông minh” tại xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) và xã Định Long (Yên Định); mô hình “3 không” triển khai thí điểm tại 5 xã, phường trong tỉnh; mô hình “Camera với an ninh trật tự” tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy); mô hình “Khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh...
Đồng bộ hạ tầng số
Nhiều năm qua hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị ở Thanh Hóa tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số; 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị công nghệ thông tin; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối internet bảo đảm thông suốt, an toàn.
>>Thanh Hóa: Tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong chuyển đổi số
>>Thanh Hóa: Khai trương cổng dữ liệu mở và ra mắt app Thanh Hóa - S
Ông Lê Xuân Lâm, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, cho biết: Thời gian qua, trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành và tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ CĐS. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp các thủ tục hồ sơ để sớm tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về CĐS của tỉnh. Bên cạnh đó, sở cũng đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh và các địa phương hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hạ tầng số để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Được biết, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 1.723.214 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98,5%; hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%.
Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh hiện cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến một phần và 727 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 955 dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,02%...
Thanh Hóa tiếp tục chủ động và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, kết nối doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số tham gia phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong vận hành, ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Để từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp UBND tỉnh nhiều văn bản pháp quy quan trọng, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, CĐS, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tạo ra các mô hình, sản phẩm dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet... Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chính là khung pháp lý quan trọng, là “kim chỉ nam” cho hoạt động CĐS của tỉnh Thanh Hóa.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng của ngành Công nghệ và Viễn thông
03:30, 25/11/2023
Thanh Hoá thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên nền tảng số
19:05, 20/11/2023
Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để phát triển bền vững
08:32, 15/11/2023
Thanh Hóa: Gỡ khó cho dự án nghìn tỷ đồng
01:00, 16/11/2023
Thanh Hóa công bố ‘đề bài’ dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn 1.500 MW
19:05, 14/11/2023
Thanh Hóa: Quyết tâm nâng cao chỉ số PCI
14:22, 13/11/2023
Thanh Hóa: Tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn
17:13, 09/11/2023