Hải Dương: Hỗ trợ công nghệ số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hải Dương sẽ hỗ trợ rất nhiều lĩnh vực giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng và triển khai gói chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu.
>>>Hải Dương: Cú hích để công nghiệp công nghệ cao phát triển
Lợi thế của công nghệ số
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương: Trong một vài năm trở lại đây, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), chuyển đổi số (digital transformation) là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất. Để thành công trong cuộc CMCN 4.0 và để tránh bị tụt hậu, các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Chuyển đổi số doanh nghiệp là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số vào các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tận dụng lợi thế của công nghệ để tác động thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành doanh nghiệp nhằm mang giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp, thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới. Ngoài những doanh nghiệp đã "trưởng thành số", ở Hải Dương còn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang băn khoăn lựa chọn hướng đi trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Lương Hữu Việt, Giám đốc chi nhánh cho biết: Từ nhiều năm nay, CPN chi nhánh Hải Dương ở đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) thuộc Công ty CP Vận tải và Thương mại CPN Việt Nam đã ứng dụng phần mềm 3S ERP để quản trị doanh nghiệp với nhiều chức năng quản lý bán hàng, quản lý kho, tài chính-kế toán và quản trị website.
Theo ông Việt, mỗi ngày CPN chi nhánh Hải Dương nhập 30-40 đơn hàng, còn cả công ty lên đến vài trăm đơn nhưng hệ thống không bị quá tải. Phần mềm quản lý sản phẩm bằng mã seri nên thông tin về sản phẩm khá chi tiết, thuận tiện cho việc theo dõi, bảo hành. "Hiệu quả cao nhưng chi phí đầu tư xây dựng phần mềm này khá đắt. Ngoài bỏ ra vài trăm triệu đồng thuê đơn vị viết phần mềm công ty còn phải đầu tư máy chủ cấu hình mạnh, dung lượng lớn mới bảo đảm hệ thống vận hành trơn tru", ông Việt nói.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh: Hiện, một số doanh nghiệp khác ở Hải Dương cũng khá nhạy bén trong việc tiếp cận các nền tảng công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số từ khá sớm. Tuy nhiên con số này còn rất khiêm tốn.
Theo thống kê mới nhất của Sở Công Thương, trong tổng số trên 19.000 doanh nghiệp tại Hải Dương, mới chỉ có 266 doanh nghiệp công nghệ số, 187 doanh nghiệp nền tảng số. Có 8.330 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tiếp cận chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, nhưng để tổ chức và triển khai bài bản vào thực tế thì không nhiều doanh nghiệp có thể làm được.
Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều băn khoăn về bài toán chi phí, lộ trình, nhân lực và niềm tin khi thực hiện chuyển đổi số. Công ty TNHH Giáo dục và Phát triển tài năng ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) hiện có 20 nhân viên, kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống và sinh trắc vân tay... Công ty này mới chỉ áp dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số, nộp thuế điện tử, chưa có website và phần mềm quản lý doanh nghiệp. Bà Mạc Thị Minh, Giám đốc công ty cho biết doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, nếu phải "cõng" thêm một khoản chi phí thuê hoặc mua phần mềm thì rất khó khăn. "Chúng tôi làm sinh trắc vân tay nên vấn đề bảo mật phải được quan tâm hàng đầu. Nếu đưa dữ liệu này lên phần mềm tôi không yên tâm, sợ thông tin quan trọng của khách hàng bị lộ lọt", bà Minh nói thêm.
Còn theo bà Vũ Thị Hiền, đại diện Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng Thiên Lộc Phát ở phố Vũ Văn Uyên (TP Hải Dương) cho rằng, về thời gian chuyển đổi số, tác động của chuyển đổi số đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một khó khăn nữa cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp là thiếu nhân lực công nghệ thông tin.
Hỗ trợ để gỡ bỏ rào cản...
Theo một số chuyên gia về công nghệ thông tin: Trước khi bắt đầu các dự án chuyển đổi số, thay vì quá tập trung vào năng lực công nghệ, doanh nghiệp cần giúp tất cả nhân sự nhìn ra những bất cập trong phương thức quản lý hiện tại, hướng tới các thành tựu mới có thể đạt được sau khi ứng dụng công nghệ số. Gỡ bỏ được rào cản tâm lý này sẽ giúp nhân viên sẵn sàng tiếp thu kiến thức và thói quen mới để hiện thực dự án chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Trưởng Phòng Tư vấn chuyển đổi số Base.vn - Tập đoàn FPT cho biết, để chuyển đổi số doanh nghiệp cần thực hiện các bước cơ bản gồm: số hóa, biến các dữ liệu phi cấu trúc thành có cấu trúc; tối ưu các nghiệp vụ đã số hóa và ra quyết định thay đổi mô hình, chiến lược dựa trên dữ liệu đã tối ưu. Để tạo niềm tin về tính hiệu quả và bảo mật, doanh nghiệp cần lựa chọn các dự án chuyển đổi số của các đơn vị cung cấp có uy tín, đã được kiểm chứng.
Theo ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Phòng Khách hàng tổ chức-doanh nghiệp - VNPT Hải Dương, khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể phải cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp, bố trí nhân sự dư thừa từ vị trí gián tiếp sang vị trí bán hàng... từ đó tạo thêm doanh thu, lợi nhuận. Thuê dịch vụ công nghệ thông tin trả tiền theo tháng, theo năm cũng là giải pháp mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất.
Bà Mạc Thị Minh - Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Phát triển tài năng cho biết, đơn vị cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp nên cho doanh nghiệp dùng thử những dịch vụ cần thiết, nếu thấy hiệu quả doanh nghiệp sẽ thuê phần mềm, thuê thêm dịch vụ. Đồng thời hỗ trợ giảm giá cho doanh nghiệp những năm đầu sử dụng phần mềm.
Theo ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh này, để thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đơn vị sẽ phối hợp tham mưu ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.
Trong đó có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng website, đăng ký tên miền ".vn". Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy về tầm quan trọng của chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt thúc đẩy chính quyền số để người dân, doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
Có thể bạn quan tâm