Vốn đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Theo tapchitaichinh 23/11/2021 05:20

Lựa chọn tạo lập một hệ sinh thái đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp, phổ cập các tiêu chuẩn và kết nối giải pháp đầu tư tại địa phương tới quốc gia...

>>NextUP Accelerator tạo cơ hội gọi vốn cho startup Việt

Bài viết tập trung phân tích nguồn lực vốn tài chính để làm nổi bật được vai trò của đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững; những thách thức trọng yếu trong đầu tư khởi nghiệp địa phương cũng như hành trình giải pháp, bệ đỡ kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thực trạng vốn đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được xây dựng từ 6 trụ cột chính: 1) chính quyền – người kết nối và phê duyệt chính sách, 2) doanh nhân khởi nghiệp – người tạo ra giá trị, 3) nhà đầu tư – người thúc đẩy những giá trị, lựa chọn và thẩm định giá trị hữu ích, 4) nhà thương mại – người lan tỏa giá trị, 5) nhà khoa học – người thẩm định công nghệ và kiến tạo đổi mới sáng tạo qua công nghệ, 6) doanh nhân đi trước (mentor) – người dìu dắt doanh nhân khởi nghiệp có kinh nghiệm sâu về giá trị bền vững, quản trị, giá trị nhân văn tốt đẹp cho cộng đồng, vì cộng đồng.

6 trụ cột chính kết dính và đồng bộ với nhau bởi 5 nguồn lực lõi: 1) ý tưởng, 2) công nghệ, 3) kiến thức (khởi nghiệp, vận hành và quản trị), 4) vốn tài chính, 5) vốn xã hội (network).

Thách thức khoảng cách phát triển kinh tế đáng báo động

Có nhiều yếu tố tác động tới kết quả thịnh vượng của mỗi quốc gia (lợi thế so sánh đầu vào, văn hóa, chính sách điều hướng, chính sách thực thi...), cũng có rất nhiều loại thước đo về sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sử dụng một thước đo đơn giản và phổ biến (GDP bình quân đầu người) để xem xét hiện trạng (không tập trung đánh giá về kết quả, thước đo và cơ chế kiến tạo sự thịnh vượng toàn cục).

Biểu đồ 1: GDP đầu người (USD) (1985-2018)

Nhìn Biểu đồ 1-GDP bình quân đầu người giai đoạn 1985-2018, Việt Nam còn cách rất xa các nước.

Nhìn Biểu đồ 1-GDP bình quân đầu người giai đoạn 1985-2018, Việt Nam còn cách rất xa các nước.

Biểu đồ 2: GDP đầu người (số lần so Việt Nam)

So về số lần chênh thu nhập đầu người (Biểu đồ 2), Việt Nam đang kém: Mỹ 24 lần, Thụy Sỹ hơn 30 lần, Singapore 25 lần, Hàn Quốc hơn 12 lần, Thái Lan gần 3 lần, Indonesia 1,5 lần và kém bình quân thế giới gần 4,5 lần.

Chúng ta đang có lợi thế tăng trưởng nhanh (so sánh với các nước), nhưng để đuổi kịp các nước, giả sử tốc độ tăng trưởng bằng bình quân 10 năm gần nhất, Việt Nam cần mất 60 năm để đuổi kịp Mỹ, 50 năm để đuổi kịp Thụy Sỹ, 25 năm để đuổi kịp Indonesia và 30 năm để đuổi kịp Thái Lan.

Thực trạng cấu trúc doanh nhân, vốn và đầu tư còn nhiều bất cập

Một quan sát rất thú vị để nhìn thấy một trong những cấu phần chi phối hiệu quả phát triển quốc gia là số lượng doanh nghiệp bình quân trên dân số (cũng tương ứng là tỷ trọng doanh nhân trong toàn bộ dân số), mối quan hệ đảo ngược rất đáng suy ngẫm:

Theo đó, trong 140 người dân Việt Nam, mới tìm được một doanh nhân, con số này tại khu vực Đông Nam Á là 80 và bình quân các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là 10 (tức là 10 người dân thì có một doanh nhân). Nếu chia người dân các nước vào các lớp học, mỗi lớp học 40 người, thì ở Việt Nam, 4 lớp tìm được 1 doanh nhân, còn ở Mỹ, 1 lớp tìm được 4 doanh nhân.

Ngược lại, thu nhập bình quân của Việt Nam kém các nước Mỹ, Âu, Nhật 25 lần và kém khu vực Đông Nam Á 3 lần. Đây rõ ràng là một cặp biến số rất cần được quan sát và có chính sách áp dụng phù hợp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) về cấu trúc vốn, khu vực SME chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp, tạo ra 90% việc làm cho người lao động, được sử dụng và phát triển khoảng 30% vốn đầu tư toàn xã hội, sự phân bổ ấy, con số ấy cho thấy cần suy nghĩ nhiều.

Đầu tư cho đổi mới sáng tạo còn hạn chế

Trong báo cáo (tháng 2/2020) đối với 7 tỉnh đang triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tóm lược một số thực trạng đầu tư cho đổi mới sáng tạo đáng quan tâm cho thấy: Đầu tư phát triển có xu hướng giảm dần qua các năm (từ 30% năm 2005 xuống 26% năm 2010). Đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và môi trường chỉ ở mức gần 1% trong suốt những năm qua. Theo thống kê của tác giả, ngân sách này thậm chí rất khó để giải ngân nhằm mục tiêu phát triển.

Cấu trúc chi tiêu quốc gia

Lợi thế con người chưa được chuyển hóa

Việt Nam có lợi thế lớn về nghiên cứu cơ bản, dành được rất nhiều thứ hạng cao trong các cuộc thi về trí tuệ toàn cầu, nhưng việc nghiên cứu ứng dụng còn nhiều hạn chế do nhiều lý do. Trong đó có thể kể tới hạn chế về hạ tầng nghiên cứu ứng dụng, đội ngũ cố vấn nghiên cứu thực tế, văn hóa chuyển đổi từ tư duy nghiên cứu sang giải quyết vấn đề. Qua gặp gỡ và làm việc với nhiều chuyên gia trong các ngành, tại các trường đại học và Viện Hàn lâm Khoa học cho thấy, những khúc mắc lớn nhất là không thể làm việc nhóm, không thể có giải pháp định hướng thị trường có thể thương mại hóa, không thể kết nối hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hành trình mẫu từ khởi động tới khai thác

Mọi việc cần một tiến trình, và hệ sinh thái khởi nghiệp thì càng đúng như vậy. Đích đến của mọi hành trình hệ sinh thái là tính tự động (automation), bằng các sức mạnh của thị trường, tại đó, các yếu tố đầu vào được tự do kết hợp và có đầy đủ thông tin để lựa chọn, được ươm tạo, cố vấn, chuyển hóa thành các dự án có chất lượng, được nhận vốn đầu tư và từ đó sản sinh ra giá trị cho cộng đồng (cho người dân, cho chính quyền, cho doanh nhân khởi nghiệp, việc làm và thu nhập cho phát triển xã hội, cho nhà đầu tư).

Ở các nước phát triển, các đề tài nghiên cứu chứng minh tác động cơ hữu giữa việc mở rộng các hình thái phát triển sâu rộng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tới kinh doanh, kinh tế, xã hội được nhiều tổ chức chứng minh khoa học (điều này cần một thời gian quan sát đủ dài để việc nghiên cứu đảm bảo hiệu quả), toàn bình diện quốc tế, những biến số này chưa nhiều, nhưng đã được chứng minh quan hệ chặt chẽ với nhau: GDP đầu người có liên quan chặt chẽ và được hỗ trợ bởi các biến số: i) số lượng sáng chế, ii) vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển, iii) nhóm các hành động liên quan tới nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, iv) xuất khẩu công nghệ cao, v) số lượng bài báo/bài viết về khoa học và công nghệ.

>>Mô hình gọi vốn “lạ”

>> Gọi vốn, nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Các mô hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp phân kỳ

Phát triển của hệ sinh thái thành 3 giai đoạn: 1) phát triển doanh nhân khởi nghiệp, 2) phát triển đầu tư khởi nghiệp, 3) phát triển kết quả kinh tế đầu ra. Để có thể có kết quả cuối cùng, cần khởi động những bước đầu tiên, do doanh nhân, vì doanh nhân, bởi doanh nhân.

Một số nguyên nhân khiến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa phát triển

Hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng còn nhiều thách thức khách quan.

Chất lượng dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thấp:Xuyên suốt hành trình 3 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp có những bước tiến, trong đó chủ yếu là phát triển theo bề ngang, hình thành các chân trụ nhưng chưa đi theo chiều sâu. Sau một thời gian ngắn, những dự án có chất lượng đã thưa thớt dần, kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho doanh nhân chưa kịp bồi đắp đã thất bại bởi nóng vội và khởi nghiệp thiếu phương pháp.

Kiến thức khởi nghiệp với doanh nhân, kinh nghiệm đầu tư với nhà đầu tư mỏng: Nhà đầu tư có khả năng đầu tư cho khởi nghiệp nhưng không có đủ kiến thức để thẩm định lĩnh vực mới này. Đa phần các nhà đầu tư thế hệ 6x, 7x khởi nghiệp dựa trên những lợi thế cũ, không thể áp dụng cho mô hình startup, cũng bởi vậy, không thể hiểu được mô hình, cách thức vận hành, thẩm định và ra quyết định đầu tư.

Các hoạt động đào tạo thiếu bài bản và thiếu tính chuyên môn không đem lại một kết quả phù hợp cho việc tăng cường nhận thức và kinh nghiệm đầu tư cho nhà đầu tư.

Hạ tầng công cụ tài chính, thị trường cho đầu tư khởi nghiệp thiếu: Chỉ từ sau khi có Nghị định 38/NĐ-CP năm 2018 về đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo mới bắt đầu có những bước chuyển dịch (mặc dù chưa nhiều), thị trường vẫn thiếu rất nhiều công cụ vốn và công cụ đầu tư phù hợp cho việc đầu tư khởi nghiệp, thiếu sự quán xuyến và trợ giúp sâu từ khu vực hạ tầng thị trường tài chính để trợ giúp cho hệ sinh thái đầu tư đổi mới sáng tạo.

Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp rời rạc:Số lượng vườn ươm thiếu và chất lượng thì không cao, các mô hình đào tạo và chất lượng mentor, người cố vấn không trợ giúp được nhiều cho toàn hệ sinh thái. Mặt khác, sự liên kết lỏng lẻo giữa các cấu phần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chưa tạo ra được sự gắn kết cần thiết, tín hiệu đồng bộ để các hoạt động ăn khớp, đúng người, đúng dự án, đúng thời điểm.

Truyền thông chưa trúng:Các hoạt động truyền thông xoay quanh bề nổi và chưa tác động sâu tới các hoạt động chuyên môn của hệ sinh thái, chưa thực hiện được vai trò kết dính, truyền cảm hứng và thúc đẩy xã hội nhận thức đúng đắn về vai trò của doanh nhân khởi nghiệp cũng như những nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng và chính quyền.

Bên cạnh đó, một phần của sự chậm phát triển của hệ sinh thái theo chiều sâu, đến từ những yếu tố chủ quan.

Chính quyền các địa phương chưa dành đủ ưu tiên, nhận diện đủ vai trò của hệ sinh thái khởi nghiệp - thực chất là một hệ sinh thái kinh tế bền vững của các địa phương. Việc thiếu chú trọng và phân bổ nguồn lực, thiếu đi các mảng nhân sự đủ hiểu biết và kinh nghiệm để hỗ trợ khởi động, vận hành và thúc đẩy hệ sinh thái làm cho hoạt động của hệ sinh thái kinh tế này còn manh mún, thiếu động lực, thiếu kết nối và thiếu tính chuyên nghiệp, cả phạm vi riêng của địa phương lẫn phạm vi kết nối toàn quốc.

Hạ tầng khởi nghiệp ở mỗi địa phương phụ thuộc nhiều vào chất lượng đầu vào của các doanh nhân khởi nghiệp, bao gồm cả đào tạo, tầm nhìn, văn hóa, kiến thức cho việc sáng tạo ý tưởng và chất lượng hạ tầng ươm tạo.

Khuyến nghị và gợi ý chính sách

Trên hành trình xây dựng giải pháp vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, tác giả rút ra những bài học kinh nghiệm và có những khuyến nghị, gợi ý chính sách để phát triển:

Con người: Trong hành trình xây dựng giải pháp vốn tư nhân, không thể thiếu sự chủ động, sát sao và tạo điều kiện liên kết từ chính quyền. Các thành tố chính của hành trình gồm: hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại địa phương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, cộng đồng startup và vườn ươm. Cần đảm bảo được yếu tố về cảm hứng, sự cam kết, sự quyết liệt và kết dính.

Sự hiểu rõ: Hiểu rõ về hạ tầng Quỹ đầu tư và phương hướng vận hành Quỹ, vai trò của các bên trong hoạt động đầu tư của Quỹ theo Nghị định 38/NĐ-CP.

Cá nhân hóa: Giải pháp quỹ phải được xây dựng riêng cho từng địa phương, dựa trên lợi thế cạnh tranh bền vững và định hướng cấu trúc ngành - kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Trở ngại địa lý của các nguồn lực tư vấn.

Các trở ngại gây ra bởi công tác ươm tạo và chất lượng dự án đầu vào cho quỹ đầu tư.

Nhịp độ tạo lập quỹ và thời gian phù hợp cho việc ra đời quỹ.

Sự tri ân của chính quyền và hệ sinh thái với nhà đầu tư.

Các bước thành lập quỹ đầu tư tư nhân và hành trình triển khai:

- Làm việc cùng UBND tỉnh, các sở ngành, hiệp hội, vườn ươm, trường đại học, nhằm thống nhất chủ trương và phương án phối hợp thành lập quỹ đầu tư, xem xét các chủ trương đường hướng chính, các nguyên tắc tạo lập quỹ tương đồng với các điều kiện của địa phương và phối hợp các sự kiện của hệ sinh thái để việc ra đời quỹ được chào đón và đúng thời điểm nhất có thể.

- Thực hiện công tác mời gọi, kết nối và truyền cảm hứng tới các nhà đầu tư tiềm năng, thành lập các thành tố lâm thời đại diện cho việc kết nối tại địa phương.

- Thực hiện công tác đào tạo chuyên sâu cho nhà đầu tư.

- Dự thảo phương hướng hành động chiến lược và các cơ chế vận hành khi ra đời quỹ, tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập các cấu phần mấu chốt cho việc ra đời và vận hành quỹ địa phương.

- Tổ chức cuộc họp nhà đầu tư sáng lập và thông qua các tài liệu đăng ký thành lập quỹ và thủ tục ra đời quỹ.

- Đăng ký thành lập và song song tiến hành thủ tục kêu gọi các dự án đăng ký được phỏng vấn, thẩm định, rà soát và nhận vốn đầu tư từ quỹ địa phương.

Vốn là bệ đỡ kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Việc ra đời thành công Quỹ đầu tư tư nhân theo Nghị định 38/NĐ-CP tại địa phương là đích đến quan trọng bậc nhất của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp; là bệ đỡ quan trọng nhất minh chứng cho sự trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương.

Sự ra đời của Quỹ đầu tư tư nhân cho khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương đóng vai trò nền móng, bản lề, kéo theo cơ hội cho việc ra đời những quỹ tiếp sau, chuyên môn hóa cao hơn, chuyên nghiệp hơn và hỗ trợ được nhiều hơn cho toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Việc ra đời quỹ đã thực sự mang một sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng, kết nối tới nhà đầu tư. Hầu như tất cả các cấu phần, đặc biệt là các doanh nhân trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tạo lòng tin và cảm hứng tin tưởng vào sự hỗ trợ từ địa phương từ khi có một điểm đến, minh bạch và hiệu quả để thúc đẩy hành trình khởi nghiệp cho họ.

Việc ra đời quỹ giải quyết hầu hết các nút thắt về quy trình vận động và kết dính của cả hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, việc ra đời các chuẩn mực về vận hành từ quỹ, đã tạo một cú hích lớn tới hệ sinh thái về tính chuyên nghiệp, từ việc nhà đầu tư tiến hành thẩm định dự án, đầu tư cho dự án, tới việc các dự án xây dựng và phát triển có định hướng và bài bản ngay từ những bước đầu để đáp ứng yêu cầu từ quỹ đầu tư, đã thực sự đẩy cao tính chuyên nghiệp cho hệ sinh thái.

Quỹ là một bước đệm chuyên nghiệp kéo dự án về sự minh bạch và chất lượng, kéo nhà đầu tư về sự chuyên nghiệp và hiểu biết chuyên sâu.

Thực tế, việc ra đời quỹ ban đầu đã thu hút các nhà đầu tư từ các nơi khác quan tâm tới đầu tư cho địa phương, thu hút các dự án khởi nghiệp có chất lượng từ những địa phương khác dịch chuyển về phía địa phương có quỹ, nâng cao cơ hội thu hút nguồn lực và cơ hội tổng thể cho phát triển kinh tế - xã hội – công nghệ tại địa phương

Hành động là chìa khóa duy nhất:Để mang tới một tương lai phát triển đồng bộ, được thiết kế phù hợp cho địa phương, cân bằng nguồn lực ngắn hạn và dài hạn cần những hành động mạnh mẽ, cam kết và kịp thời.

Lựa chọn tạo lập một hệ sinh thái đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp, phổ cập các tiêu chuẩn và kết nối giải pháp đầu tư tại địa phương tới quốc gia, từ quốc gia tới quốc tế, nhắm tới một thế hệ doanh nhân tốt đẹp hơn và mang lại giá trị nhiều hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục tăng mạnh

    Dòng vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục tăng mạnh

    14:23, 14/11/2021

  • Anh xe ôm khởi nghiệp, công ty kiếm 10 tỷ/năm: “Tiếc cho các bạn định gắn bó với nghề shipper”

    Anh xe ôm khởi nghiệp, công ty kiếm 10 tỷ/năm: “Tiếc cho các bạn định gắn bó với nghề shipper”

    05:53, 13/11/2021

  • Startup Y42 gốc Việt gọi vốn thành công 31 triệu USD

    Startup Y42 gốc Việt gọi vốn thành công 31 triệu USD

    14:39, 01/11/2021

  • Startup Sipher gọi vốn thành công với 6,8 triệu USD

    Startup Sipher gọi vốn thành công với 6,8 triệu USD

    10:23, 27/10/2021

Theo tapchitaichinh