Doanh nghiệp, tập đoàn cần chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ có tầm quan trọng đặc biệt trong thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đó là nhận định của bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành nền tảng đổi mới sáng tạo mở BambuUp, Trưởng Làng công nghệ Techfest.
>>Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh liêm chính tại Việt Nam
Bà Nguyễn Hương Quỳnh cho hay, các nước phát triển mỗi năm dành hơn 3% GDP cho việc đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ. Con số này tại các nước đang phát triển là dưới 1% GDP, thậm chí, tại Việt Nam, con số này chỉ đạt 0,5% GDP. Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là các nước đang đi rất nhanh trong việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, xây dựng nguồn lực các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
“Dự kiến thời gian tới, hai nguồn đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp đi nhanh bao gồm sự hợp tác với các đối tác ở bên ngoài và hợp tác với công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ. Trong đó, hợp tác với các đối tác ở bên ngoài là để đồng sáng tạo và phát triển hơn (khiến tốc độ đổi mới sáng tạo tăng ít nhất 3 lần và giảm 20-30% mức đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo). Đây chính là đổi mới sáng tạo mở”, bà Quỳnh nói.
Trưởng Làng công nghệ Techfest trích dẫn quá trình đầu tư cho đổi mới sáng tạo của các nước trong khu vực, từ đó, chỉ ra yếu tố cần thiết để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
>>Xây dựng Nghị định về Fintech: Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
>>Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và công nghệ giáo dục trong bối cảnh bình thường mới
Theo đó, ngay từ năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã đầu tư xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đến năm 2016 đã ra một loạt chính sách thuế ưu đãi cho công ty khởi nghiệp. Singapore là điển hình của đổi mới sáng tạo mở. Họ đi rất nhanh, tài nguyên tập trung phát triển nhiều nhất chính là chất xám.
Singapore đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được coi là toàn diện nhất trên thế giới, dựa trên 5 trụ cột lớn: Các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ; quỹ đầu tư; doanh nghiệp và tập đoàn lớn cùng tham gia hệ sinh thái; viện nghiên cứu, trường đào tạo cấp cao; các cơ quan công quyền.
Những mảnh kết nối đó đã tạo thành một vòng tuần hoàn tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ Singapore hình thành, lớn lên và đi ra thị trường dưới sự hỗ trợ từ A đến Z của “Cộng đồng chung tay vì doanh nhân”. Cộng đồng này có sự tham gia của đại diện cơ quan công quyền, doanh nghiệp, tập đoàn cùng chung tay cho doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty công nghệ phát triển.
“Đây là điều rất cần ở Việt Nam. Chúng ta rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, tập đoàn để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Hiện còn rất thiếu sự hỗ trợ của các tập đoàn tại Việt Nam tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp, cùng đồng sáng tạo với công ty khởi nghiệp”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
Theo bà Quỳnh, đổi mới sáng tạo mở có nhiều bước đi. Đầu tiên là bước khám phá, tham gia vườn ươm, hợp tác chiến lược đồng sáng tạo cùng các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ. Và mức cao nhất cho các bước đi này là đầu tư, mua bán và sáp nhập. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ để giới thiệu bức tranh khởi nghiệp, công nghệ Việt Nam ra với thế giới.
“Việt Nam phải xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ, định hướng cho các công ty khởi nghiệp trên lĩnh vực blockchain, game - lĩnh vực đang có rất nhiều cơ hội vươn tầm ra thế giới”, bà Quỳnh khuyến nghị.
https://vietq.vn/doanh-nghie-cac-tap-doan-can-chung-tay-xay-dung-he-sinh-thai-khoi-nghiep-d199555.html
Có thể bạn quan tâm