Techfest Sơn La: Chuyển đổi số Ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2021-2025
Chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tập trung vào chuyển đổi số trong quản lý và chuyển đổi số trong việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá.
>>TECHFEST Sơn La: Phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của khu vực miền núi phía Bắc
Chuyển đổi số trong quản lý là số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành.
Chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…; chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.
Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh. Sự chỉ đạo, lãnh đạo sát xao về công tác chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Trong Đề án chuyển đổi số của Tỉnh ủy đã nêu rõ ‘Ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số lĩnh vực, trong đó có Giáo dục và Đào tạo: Số hóa trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục, quản trị của các cơ sở giáo dục, tổ chức hoạt động dạy và học, xây dựng hệ thống giáo dục mở cho mọi người…’
Hiện Sở đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-SGDĐT ngày 25/02/2022 về chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 199/QĐ-SGDĐT ngày 10/3/2022 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/08/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La; Ngành GD&ĐT đã tổ chức phối hợp, hợp tác với các tập đoàn viễn thông lớn, các tổ chức có thế mạnh, tiềm năng nhằm tư vấn, hỗ trợ công tác chuyển đổi số của Ngành.
Tỉnh đã triển khai khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT xây dựng, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cấp từ trường học, phòng, Sở, UBND tỉnh và Bộ GDĐT.
Đồng bộ phần mềm quản lý trường học từ mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên đảm bảo tối thiểu các mô đun quản lý học sinh, đội ngũ, kết quả học tập, cơ sở vật chất, xếp thời khóa biểu; sử dụng công nghệ trực tuyến; đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu từ trường đến phòng, Sở GDĐT.
Hướng dẫn giáo viên, học sinh và các nhà trường khai thác kho bài giảng e-Learning của Bộ GDĐT đã hỗ trợ học sinh tự học, tự ôn tập nâng cao kiến thức, giúp giáo viên tham khảo đổi mới nội dung phương pháp dạy học; tiếp tục khuyến khích giáo viên tham gia xây dựng bài giảng e-learning để đóng góp vào các kho bài giảng của trường, phòng, Sở và Bộ GDĐT.
Từ năm học 2016 Sở đã chỉ đạo triển khai sử dụng học bạ điện tử qua hệ thống SMAS, VNEDU, đến thời điểm hiện tại hầu hết các trường trung học trong tỉnh sử dụng hoàn toàn học bạ điện tử giúp giáo viên giảm bớt lao động thủ công trong việc nhập điểm vào sổ, giảm bớt sai sót trong học bạ.
Hệ thống dữ liệu quản lý thi tốt nghiệp THPT (trước đây là thi THPT quốc gia) triển khai nhập liệu và quản lý trực tuyến đồng bộ từ Bộ GDĐT, Sở GDĐT đến tất cả các trường và tới thí sinh trong tất cả các khâu từ đăng ký dự thi đến thông báo điểm. Từ năm 2021 tất cả các thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến.
Từ năm 2020 Sở GDĐT đã triển khai dự án ứng dụng CNTT trong kiểm định chất lượng giáo dục bằng hình thức quản lý khai báo trực tuyến, đến nay hệ thống đã được hoàn thiện và 100% trường học trên địa bàn toàn tỉnh được cấp tài khoản và bắt đầu đưa vào sử dụng.
Hồ sơ điện tử: Sở GDĐT đã chỉ đạo một số cơ sở giáo dục có cấp THPT nghiên cứu các phần mềm để quản lý hồ sơ của giáo viên. Tuy nhiên việc sử dụng ứng dụng SMAS, VNEDU hiện nay mới quản lý về hồ sơ của học sinh, ngoài ra ứng dụng VNEDU có bổ sung thêm quản lý hồ sơ của nhà trường tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu kiểm soát, quản lý kế hoạch dạy học của Giáo viên vì Kế hoạch dạy học của giáo viên được lưu trữ trong nhiều năm và cần có không gian đủ lớn để lưu trữ.
Bên cạnh đó cũng có một số khó khăn như: Nhận thức về chính quyền điện tử, chuyển đổi số một cách toàn diện và sâu rộng của nhiều đơn vị trong ngành còn ở mức thấp, chưa lồng ghép các ứng dụng công nghệ vào các chương trình, dự án, nhiệm vụ chuyên môn một cách hữu cơ.
Các hệ thống công nghệ thông tin bị lỗi thời, không phù hợp với sự phát triển của khoa học kĩ thuật hiện đại, không đáp ứng được các tiêu chuẩn cho chuyển đổi số, chính phủ điện tử. Nhiều phần mềm triển khai sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu không đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các yêu cầu kĩ thuật về kết nối liên thông, đồng bộ, không đảm bảo tính tương thích và theo chuẩn kết nối của trục liên thông quốc gia, không đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chính quyền số, chuyển đổi số.
Các ứng dụng CNTT mới chỉ đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, hiện nay ngành mới chỉ sử dụng nền tảng cơ sở dữ liệu ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai để thực hiện các nội dung thống kê, tổng hợp, báo cáo; chưa xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học tại các trường học.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật, các phần mềm, hệ thống hỗ trợ quản lý điều hành, dạy và học chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến việc cơ sở dữ liệu bị chia tách, không đồng nhất, không kết nối liên thông với nhau, không hỗ trợ việc thống kê, tổng hợp, điều hành chung trong toàn tỉnh.
Nhiều thiết bị, trang thiết bị về công nghệ thông tin đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng; nhiều máy tính cấu hình quá thấp không cài đặt được phiên bản Hệ điều hành mới nhất, không cài hoặc không tương thích được với nhiều phần mềm, thiết bị công nghệ mới. Các thiết bị đầu cuối sử dụng cho việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tập huấn trực tuyến không đồng bộ, hết niên hạn sử dụng, không tương thích với các phiên bản phần mềm mới hiện nay.
Tình trạng ứng dụng CNTT của các đơn vị vào các yêu cầu nghiệp vụ chuyên ngành còn mang tính tự phát, chưa ứng dụng sâu rộng, sử dụng dữ liệu trong công tác điều hành còn hạn chế…
Nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ cao còn thiếu và yếu ở nhiều đơn vị, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các nhà trường hay có sự thay đổi, thiếu ổn định, lâu dài…
Hệ thống an toàn, an ninh thông tin chưa đồng bộ, các thiết bị phần cứng, phần mềm bảo mật, tường lửa, phòng chống phát hiện truy cập trái phép; hệ thống sao lưu, phục hồi dữ liệu chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu; việc sao lưu, bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu chủ yếu thực hiện thủ công.
Nhiệm vụ chính của tỉnh hiện nay là, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị, cơ sở giáo dục (nhất là người đứng đầu của đơn vị) về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số, của CNTT&TT trong lĩnh vực giáo dục. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số: Rà soát nguồn lực CNTT; đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong toàn Ngành.
Phát triển nền tảng số trong giáo dục: Ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu; số hóa các văn bản, tài liệu của ngành giáo dục đối với tất cả các cấp học; xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC; trường, lớp học thông minh; hệ thống quản lý mọi mặt của nhà trường từ đồng bộ; dịch vụ công mức độ 3,4; hệ thống học, kiểm tra, đánh gia online; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo đồng bộ, thống nhất; trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ công tác dạy học, dạy học trực tuyến, dạy học STEM, STEAM; Xây dựng các cơ sở dữ liệu về quản lý giáo dục và đào tạo: Triển khai xây dựng và nâng cấp CSDL ngành, các module CSDL quản lý,... đảm bảo liên thông, đồng bộ.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cần hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền thay đổi nhận thức về chuyển đổi số; chương trình tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng năng lực về chuyển đổi số cho Ngành GD&ĐT.
Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hội thảo về chuyển đổi số và định hướng xây dựng giáo dục số cho Ngành. Tư vấn, hỗ trợ xây dựng dữ liệu (Big Data) phục vụ công tác chuyển đổi số; tư vấn khai thác sử dụng các module, phần mềm, ứng dụng trong quản lý và dạy học, các loại hồ sơ số trong nhà trường, mô hình trường/lớp học thông minh.
Hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo hướng nghiệp, đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn Tỉnh Sơn La gắn với chuyển đổi số. Ưu tiên cho Ngành các chương trình, đề án, dự án, CSVC, chuyển giao ứng dụng,... liên quan tới chuyển đổi số trong giáo dục.
Hỗ trợ giáo viên, CBQL và đặc biệt là học sinh trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng; các kỹ năng, nhận thức phòng chống độc hại trên không gian mạng.
Có thể bạn quan tâm
Techfest Sơn La: Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng
16:23, 04/06/2022
TECHFEST Sơn La: Phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của khu vực miền núi phía Bắc
09:49, 04/06/2022
TECHFEST Việt Nam 2022: Phát động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia
14:35, 22/03/2022