Lan toả kinh doanh liêm chính để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững
Muốn kinh doanh liêm chính và đạt được những giá trị của liêm chính thì doanh nghiệp khởi nghiệp phải có sự hiểu biết và luôn hành động đúng đắn ngay từ đầu, không vi phạm pháp luật.
Đó là chia sẻ của, Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Tổng Thư ký Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia tại buổi Khai giảng khóa đào tạo kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
>>Kinh doanh liêm chính mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt
Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động từ năm 2002.
Theo ông Phạm Hùng, năm 2020 đánh dấu sự hợp tác và hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc UNDP thông qua tài trợ của Quỹ Thịnh Vượng Anh để triển khai dự án có tên “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng cho Doanh nghiệp mới tại Việt Nam”. Đây là một hợp phần mới nằm trong dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch tại các nước ASEAN, giai đoạn 2018 - 2021tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dự án đã tạo sự đột phá khi hướng sự tập trung vào nhóm đối tượng mới là các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Dự án nhằm hướng tới 3 nội dung chính: thứ nhất, tập huấn khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính dành cho các giảng viên và doanh nghiệp khởi nghiệp/doanh nghiệp mới; thứ hai, xây dựng và đưa vào sử dụng bộ công cụ kinh doanh liêm chính (cho nhà đầu tư và startup); thứ ba, chatbot khởi nghiệp và kinh doanh liêm chính.
Ngay từ năm đầu tiên triển khai đào tạo khởi nghiệp liêm chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp/doanh nghiệp mới về cơ bản kết quả phản hồi rất tốt và có nhiều đề xuất, rất cần được tiếp tục tạo sự lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp. Cuối tháng 11/2021, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, với sự tài trợ của Vương quốc Anh trong phạm vi “Chương trình cải cách kinh tế ASEAN". Đây là phần kinh phí hỗ trợ bổ sung nên dự án được triển khai trong thời gian ngắn, khoảng 6 tháng. Các hoạt động chính của dự án sẽ tập trung vào đào tạo về kinh doanh liêm chính cho nhiều đối tượng khác nhau ở mức cơ bản, nâng cao và giảng viên nguồn, xây dựng bộ tài liệu về đào tạo liêm chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Phạm Hùng chia sẻ.
Khóa đào tạo nâng cao về kinh doanh liêm chính nằm chuỗi các hoạt động đào tạo khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia cho cộng đồng khởi nghiệp trong năm 2022. Đây cũng là khóa thực hành cuối cùng về kinh doanh liêm chính trong năm 2022. Từ đầu năm Ban tổ chức đã thực hiện đào tạo 2 khóa cơ bản về kinh doanh liêm chính, 01 khóa đào tạo giảng viên nguồn TOT, 01 lớp nâng cao, ông Phạm Hùng cho biết.
Bên cạnh đó còn có những buổi tọa đàm về kinh doanh liêm chính với sự tham gia của các diễn giả là doanh nhân. Đặc biệt, Ban tổ chức đã tiến hành ghi hình bài giảng kinh doanh liêm chính, kết thúc dự án, sẽ public rộng rãi các video bài giảng trên các website của Diễn đàn doanh nghiệp, cổng thông tin Khởi nghiệp và Fanpage Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia.
Từ năm 2020 đến nay, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã tổ chức đào tạo 07 khóa cơ bản và nâng cao cho doanh nghiệp trẻ/doanh nghiệp khởi nghiệp, thu hút khoảng 200 học viên tham dự; 02 khóa đào tạo giảng viên nguồn - 80 học viên; Riêng đối với các lớp nâng cao, chúng tôi đã tổ chức được 01 lớp (ngày 6/5/2022 có trên 40 học viên) và lớp hôm nay, theo đăng ký trực tuyến, có 50 bạn đăng ký tham dự, ông Phạm Hùng nhận định.
Tại khóa đào tạo nâng cao về kinh doanh liêm chính, các học viên hãy nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và lĩnh hội thêm nhiều kiến thức bổ ích để tiếp tục tạo lan tỏa về kinh doanh liêm chính, ông Phạm Hùng mong muốn.
Có thể bạn quan tâm